Vận tải

“Cảnh sát giao thông” giúp phi công... không lạc đường

22/05/2015, 07:55

Kiểm soát viên không lưu được ví như "cảnh sát giao thông"... trên trời.

41
Kiểm soát viên không lưu Việt Nam đang làm nhiệm vụ - Ảnh: Nguyễn Hưng

“Đối với giao thông đường bộ, người ta sử dụng hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng cảnh sát giao thông để điều phối các phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Còn với hàng không, để đảm bảo an toàn bay, cần sự phối hợp, liên kết từ nhiều bộ phận, trong đó có vai trò quan trọng của các kiểm soát viên không lưu”, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) Nguyễn Đình Công nói.

Cụ thể, theo ông Công, kiểm soát viên không lưu là những người làm công việc phân luồng đường bay, sắp xếp máy bay một cách trật tự, giữ khoảng cách an toàn giữa các chuyến bay. “Hay nói đơn giản, công việc của họ cũng gần giống như công việc của các cảnh sát giao thông, chỉ khác phương tiện mà họ điều hành lưu thông ở trên trời”, ông Công chia sẻ.

Thực tế, kiểm soát viên không lưu chính là người giúp các phi công biết chính xác vị trí của mình trong khi bay để không bị lạc đường. Họ cũng chính là người điều hành để nhiều tàu bay đến sân bay hạ cánh cùng một thời điểm mà không bị trùng nhau và không xảy ra va chạm.

“Người trực tiếp điều khiển máy bay, đảm bảo an toàn cho chuyến bay là phi công. Người hướng dẫn, phục vụ hành khách trên chuyến bay là tiếp viên hàng không, còn kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay đi đến, cất hạ cánh. Kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ. Họ phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm cho toàn giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay. Một kiểm soát viên không lưu giỏi phải luôn có được cái nhìn bao quát, giống như khi chơi một ván cờ. Nếu anh chỉ tập trung góc này, góc kia thì dễ vỡ trận, mất tướng như chơi”, ông Công ví von.

42

Kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay khởi động tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh

Trở thành kiểm soát viên không lưu không dễ

Với mức thu nhập lên tới vài chục triệu đồng/tháng, kiểm soát viên không lưu được coi là một trong những nghề thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, để trở thành một kiểm soát viên không lưu lại không hề đơn giản. Một nhân viên tại Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội cho biết, các kiểm soát viên phải luôn tập trung quan sát, phân tích tình huống, huấn lệnh dứt khoát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. 2 giờ mỗi ca, 8h một ngày và trong suốt ca trực không được rời khỏi vị trí nửa bước.

“Để trở thành một kiểm soát viên không lưu giỏi, cần phải nhanh nhẹn, quyết đoán, tính toán tốt để đảm bảo giãn cách giữa các tàu bay.

Tổng công ty Quản lý bay VN hiện nay có gần 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc, hàng ngày điều hành trên 16 nghìn chuyến bay trong nước, quốc tế. Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề này phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với phi công và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

Trước những tình huống ảnh hưởng đến an toàn bay có thể xảy ra như có chim trời trong khu bay, có chướng ngại vật… hoặc khi tàu bay bị trục trặc, kiểm soát viên không lưu sẽ phải nhanh nhạy trong việc đưa ra phương án giải quyết. Để mỗi chuyến bay an toàn, mỗi kiểm soát viên không lưu phải luôn trong tình trạng sẵn sàng xử lý tình huống”, anh nói.

Ngoài các yếu tố trên, các kiểm soát viên không lưu cần phải có khả năng thành thạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) để tương tác hiệu quả với các phi công đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khi điều hành bay.

Tổng giám đốc VATM Phạm Việt Dũng cho biết, giai đoạn 2014 - 2017, VATM sẽ cần ít nhất 128 kiểm soát viên cho các vị trí công việc. Con số tương ứng trong giai đoạn tiếp theo 2017-2020 lên tới hơn 180 người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội trở thành kiểm soát viên khá rộng mở.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, hai cơ sở trong nước đang đào tạo nghề kiểm soát viên không lưu là Học viện Hàng không VN và Trung tâm Đào tạo-Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay lại chưa đáp ứng được nhu cầu của Tổng công ty. Chưa bàn đến chất lượng, chỉ tính về số lượng, mỗi năm Học viện Hàng không VN cũng chỉ đào tạo tối đa là 30 người. Riêng về đào tạo ở hệ đại học đã tạm dừng tuyển sinh.

Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay cũng mới đào tạo được một khóa cơ bản kiểm soát viên không lưu cho 30 người, chưa có kế hoạch tuyển dụng đào tạo khóa thứ hai. Đấy là chưa nói đến việc cơ sở vật chất phục vụ cho huấn luyện cơ bản của Trung tâm chưa được đầu tư đầy đủ; Các chế độ, chính sách khuyến khích phát triển giáo án, chương trình đào tạo chưa được quan tâm.

“Xã hội hóa đào tạo là phương án tốt nhất hiện nay để nhanh chóng có được một lực lượng kiểm soát viên không lưu chất lượng kịp thời bổ sung nhu cầu của VATM trong thời gian tới”, ông Dũng nói và cho biết, thông qua xã hội hóa công tác đào tạo, huấn luyện cơ bản kiểm soát viên không lưu tiến hành minh bạch hóa và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, sử dụng, đãi ngộ lực lượng kiểm soát viên không lưu.

Được biết hiện tại, VATM đang có tuyển chọn học viên để đào tạo kiểm soát viên không lưu tại nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Tổng công ty cũng cam kết tuyến dụng và ký hợp đồng lao động với các học viên này sau khi tốt nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.