Bạn cần biết

Cảnh giác trẻ béo phì dễ mắc tiểu đường

25/10/2017, 08:04

Béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như: Rối loạn lipid máu, viêm gan, tăng huyết áp, đái tháo đường...

20

Điều trị béo phì ở trẻ em rất khó khăn vì cha mẹ trẻ thường không nghĩ béo phì là bệnh (ảnh minh họa)

Gia tăng bệnh nhi mắc đái tháo đường vì… béo phì

Chị Nguyễn Bích C. (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thấy con có dấu hiệu sút cân lại hay mệt mỏi, đưa con đi khám chị bất ngờ khi bác sĩ cho biết, con trai chị mới 10 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2, tuy thể nhẹ. Bé Kin đã nặng hơn 50kg. Theo bác sĩ điều trị, nguyên nhân con trai chị mắc đái tháo đường là do trẻ béo phì, dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Theo lời chị C., cách đây 4 năm, đưa con đi khám dinh dưỡng chị cũng đã được bác sĩ cảnh báo con chị đã chớm sang ngưỡng béo phì, cần “hãm" để tránh hậu họa. Thế nhưng, chị càng ra sức “hãm” thì bé Kin lại càng được ông bà lén lút tiếp tế, khiến cân nặng vẫn cứ tăng đều đều. “Chỉ mỗi chuyện "hãm" ăn cho con mà cả nhà nháo nhào, để yên ấm nhà cửa, mình đành chịu thua ông bà nội. Giờ ra nông nỗi này là do mình không kiên quyết thực hiện chế độ ăn cho con”, chị C. than trách.

"Ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân, béo phì cũng tương đương. Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay, chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự gia tăng của tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì”.

TS. Trương Hồng Sơn
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc BV Nội tiết T.Ư, nếu như trước đây bệnh nhân mắc đái tháo đường thường ở độ tuổi 40-50, thì nay, bác sĩ đã khám và điều trị cho nhiều trẻ 12, 13 tuổi, thậm chí nhỏ hơn mắc đái tháo đường type 2 vì thừa cân, béo phì. “Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì lại bắt nguồn từ thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ, nhưng lại lười vận động. Đơn cử, trẻ ăn 100g phô mai, để tiêu thụ được hết số năng lượng từ thực phẩm này, trẻ phải đi bộ nhanh 20km. Hay như với bim bim, chỉ một gói nhưng lại cung cấp năng lượng và chất béo hơn một bát cơm đầy. Do vậy, nếu một ngày trẻ nạp một gói bim bim, cùng miếng phô mai, năng lượng tích tụ nhưng trẻ lại ít vận động sẽ sinh béo phì và đây là nguy cơ gây bệnh tiểu đường”, BS. Dương phân tích.

“Dùng quá nhiều nước ngọt có ga cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì, bởi trong nước ngọt chứa nhiều đường đơn, gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn chất béo”, TS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.

Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, điều đáng nói là có tới gần 50% các bà mẹ không chịu nhìn nhận đúng về cân nặng của con mình. Qua khảo sát thực tế, nhiều cha mẹ luôn than phiền con còi cọc, lười ăn khi trẻ đã đạt chuẩn về cân nặng và chiều cao; nhiều trẻ thừa cân trong khi cha mẹ vẫn đánh giá con bình thường. TS. Từ Ngữ phân tích, nguyên nhân chính khiến béo phì trẻ em tăng phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ (chiếm 90%) và trẻ lười vận động. Trẻ hiện ăn quá nhiều thức ăn nhanh, khẩu phần ăn ở trường thừa protein, thiếu chất xơ và vi chất…

TS. Từ Ngữ khẳng định: “Béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não, chứng ngưng thở khi ngủ…”.

Cần điều trị “bệnh” béo phì

Về thực tế điều trị béo phì trẻ em, TS. Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Trung ương thừa nhận rất khó khăn vì cha mẹ trẻ thường không nghĩ béo phì là bệnh.

“Chúng ta cần xác định béo phì là bệnh, có bệnh thì phải chữa. Vì không nghĩ béo phì là bệnh nên người ta chỉ đề cập đến phòng ngừa thừa cân béo phì mà không nói việc điều trị bệnh béo phì. Tuy nhiên, cũng thừa nhận thực tế, việc điều trị thừa cân, béo phì rất khó khăn, tốn thời gian và cần sự kiên trì”, TS. Thục nói.

Theo BS. Thục, để phòng chống béo phì, cách hiệu quả nhất là khuyến khích trẻ có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, trung bình cần 60 phút/ngày. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo. Cũng nên xây dựng chế độ, khẩu phần dành riêng cho trẻ thừa cân, béo phì.

Ở gia đình, do trẻ em đang phát triển cần ăn đủ chất đạm (như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá ít béo, giò nạc, sữa đậu nành, phô mai cứng, đậu đỗ) để đảm bảo cho trẻ phát triển… Đồng thời, cha mẹ nên giảm các thức uống có đường, đó là cách dễ nhất để giảm thừa cân, béo phì. “Cha mẹ nên rèn cho trẻ bỏ thói quen vừa ăn vừa đọc hay xem tivi... vì dễ mất kiểm soát thành ăn quá nhiều. Nên ngừng ăn ngay khi không đói. Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ sẽ hạn chế được lượng ăn vào”, BS. Thục chia sẻ.

BS. Thục cũng lưu ý: “Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng bỏ bữa sáng hay ăn ít trong bữa sáng hơn trẻ gày. Tuy nhiên, việc bỏ bữa sáng lại có thể là nguy cơ tăng tích lũy mỡ, đặc biệt ở thanh, thiếu niên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.