Thời sự

Cảnh giác với luồng tin bịa đặt

05/01/2015, 08:09

Một số trang web, tờ báo hải ngoại tung ra những thông tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc với suy diễn nguy hiểm nhằm hạ thấp uy tín một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc, đồng chí Lê Hồng Anh Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư cho biết
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc, đồng chí Lê Hồng Anh Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư nhấn mạnh báo chí cần kiên quyết đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái, nhất là những thông tin xấu, độc trên mạng Internet do các thế lực thù địch, phản động tung ra nhằm chống phá Đảng, nhà nước, nhân dân.

Đây là chiêu trò không mới của những phần tử cơ hội khi nhào nặn thông tin để “ném đá giấu tay” nhằm phá hoại nhiều mặt. Việc cảnh giác, không tin, không lan truyền những thông tin kiểu ấy luôn cần thiết.

Thông thường, trước mỗi kỳ Đại hội hay Hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch thường tung ra nhiều thông tin “hậu trường chính trị” nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Giữa năm 2012, khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng thì một số trang mạng “... làm báo” liên tiếp tung ra các thông tin xuyên tạc các chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động tài chính - ngân hàng cùng với các thông tin bịa nhằm hạ thấp uy tín một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Qua đó đã tạo ra dư luận đồn đoán theo hướng tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội. Sang năm 2013, rồi từ cuối năm 2014 đến nay, tình trạng vu khống, nói xấu cán bộ cấp cao lại tiếp diễn.

Ngày 29.12.2014 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, vấn đề xử lý thông tin xấu độc đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015”.

Trong thực tế, không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta mà các đại biểu Quốc hội, phần lớn cán bộ, đảng viên và người dân đều nhận diện chân tướng của những trang tin “hậu trường chính trị” như trên. Tại các kỳ họp thứ 6, thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều lưu ý các đại biểu Quốc hội thận trọng trước những thông tin “ngoài luồng”, có ý đồ xấu. Và sự thật thì những thông tin đó không đánh lừa được xã hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã tỏ rõ “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chính kết quả trong nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ chủ chốt mới là thước đo phẩm chất, năng lực, đánh giá uy tín của họ.

Về mặt lâu dài, cần có các biện pháp ngăn chặn, xử lý những trang mạng xấu độc như trên. Theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, bản chất của các thế lực thù địch không bao giờ thay đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, không mơ hồ, ảo tưởng. Tuy nhiên, cũng không nên quy chung một rọ những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Đối với những người còn có nhận thức khác, cần chủ động tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều, cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhắc đến câu của A.Einstein mà ông tâm đắc, đại ý: Thảm họa của xã hội không phải nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng. Mà kẻ xấu thì bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với những người không xấu song im lặng. Nếu toàn Đảng và toàn xã hội làm tốt hơn việc phát huy dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình, đẩy lùi những sự “im lặng đáng sợ” thì chắc chắn sẽ không còn đất sống cho các web, blog có nội dung xấu.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã khẳng định: “Những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể bằng pháp luật vì nó vi phạm đến nhân phẩm, uy tín cá nhân, quyền công dân của người khác”. Mặt khác, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước; các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Chúng ta cần luôn nhanh chóng nói đúng bản chất sự việc, nói có tính định hướng để công chúng hiểu”.

Theo Nguyên Minh/Thanh niên 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.