Xã hội

Cảnh vệ được nổ súng bảo vệ yếu nhân trong trường hợp nào?

27/08/2016, 15:35
image

Ngoài các trường hợp được nổ súng, cảnh vệ cũng có quyền huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ...

canh-sat-lai-mo-to-sieu-khung-bao-ve-yeu-nhan-nhun

Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định cụ thể hơn về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ...

Dự thảo Luật Cảnh vệ vừa được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua đã quy định cụ thể hơn về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Theo quy định của Dự thảo Luật, các sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng trong các trường hợp: Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện của lực lượng vũ trang, cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác cảnh vệ, trừ trường hợp người, tài sản, phương tiện thuộc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và những người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tài sản, phương tiện có thể được trưng dụng gồm: Các vật dụng, tài sản, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông (kể cả huy động người sử dụng, điều khiển các phương tiện đó) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đơn vị lực lượng vũ trang.

Xem thêm video bên trong phi cơ tối tân nhất Thế giới bảo vệ Tổng thống Mỹ

Sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt, cơ quan, người trưng dụng, huy động có trách nhiệm trả lại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, vật dụng và tài sản đã trưng dụng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Nếu vật dụng, tài sản, phương tiện được trưng dụng, huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan trưng dụng, huy động phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trước đây, Pháp lệnh Cảnh vệ quy định đối tượng cảnh vệ gồm Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội. Các nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Các Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Lần này, Chính phủ đề xuất thêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND cao, Viện trưởng VKSND tối cao cũng là đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành; vì khi bổ sung các đối tượng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung. Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.