Y tế

Cao điểm nắng nóng, bác sĩ lưu ý cách phòng tránh sốc nhiệt

29/04/2019, 08:29

Theo cảnh báo của bác sĩ, nếu hoạt động dưới trời nắng nóng trong thời gian dài có thể sốc nhiệt rơi vào tình trạng hôn mê.

img
Sốc nhiệt rất thường gặp nếu hoạt động dưới trời nắng nóng trong thời gian dài

BS Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốc nhiệt là tình trạng hay gặp phải, thường gặp ở những người hoạt động trong trời nắng nóng trong thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê.

Triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tính trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê.

Theo BS Phương, để cấp cứu người bị sốc nhiệt do nắng nóng, cần lưu ý những điểm sau:

Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn.

Cứ 1 phút lau một lần. Lau liên tục trong 5 phút đầu tiên, sau đó cứ 2 phút lau một lần, lau liên tục trong 10 phút tiếp theo. Quạt mát cho bệnh nhân. Sau 30 phút, đo lại nhiệt độ dưới lưỡi (không đo ở nách vì nách đang chườm nước đá), nếu nhiệt độ hạ đến mức 39 độ C là rất thành công.

Điều quan trọng, tuyệt đối không vận chuyển cấp cứu bằng xe máy vì chỉ làm nắng nóng thêm. Cố gắng cấp cứu trong vòng 30 phút đầu tiên để hạ nhiệt độ cho não bộ. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein. Đồng thời nhanh chóng gọi cấp cứu đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo khuyến cáo của BS Phương, để phòng ngừa sốc nhiệt, mọi người cần tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu, đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.

Khi làm việc cần nghe ngóng cơ thể cần phải tạm dừng công việc nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Khoảng thời gian từ 12h-16h là nhiệt độ cao nhất do vậy hạn chế lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này.

Theo cơ quan khí tượng, dự báo còn nhiều đợt nắng nóng tập trung trong tháng 5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.