Hỏi - Đáp

Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông?

27/04/2022, 16:26
image

Luật sư cho biết, CSGT được phép sử dụng vũ lực để trấn áp người vi phạm trong một số trường hợp nhất định.

Liên quan đến việc một CSGT có hành vi lên gối, vật ngã và dùng chân đạp một nam thanh niên ngay ngã tư giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con (thuộc địa bàn quận 1, TP.HCM), Phòng CSGT TP.HCM đã thông tin, do người vi phạm cố tình tăng ga, tông thẳng vào người CSGT buộc vị CSGT phải kéo và quật ngã nam thanh niên xuống đường.

Sự việc khiến nhiều người băn khoăn hỏi: "CSGT có được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm? Nếu được dùng vũ lực thì trong trường hợp nào?".
img

Hình ảnh CSGT Công an TP.HCM khống chế người vi phạm (ảnh cắt từ clip)

Ngày 27/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoạn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ quy định, CSGT có những quyền như dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách hay sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Thông tư không quy định CSGT có quyền đánh người vi phạm hay dùng vũ lực với người vi phạm.

Tuy nhiên, Nghị định 208/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ có thể sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế.

Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng. Mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương.

"Trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì CSGT được sử dụng ngay vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ", luật sư Cường thông tin thêm.

>>> Video: CSGT khống chế người đi xe máy rẽ trái vào đường Ký Con:

Với tài xế có hành vi chống đối người thực thi công vụ, luật sư Cường cho biết, tài xế này có thể phải đối diện việc xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn, Điều 330, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích thêm: Theo quy định trên, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Nếu chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:Phạt tiền từ 1 - 4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.

Theo báo cáo của Đội CSGT Bến Thành, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM, ngày 26/4, Đại úy Trần Xuân Chính làm nhiệm vụ chỉ huy điều khiển giao thông tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con, quận 1, TP.HCM.

Tại đây có biển báo cấm tất cả phương tiện rẽ trái và quay đầu xe vào đường Ký Con, và đa số phương tiện chấp hành nghiêm túc.

Tuy nhiên, một người đàn ông điều khiển xe máy biển số 67FH-5533 cố tình không tuân thủ, vẫn tiếp tục rẽ trái vào đường Ký Con. Đại úy Chính nhắc nhở nhưng người này không chấp hành nên cán bộ CSGT đã lái xe mô tô đặc chủng dừng được phương tiện tại góc giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt.

CSGT đã thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu người đàn ông xuất trình giấy tờ liên quan đến người, phương tiện để kiểm soát nhưng người này không chấp hành, cố tình tăng ga bỏ chạy. Lúc này, Đại úy Chính đứng trước đầu xe và yêu cầu chấp hành nhưng người này vẫn tiếp tục rồ ga húc vào người CSGT.

Đại úy CSGT đã phải kéo và quật ngã tài xế xe máy 67FH-5533 xuống đường và liên hệ nhờ sự hỗ trợ của tổ tuần tra, kiểm soát đến làm việc. Tài xế xe máy 67FH-5533 đã trình bày có việc gấp của gia đình nên không làm chủ được bản thân, mất bình tĩnh dẫn đến có thái độ và hành động không đúng với lực lượng CSGT.

Tài xế xe máy 67FH-5533 đã xin lỗi Đại úy Chính, tổ công tác và xin được thông cảm, bỏ qua để tiếp tục đi lo giải quyết việc gia đình. Sau khi nhắc nhở tài xế này, Tổ công tác đã cho đi để lo giải quyết việc gia đình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.