Y tế

Cao điểm trẻ nhập viện vì viêm não: Cách nào nhận biết bệnh sớm?

24/04/2019, 18:33

Hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não với hơn 30 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị tại BV Nhi T.Ư.

img
Một bệnh nhi nằm điều trị viêm não

Nhiều trẻ viêm não, viêm màng não chưa tiêm vaccine

Đôi mắt rớm lệ khi nhắc đến căn bệnh con đang mắc phải, chị Đinh Thị M. (Nho Quan, Ninh Bình) chia sẻ: “Bình thường con lanh lợi hoạt bát, nhưng 2 tuần nay con sốt, chỉ nằm một chỗ, gà gật chìm vào giấc ngủ”. Cậu bé T.L con chị M. được 19 tháng tuổi, vừa nhập BV Nhi T.Ư được 3 ngày nhưng đã phải mổ cấp cứu vì chẩn đoán giãn não thất, viêm não. Theo lời chị M., cách chừng 1 tuần con chị sốt, ít dần vận động, chị đưa con đi khám tuyến dưới và được chỉ định điều trị ngoại trú, phát thuốc uống. Tuy nhiên, thấy con giảm ăn, giảm chơi, tăng sốt và thường mê mệt ngủ, hai vợ chồng chị bồng con về BV Nhi T.Ư thăm khám và được giữ lại điều trị với chẩn đoán viêm não.

Nằm cùng phòng là 1 bé trai chừng 6 tháng tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đã nằm điều trị gần 2 tháng. Theo lời chị Nguyễn Thị D., mẹ bé, từ lúc 4 tháng, bé sốt nằm li bì, không quấy. Ở tuyến dưới, bé được chẩn đoán và điều trị viêm phổi nặng. Tuy nhiên, dù điều trị nhưng con vẫn sốt, chị D. đành đưa còn lên BV Nhi T.Ư. Tại đây kết quả chọc dịch não tủy cho kết quả bé bị viêm màng não mủ. Khi nhập viện, trẻ đã 3 ngày bỏ bú không ăn, nằm li bì. “Thi thoảng tỉnh, cháu lại khóc. Bác sĩ nói cháu viêm màng não do phế cầu, biến chứng giãn não thất, hồi phục khó khăn”, chị D. mếu máo cho hay.

Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, hiện nhiều trẻ đang phải nằm điều trị căn bệnh quái ác viêm não, viêm màng não. Bệnh nhân nhỏ nhất khi nhập viện chừng 1 tháng tuổi và bệnh nhân lớn tuổi nhất hiện đang điều trị là 14 tuổi. Điều đáng nói, các bệnh nhân này đa phần chưa tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc có tiêm nhưng không đủ mũi.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, BV Nhi T.Ư khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

8 dấu hiệu phát hiện sớm viêm não, viêm màng não

img
Nếu phát hiện và điều trị sớm viêm não, viêm màng não tỷ lệ thành công cao

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, viêm não, viêm màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.

Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10%-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24 -48 giờ khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.

Ông Lâm cảnh báo, đối với tất cả trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi nếu bị sốt kèm theo 1 trong các triệu chứng sau: đau đầu, cứng gáy, thóp phồng, li bì – hôn mê, dễ kích thích, co giật, nôn… (riêng với trẻ sơ sinh, có thể không sốt hoặc có sốt có kèm 1 trong những triệu chứng trên) thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo lưu ý của ông Lâm, bố mẹ nên chú ý với 8 dấu hiệu viêm não ở trẻ: Đột nhiên phát sốt và khó hạ sốt; đau đầu nghiêm trọng; tầm nhìn song thị; đau bụng, nôn mửa; nhạy cảm với ánh sáng; trẻ có dấu hiệu co cứng cơ với tư thế nằm nghiêng, đầu ngửa ra và cong chân xuống; không thể duỗi chân; phát ban da.

Để phòng bệnh, cha mẹ nên chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch để giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị… có thể gây ra viêm não.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.