Tài chính

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh chuyên gia kinh tế kêu gọi đầu tư

28/11/2024, 16:30

Nhiều đối tượng lừa đảo mạo danh chuyên gia kinh tế, doanh nhân nổi tiếng để tạo lòng tin, kêu gọi đầu tư vào các dự án tài chính mập mờ, với thủ đoạn ngày càng tinh vi trong môi trường số hóa.

Mạo danh nhiều chuyên gia nổi tiếng

Hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để mạo danh chuyên gia kinh tế kêu gọi đầu tư, đặc biệt trên mạng xã hội. Chúng tạo tài khoản giả mạo, sử dụng hình ảnh và tên tuổi của các chuyên gia nổi tiếng để xây dựng lòng tin, đồng thời hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường, không rủi ro, hoặc thời gian hoàn vốn nhanh để hấp dẫn nạn nhân.

Nhiều trường hợp, các đối tượng còn tổ chức hội thảo trực tuyến, sự kiện gặp mặt với sự tham gia của "chuyên gia" giả mạo và cung cấp các tài liệu, báo cáo tài chính làm giả một cách tinh vi.

Chúng thường sử dụng các biểu đồ, chỉ số kinh tế sai lệch để thuyết phục nạn nhân đầu tư vào các dự án ảo, đồng thời đưa ra các thông tin sai sự thật về mối quan hệ hợp tác với người nổi tiếng hoặc doanh nghiệp lớn để tăng độ tin cậy.

Ngoài ra, chúng còn tìm cách chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh chuyên gia kinh tế kêu gọi đầu tư- Ảnh 1.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin có người mạo danh kêu gọi đầu tư, TS Cấn Văn Lực đã phải phát đi thông báo đính chính. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo ghi nhận, trong tuần qua, một số trang mạng xã hội đăng tải quảng cáo mạo danh TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mời gọi đầu tư với lời rao như: "Tham gia nhóm Zalo của tôi, mỗi ngày chọn một cổ phiếu chất lượng; tự tay tôi sẽ chọn cổ phiếu tăng giá trong tháng 11, 1000 thành viên đăng ký đầu tiên sẽ được miễn phí...".

Với thông tin này, TS. Cấn Văn Lực đã có trao đổi với phóng viên nhằm đính chính thông tin trên. Ông cho biết, bản thân không sử dụng Facebook trong một thời gian dài và hoàn toàn không tham gia các chương trình đào tạo hay huấn luyện đầu tư đa cấp với hình thức giảm giá như vậy.

Các nhà đầu tư và người dân cần đặc biệt cẩn trọng với những thông tin quảng cáo tương tự, tốt nhất nên kiểm tra chéo bằng cách gọi điện thoại hoặc nhắn tin trực tiếp để xác minh. Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên mạng rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là việc mạo danh không chỉ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia chứng khoán mà còn cả các cơ quan chức năng như thuế, ngân hàng.

Trước trường hợp của TS. Cấn Văn Lực, nhiều đối tượng khác cũng đã có hành vi sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh và giọng nói của các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, như Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, nhằm lừa gạt nhà đầu tư. Các đối tượng này mạo danh lãnh đạo của công ty chứng khoán SSI để kêu gọi tham gia đầu tư vào các nhóm chứng khoán "chuyên nghiệp" trên các nền tảng như Zalo và Facebook, đồng thời hứa hẹn các lợi nhuận cao và nhanh chóng.

Ngoài việc giả mạo lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều đối tượng cũng lợi dụng tên tuổi các chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu để dụ dỗ người dân đầu tư vào các cổ phiếu không rõ nguồn gốc.

Tỉnh táo trước chiêu trò lừa đảo

Theo TS. Cấn Văn Lực, hầu hết các chương trình quảng cáo, đào tạo, huấn luyện, hoặc mời gọi đầu tư trên không gian mạng với hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế đều là giả mạo và mang tính lừa đảo, cần được chú ý cẩn thận. Ngay khi phát hiện vấn đề, cần kiểm tra chéo ngay lập tức và nếu đã mất tiền, hãy báo cáo với cơ quan công an để được hỗ trợ điều tra.

Trên cơ sở đó, để bảo vệ mình khỏi các vụ lừa đảo đầu tư, người dân và nhà đầu tư cần thận trọng và kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng. Trước hết, hãy xác minh danh tính của chuyên gia qua các kênh chính thức, như trang web công ty hoặc các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực.

Ngoài ra, cần tìm hiểu chi tiết về dự án, công ty hoặc sản phẩm tài chính được giới thiệu, đảm bảo rằng thông tin là minh bạch và có cơ sở. Các lời mời gọi đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao mà không có rủi ro thường đi kèm với những nguy cơ lớn hoặc là lừa đảo, do đó phải đặc biệt cảnh giác với những lời hứa về lợi nhuận lớn và nhanh chóng.

Đồng thời, tránh chia sẻ thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, mã OTP hay các thông tin nhạy cảm với bất kỳ ai qua điện thoại hoặc tin nhắn không xác minh. Để an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính độc lập hoặc ngân hàng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh chuyên gia kinh tế kêu gọi đầu tư- Ảnh 2.

Nhà đầu tư không có kinh nghiệm đang trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Sutterstock.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phát đi thông báo khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng (app), diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.

Nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác, đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.