Hạ tầng

Rốt ráo tìm nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

18/07/2022, 10:12

Việc tìm nguồn cát phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang rất nan giải do tình trạng thiếu cát xây dựng diễn ra ở nhiều địa phương...

Khan hiếm nguồn cát

Ngày 18/7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, qua khảo sát cát tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng…), khu vực này cát hạt mịn lẫn nhiều tạp chất chưa đảm bảo chất lượng. Hai mỏ cát trên địa bàn TP Cần Thơ có trữ lượng ít, và cát lẫn nhiều tạp chất. Trong khi đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cát để thi công.

img

Nguồn cát đắp nền để thi công các dự án giao thông đang khan hiếm.

Trước đó, qua tính toán, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài khoảng 110,9km, nhu cầu sử dụng khoảng hơn 20 triệu m3 vật liệu xây dựng - trong đó riêng cát đắp nền khoảng 18 triệu m3.

Đơn vị tư vấn thiết kế đã trực tiếp khảo sát thực tế tại 2 mỏ cát tại quận Bình Thủy và Ô Môn của Cần Thơ nhằm tìm nguồn cát phục vụ thi công dự án. Trong 2 mỏ cát này, mỏ ở Bình Thủy có trữ lượng 673.342 m3; mỏ Ô Môn có trữ lượng 734.960 m3. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu cát đã không đạt.

“Ở ĐBSCL, cát chủ yếu tập trung ở vùng thượng nguồn (An Giang và Đồng Tháp). Đến nay, cả 5 địa phương có dự án cao tốc đi qua là Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau gần như không có cát. Trước tình trạng trên, vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi tỉnh Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ khảo sát nguồn vật liệu cát đắp nền phục vụ thi công dự án.

Hiện nay, địa phương này có nguồn cát hạ lưu sông Hậu, với trữ lượng quy hoạch tương đối lớn. Cùng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hỗ trợ nguồn cát", Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

img

Khai thác cát trên sông Hậu, thuộc địa phận TP Cần Thơ.

Theo ghi nhận của PV, thiếu cát xây dựng đang diễn ra ở nhiều địa phương. Do vậy, việc tìm nguồn cát phục vụ cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn đang rất nan giải.

Nghiên cứu cho thấy, ở khu vực ĐBSCL hiện chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long.

Như tại Đồng Tháp, trong năm 2022, tỉnh này cần 16 triệu m3 cát (chủ yếu là cát san lấp) để phục vụ xây dựng các công trình trong tỉnh. Trong khi toàn tỉnh chỉ có 14 mỏ cát được cấp phép với công suất tối đa khoảng 6 triệu khối/năm, thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu.

Đối với các công trình giao thông của Trung ương đi qua địa bàn tỉnh, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, vừa qua, tỉnh đã liên hệ và cung cấp cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận 800.000 m3 cát để phục vụ thi công dự án.

Còn tại Vĩnh Long, kết quả khảo sát cho thấy tỉnh Vĩnh Long có 18 vị trí có thể khai thác, tổng trữ lượng tài nguyên gần 130 triệu m3. Theo quy hoạch được duyệt, toàn tỉnh có thể khai thác với tổng công suất bình quân từ 4-6 triệu m3/năm.

Cát sông của tỉnh này thuộc dạng cát san lấp, phân bố tại 11 vị trí nằm rải rác trên 3 tuyến: sông Tiền, sông Hậu và sông Cổ Chiên thuộc địa bàn tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện cát sông ở Vĩnh Long kém chất lượng vì có rất nhiều bùn và sét. Ngay cả khi sử dụng trong các công trình giao thông đường tỉnh vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, nếu khai thác, cần phải có thêm một bước thăm dò, đánh giá.

img

Bản đồ dự kiến hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Gỡ khó cách nào?

Trao đổi với PV Giao thông, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, qua thống kê, trữ lượng cát của tỉnh hiện nay là hơn 80 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu phục vụ xây dựng trên địa bàn tỉnh từ đây đến năm 2025 cần tới hơn 200 triệu m3.

Sắp tới, tỉnh phải hỗ trợ cát thi công cho các dự án trọng điểm như: cảng Trần Đề, cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng. Do đó, vừa qua, tỉnh đã có văn bản phản hồi với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về việc không thể hỗ trợ nguồn cát để thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. “Hiện cát không đủ phục vụ nhu cầu của tỉnh, nên không thể hỗ trợ”, ông Chân nói.

Cũng theo ông Chân, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT thăm dò, khảo sát nguồn cát ở vùng biển của Sóc Trăng, để xem xét có thể sử dụng cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được hay không?

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu, đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh An Giang về việc hỗ trợ vật liệu cát phục vụ thi công một số dự án tại khu vực ĐBSCL.

img

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang khảo sát thực địa phục vụ công tác GPMB tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang).

Qua đó, đoàn kiến nghị, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đề nghị địa phương cân đối, hỗ trợ 10,1 triệu m3 cát.

Cụ thể, để có đủ cát bố trí cho các dự án, đề nghị tỉnh An Giang tăng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác lên 150%, xem xét sớm đưa vào các mỏ khai thác cát mỏ đã quy hoạch, trong đó có mỏ cát núi Xuân Tô và núi Cấm.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở GTVT và Sở TN&MT tỉnh An Giang khảo sát mỏ Xuân Tô và khảo sát các mỏ khác với tinh thần hỗ trợ vùng trong việc phát triển các đường cao tốc.

Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đẩy nhanh các thủ tục xin nâng công suất khai thác ở các mỏ cát trình Bộ GTVT, Bộ TN&MT, để trình Chính phủ xem xét.

Theo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt tại khu vực ĐBSCL, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh, có tổng nhu cầu cát đắp nền đường ước khoảng hơn 35,6 triệu m3.

Trong khi, tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Sản lượng khai thác hàng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu m3/năm.

Nếu không sớm có giải pháp, nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL là khó tránh khỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.