Vận tải

Cảnh giác với khủng bố trên xe buýt Việt Nam

23/12/2015, 06:55

Xe buýt được coi là loại phương tiện dễ được phần tử khủng bố lựa chọn để thực hiện các hành vi khủng bố.

7

Xe buýt là loại phương tiện được nhiều người lựa chọn, hệ thống xe buýt có đặc điểm dễ dàng khiến loại hình vận tải này trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố - Ảnh: Tạ Tôn

Xe buýt được coi là loại phương tiện dễ được các phần tử khủng bố lựa chọn để thực hiện các hành vi khủng bố. Do vậy, trang bị kiến thức và nhận thức phòng chống cho cán bộ, nhân viên trên xe buýt là rất cấp thiết.

Không để bị động trong các tình huống

Ngày 22/12, lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức lớp tập huấn công tác an ninh - phòng chống khủng bố trên xe buýt. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, những năm gần đây, hoạt động khủng bố trên thế giới diễn ra với tính chất, mức độ và quy mô ngày càng phức tạp. Phạm vi không còn nằm trong giới hạn của một quốc gia mà đã mang tính toàn cầu và đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của hầu hết các quốc gia, khu vực.

Từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 8.550 vụ khủng bố, làm 71 nghìn người chết và hơn 120 nghìn người bị thương, trong đó có tới 58% số vụ (5 nghìn vụ) nhằm vào hệ thống GTVT hoặc sử dụng phương tiện GTVT để tấn công khủng bố. Trong số này, có 33 vụ khủng bố nhằm vào hệ thống xe buýt, trạm dừng xe buýt làm 511 người chết, 1.216 người bị thương.

“Việt Nam đến nay chưa xảy ra khủng bố quốc tế cũng như khủng bố nhằm vào hệ thống GTVT. Tuy nhiên, trong những năm qua cũng đã xảy ra hàng chục vụ đặt bom mìn gây nổ, mang tính chất khủng bố tại các địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Dương… Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện một số vụ gửi bưu phẩm, bưu kiện chứa vũ khí, chất nổ vận chuyển trái phép qua máy bay, tàu hỏa, xe khách”, Thứ trưởng Nhật nói và cho biết, các tuyến xe buýt với lộ trình đa dạng, xe lưu thông qua những khu vực đặt trụ sở cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường học, trung tâm giải trí… Vì vậy, cần đặc biệt bảo đảm an ninh, an toàn trên xe buýt.

Hiện, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt hầu như chưa được trang bị kỹ năng xử lý tình huống, công tác kiểm tra an ninh, phòng, chống khủng bố. Các biện pháp mới đơn thuần là kiểm tra đơn giản, hiệu quả chưa cao. “Vì thế, phải tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng phòng chống khủng bố cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”, Thứ trưởng Nhật yêu cầu.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận thức sự nguy hiểm của khủng bố đối với an ninh, trật tự trong hoạt động vận tải bằng xe buýt, việc tập huấn nội dung này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong hoạt động vận tải bằng xe buýt, từ đó xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, phòng, chống khủng bố hiệu quả.

Ngăn chặn khủng bố xe buýt như thế nào?

Theo Đại tá Hà Minh Trân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (A67 - Bộ Công an), quan trọng nhất là phải chủ động phòng ngừa, không để khủng bố xảy ra trong bất cứ trường hợp nào. Xe buýt là loại phương tiện được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, hệ thống xe buýt có đặc điểm dễ dàng khiến loại hình vận tải này trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Trong khi những vụ tấn công nhằm vào máy bay, sân bay… đòi hỏi quá trình tổ chức kỹ lưỡng, tinh vi, phức tạp, thì khủng bố trên xe buýt thực hiện rất đơn giản do không có hệ thống kiểm soát…

“Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2001 đến nay, lĩnh vực GTVT tại Việt Nam đã xảy ra hàng chục vụ hoang tin có bom trên tàu bay, đe dọa khủng bố các hãng hàng không, rải đinh, mảnh thuỷ tinh trên đường băng, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ qua đường hàng không, chất cháy nổ trên xe khách”, Đại tá Trân nói và thông tin về vụ tự chế tạo rồi cài mìn gây nổ kinh hoàng trên xe khách giường nằm tại Nghệ An xảy ra ngày 30/9/2014 làm tài xế và hai phụ xe bị thương nặng. Hay như năm 2013, xảy ra vụ nổ tại phòng vé nhà xe Phương Trang tại Cần Thơ làm một người chết, hai người bị thương nặng do đối tượng tự chế tạo thuốc nổ rồi thực hiện.

Từ thực trạng trên, theo ông Trân, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ GTVT cần rà soát, xác định tổng số tuyến xe buýt để xây dựng phương án xử lý tình huống khủng bố có thể xảy ra và tổ chức công tác phòng ngừa, luyện tập, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho cán bộ, công nhân viên và hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.