Y tế

Cảnh giác viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết khi vào hè

02/06/2020, 13:30

Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản đứng hàng đầu, chủ yếu mắc là trẻ em từ 2 - 8 tuổi, tuy nhiên vài năm gần đây lại rơi vào trẻ lớn (8 - 15 tuổi).

img
Bệnh nhi điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi T.Ư

Mùa hè là mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản (thường từ tháng 5 - 7), trong khi đỉnh điểm của bệnh sốt xuất huyết cũng thường rơi vào khoảng tháng 6, tháng 7. Nếu không cảnh giác, đến viện muộn có thể để lại hậu quả đáng tiếc.

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản

Tại phòng bệnh của Trung tâm Y học lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư, bé trai V.T.K. (10 tuổi, trú tại Nam Sách, Hải Dương) dù đã tỉnh táo hơn sau 10 ngày nhập viện, nhưng vẫn hạn chế vận động vì nửa người bên trái vẫn yếu. Đó là di chứng của căn bệnh viêm não Nhật Bản mà bé K. đang mắc phải.

Ngoài viêm não, sốt xuất huyết, cần lưu ý các bệnh lý khác trong ngày hè như tay chân miệng, thủy đậu, ho gà… Với những bệnh có vaccine, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm đầy đủ, tăng cường đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách luôn giữ bàn tay sạch, đồ chơi sạch, không ăn uống chung. Ngoài ra, trẻ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giấc và giữ gìn nhà cửa thông thoáng, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng dễ tạo môi trường cho muỗi sinh sôi, phát triển.
TS.BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư


Chị N.T.H. (30 tuổi, mẹ bé K.) cho hay, từ nhỏ cháu K. rất ít đau ốm. Cách đây hơn 10 ngày cháu bị sốt, đau đầu, họng đỏ, nghĩ con bị viêm họng nên chị mua thuốc về cho con uống. Nhưng sau đó một ngày, bé K. sốt cao hơn và buồn nôn. Sang ngày thứ ba cháu K. sốt 40 độ, co giật, nôn, yếu nửa người bên trái…, lúc đó gia đình mới cho con tới BV Nhi Hải Dương khám và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Do tình trạng ngày một nặng, bệnh nhi K. buộc chuyển cấp cứu về BV Nhi T.Ư.

Chia sẻ về ca bệnh này, Ths.BS. Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết, bé K. vào nhập viện trong tình trạng phù não rất nặng do có tổn thương từ viêm não Nhật Bản. Khi chuyển tới cấp cứu tại BV Nhi T.Ư, bé phải thở oxy, hôn mê. Các bác sĩ đã điều trị bằng thuốc kháng virus và chống phù não, hạ sốt, tuy nhiên tiến triển bệnh nặng hơn, phải đặt ống nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ liên tục. May mắn, hai ngày sau bé đáp ứng tốt nên được cai máy thở.

Sức khỏe bé K. cũng dần hồi phục sau 10 ngày điều trị, tuy chân và tay bên trái vẫn yếu cần tiếp tục điều trị phục hồi chức năng. “Bác sĩ có nói gia đình kiên trì điều trị phục hồi chức năng theo đúng phác đồ, khả năng 6 tháng sau con có cơ hội dần phục hồi sức khỏe”, chị H. chia sẻ.

TS.BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, BV Nhi T.Ư tiếp nhận gần 100 ca mắc viêm não, trong đó có 2 trường hợp viêm não Nhật Bản, còn lại viêm não do herpes, virus khác. Tuy nhiên, BS. Lâm khuyến cáo cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì mùa hè là mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản (tháng 5 - 7). Theo BS, mọi năm tháng 5 - 7 là mùa dịch, nhưng năm nay do dịch Covid-19 nên bệnh nhân chủ yếu điều trị ở tuyến dưới, ca nặng mới chuyển lên tuyến trên. Những năm trước, trung bình BV Nhi T.Ư tiếp nhận từ 300 - 500 ca viêm não/năm, trong đó 1/5 là viêm não Nhật Bản. Gần đây, cha mẹ đã có ý thức tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho con tốt hơn, nên số ca mắc đã giảm, khoảng 250 - 300 ca viêm não nói chung/năm.

Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản đứng hàng đầu, chủ yếu mắc là trẻ em từ 2 - 8 tuổi, tuy nhiên vài năm gần đây lại rơi vào trẻ lớn (8 - 15 tuổi), với tỷ lệ tử vong chiếm 5 - 7%. “Viêm não Nhật Bản lây qua đường máu và cần có vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Tuy vậy, đây là bệnh có thể phòng được nhờ có vaccine phòng bệnh. Những trẻ mắc viêm não Nhật Bản ở thể nặng thường do không tiêm phòng vaccine đầy đủ và không tiêm nhắc lại.

Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng dịch

TS.BS. Nguyễn Kim Thư Trưởng khoa Virus ký sinh trùng, BV Nhiệt đới T.Ư chia sẻ, hiện nơi đây cũng lác đác tiếp nhận điều trị với các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu nặng. “Thông thường chu kỳ 2 - 4 năm có đợt bệnh nặng, cao điểm sốt xuất huyết đã rơi vào các năm 2017 và 2019. Năm nay không thuộc chu kỳ bệnh nhưng vẫn không khỏi lo lắng trước sự bùng phát của dịch, vì thời tiết nóng ẩm trong những ngày hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Và đỉnh điểm sốt xuất huyết thường rời vào tháng 6, 7 đến tháng 11, 12”, bà Thư cho biết.

Theo BS. Thư, bệnh sốt xuất huyết có nhiều mức độ khác nhau. Thông thường ủ bệnh từ 1 - 2 ngày, sốt cao, đau mỏi người, nhức đầu và hốc mắt; từ ngày thứ 5 có dấu hiệu của xuất huyết. “Những ngày đầu, người bệnh thường có khả năng nhầm với bệnh khác như sốt virus nên dễ chủ quan, khiến diễn biến nặng mới đi xét nghiệm, khi đó tiểu cầu giảm, nôn nhiều, tiểu ít, cô đặc máu…, thậm chí có thể tử vong nếu đến viện muộn”, BS. Thư khuyến cáo.

Bà Thư cũng nhấn mạnh, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt. Mặc dù bệnh lành tính nhưng biến chứng của bệnh có thể khiến bệnh nhân tử vong. “Sốt xuất huyết thường có những diễn biến phức tạp và biến chứng đối với các nhóm đối tượng trẻ em, thai phụ và người già. Với trẻ em mắc sốt xuất huyết dễ dẫn tới mất nước và tụt huyết áp, với thai phụ có thể dẫn đến thai lưu hoặc dọa sảy thai. Còn với người cao tuối, vốn có bệnh lý nền, có thể làm bệnh nhân nặng hơn khi nhiễm bệnh…”, bà Thư phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.