Điện ảnh

Cannes 2018 nóng từ trong ra ngoài

11/05/2018, 07:35

LHP Cannes 2018 vừa chính thức khởi động từ ngày 8 - 19/5.

26

Bộ phim “Todoss Lo Saben” của điện ảnh Iran lần đầu tiên được trình chiếu tại LHP Cannes 2018

Cơ hội cho điện ảnh châu Á

LHP Cannes 2018 vừa chính thức khởi động ngày 8/5 và kéo dài đến 19/5. 

Sau nhiều tranh cãi trong việc đổi mới tại LHP Cannes 2017 khi cho phép chiếu phim của dịch vụ truyền hình trực tuyến, LHP Cannes 2018 tiếp tục công tác đổi mới chính mình. Lần đầu tiên trong lịch sử Cannes, Ban tổ chức (BTC) đã không mời những nhà làm phim lớn trên thế giới như: Jacques Audiard, Paolo Sorrentino, Mike Leigh… tranh tài. Theo lý giải của BTC, những bộ phim của các đạo diễn lớn này năm nay chưa đáp ứng được yêu cầu của BTC. Thay vào đó là sự góp mặt của những đạo diễn trẻ chưa được nhiều người biết tới như đạo diễn Mỹ Eva Husson, đạo diễn Ba Lan Pawel Pawklikowski, đạo diễn Ai Cập A.B. Shawky.

Sự thay đổi này nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tâm sự trên Independent, đạo diễn Thierry Frémaux của LHP Cannes cho biết, đã đến lúc cần làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ hơn. Thực tế, việc đưa những gương mặt mới vào tranh giải tại Cannes rất quan trọng vì giải thưởng có thể làm tăng giá trị của bộ phim. Đồng thời, cũng giúp tên tuổi của một đạo diễn trở nên nổi bật hơn. Cùng với điều đó là giúp cho cả một ngành điện ảnh cũng theo đà phát triển hơn. “Một đạo diễn đã từng nhắc tôi đừng bao giờ quên điều đó. Đối với một đất nước nhỏ, có một bộ phim cạnh tranh tại Cannes có thể giúp ngành công nghiệp điện ảnh nơi đó phát triển và tồn tại trong ít nhất hai năm”, Frémaux chia sẻ.

Năm nay, điện ảnh châu Á cũng có dịp gây chú ý khi trong 21 bộ phim được tuyển chọn để tranh giải Cành cọ vàng, 4 trong số các tác phẩm được đề xuất chính thức là của điện ảnh châu Á. Trong đó, có hai bộ phim của Nhật Bản là Shoplifter (đạo diễn Kore Eda) và Asako 1 và 2 (đạo diễn trẻ Ryusuke Hamgaguchi), một phim của điện ảnh Hàn Quốc là Burning (đạo diễn Lee Chang Dong) và một phim của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha là Ash is Purest White. Tờ Variety thông tin, có một số lượng kỷ lục các bộ phim Trung Quốc được gửi đến để tham gia Cannes 2018.

Trong 21 bộ phim cạnh tranh Cành cọ vàng, đối thủ mạnh nhất trong số đó được dự đoán là Dogman của đạo diễn người Ý Matteo Garrone - từng giành giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP Cannes cho hai bộ phim Gomorrah và Reality. Ngoài ra, bộ phim Cold War của đạo diễn Pawel Pawlikowski - người từng đoạt giải Oscar cũng được nhận định có thể làm nên chuyện.

Riêng điện ảnh Việt có 2 bộ phim tham gia Cannes 2018 là Angel Face do Lý Nhã Kỳ đầu tư - hợp tác sản xuất và phim Glorious Ashes (Tàn tro rực rỡ) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Trong đó, Angel Face sẽ tranh giải Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và Glorious Ashes nằm trong 15 dự án thuộc khuôn khổ chương trình The Atelier, để kêu gọi các đối tác đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đặc biệt năm nay, điện ảnh Iran lần đầu tiên được vinh danh tại LHP Cannes. Tác phẩm Todoss Lo Saben của đạo diễn Asghar Farhadi sẽ tranh giải Cành cọ vàng. Tác phẩm này có sự tham gia của bộ đôi nổi tiếng Penelope Cruz và Javier Bardem, được thực hiện tại Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, một bộ phim khác của Iran là Se Kokh của đạo diễn Jafar Panahi cũng sẽ được trình chiếu trong LHP.

Bài học từ Harvey Weinstein

Sau bê bối tình dục của “ông trùm Hollywood” Harvey Weinstein, Cannes 2018 cũng phải đối mặt với nhiều khủng hoảng từ truyền thông. Phần lớn nạn nhân đã lên tiếng tố cáo Harvey Weinstein quấy rối họ là ở sự kiện Cannes. Đáng chú ý nhất là lời cáo buộc hiếp dâm của Asia Argento mà theo nữ diễn viên, sự việc xảy ra vào năm 1997 tại Khách sạn Du Cap Eden Roc (Cannes).

Rút kinh nghiệm, năm nay, BTC đã thiết lập một đường dây nóng để hỗ trợ những nạn nhân của quấy rối tình dục, không chỉ là diễn viên mà cho tất cả mọi người. Theo The Guardian, Bộ trưởng Bình đẳng giới Pháp Marlène Schiappa cho biết, những người tham dự sẽ được cảnh báo về hành vi của mình khi đến liên hoan phim. “Một trong những vụ hãm hiếp mà Harvey Weinstein bị cáo buộc đã xảy ra tại Cannes. Vì vậy, LHP không thể không hành động”, bà Schiappa bày tỏ.

BTC cũng đã bổ nhiệm nữ diễn viên Cate Blanchett làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo và lên kế hoạch tổ chức một sự kiện theo biểu ngữ 50/50 by 2020 (mục tiêu của chiến dịch Time’s Up - chiến dịch chống quấy rối tình dục của sao Hollywood). Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Françoise Nyssen và Thierry Frémaux - Giám đốc nghệ thuật của liên hoan phim sẽ có diễn đàn chia sẻ với các nhà vận động bình đẳng quốc tế. Dù theo BTC LHP Cannes, cần thiết phải có tác động mạnh mẽ hơn đối với phụ nữ trong bối cảnh phong trào #MeToo lan rộng trên các phương tiện truyền thông trong suốt thời gian qua, nhưng việc liên hoan chào đón Lars Von Trier - người từng bị tố quấy rối tình dục đã khiến BTC gặp nhiều chỉ trích.

Frémaux thừa nhận, ông và Chủ tịch Liên hoan phim là Pierre Lescure đã cố gắng thuyết phục Hội đồng quản trị Cannes chấp nhận Lars Von Trier. Về điều này, Kate Muir - nhà biên kịch và hoạt động với chiến dịch Time’s up cho rằng, đạo đức của Lars Von Trier hay Roman Polanski và Woody Allen hiện vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, người Pháp phân biệt giữa đàn ông và nghệ sĩ. “Như Roman Polanski có thể là một người đàn ông rất kinh khủng, nhưng ông ta lại là một đạo diễn tài năng. Họ chỉ đánh giá qua bộ phim mà thôi”, cô nói.

Ngoài ra, năm nay, chỉ có ba nữ đạo diễn có tác phẩm tranh giải Cành cọ vàng trong số 21 tác phẩm là Nadine Labaki, Eva Husson và Alice Rohrwacher. Điều này gây ra tranh cãi về việc Cannes phân biệt đối xử. Giám đốc nghệ thuật Frémaux đã phải lên tiếng thanh minh: “Chúng tôi không phân biệt giới tính trong lựa chọn phim”. Về điều này, Kate Muir lý giải, có quá ít bộ phim của các đạo diễn nữ. Thực tế, các nhà sản xuất cũng luôn ngại chi tiền cho một đạo diễn nữ làm phim.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.