Xã hội

Cao tốc qua Nghệ An: Cầu xong mố trụ phải chờ đường vì... vướng nhà dân

22/04/2022, 10:37

Đến nay, cả 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa GPMB xong gây nguy cơ vỡ tiến độ.

Cầu xong mố, trụ... chờ đường vì vướng nhà dân

Chiều 20/4, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường thi công cầu vượt Diễn Đoài (thuộc gói thầu XL03, Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu).

img

Ngay dưới chân trụ chính cầu vượt QL48 (cầu Diễn Đoài), một hộ dân vẫn đang kinh doanh buôn bán bia mộ vì địa phương chưa GPMB

Theo ghi nhận và tìm hiểu của PV, trên tuyến chính còn vướng 24 hộ dân xã Diễn Đoài chưa bàn giao mặt bằng. Các hộ dân này chủ yếu là người có đất phân lô và có 1 hộ đang kinh doanh đá, bia mộ trên đất.

Nhìn hình ảnh phía trên công nhân thi công cầu vượt, ngay phía dưới người dân kinh doanh buôn bán không chỉ phản cảm, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ngay cạnh đó, ở phía Đông Bắc cầu vượt (thuộc địa phận xã Diễn Yên) cũng còn 6 hộ dân đang sinh sống trong những ngôi nhà kiên cố.

Ngày 12/3, UBND tỉnh Nghệ An ra "tối hậu thư" phê bình lãnh đạo 4 huyện, thị xã vì chậm GPMB dự án đường cao tốc. Đồng thời, ấn định cho các địa phương phải hoàn tất công tác GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu trước ngày 25/3/2022. Sau các thời gian nêu trên, địa phương nào không hoàn thành, Chủ tịch UBND các huyện, TX chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Bá Sỹ - Giám đốc Ban Điều hành dự án của nhà thầu Vinaconex lo lắng: Tuyến chính, người dân chưa cho làm gì. Còn đường gom phía dưới cầu vượt được thiết kế tường chắn có cốt, thời gian thi công rất lâu, chưa kể phải chờ xử lý đất yếu. Theo tiến độ, khoảng tháng 8 sẽ lao dầm cầu vượt sau đó cuốn chiếu làm mặt cầu để thông xe. Vì vậy, nếu địa phương không giải phóng xong mặt bằng chắc chắn dự án sẽ bị chậm tiến độ.

Được biết, trong gói thầu này, ngoài vị trí cầu vượt QL48, tại Km12 (thuộc xã Diễn Đoài) vẫn còn có nhà và vườn của 1 hộ dân chắn ngang tuyến chính và chặn toàn bộ đường vận chuyển vật liệu 7km, từ Km412 - Km405. Vị trí này còn khiến nhà thầu không thể thi công được cầu DH258 và hệ thống cống hộp chạy gần đó. Ngoài ra, ở gói XL03 còn 2 vị trí đường điện cao thế, nhiều vị trí đường điện trung và hạ thế vẫn chưa được di dời.

Theo ông Sỹ, đơn vị đã có nhiều văn bản gửi xã, huyện; chính quyền địa phương các cấp cũng đã nhiều lần về kiểm tra nhưng đến nay vẫn bế tắc về mặt bằng.

Tương tự tại gói thầu XL04, vẫn còn 40% giếng cát với chiều dài khoảng 100.000m dài chưa thể triển khai vì vướng phải đường điện 220 Kv. Kỹ sư Trương Quang Long - Chỉ huy công trường của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn cho biết: Công đoạn xử lý đất yếu đòi hỏi phải thi công đúng kỹ thuật, đầy đủ các bước, đặc biệt là mất nhiều thời gian chờ gia tải. Vì vậy, đường điện 220Kv chậm di dời ngày nào thì tiến độ dự án phải kéo dài thêm ngày đó.

"Hôm trước, huyện nói ngày 20/4 sẽ cắt điện cao thế để di dời đường dây và dự kiến đến ngày 10/5 sẽ xong. Nhưng các anh thấy đấy, đến sáng nay (20/4) vẫn chưa thấy động tĩnh gì", kỹ sư Long lắc đầu ngao ngán.

Không riêng gì đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay cũng chưa hoàn tất công tác GPMB. Tính đến giữa tháng 4/2022, doanh nghiệp dự án chỉ mới nhận bàn giao mặt bằng với khối lượng 46,3/49,30km (đạt 93,92%). Toàn tuyến vẫn còn vướng khoảng 1.000m đất rừng; khoảng 140 hộ đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng; 60 ngôi mộ và nhiều vị trí đường điện cao thế, trung thế và hạ thế…

img

Cầu vượt Diễn Đoài đã làm xong mố, trụ cầu, nhưng phần đường đầu cầu không làm được vì vướng 6 hộ dân chưa GPMB.

Tỉnh nói xong, xã chờ đợi huyện

Cần phải nhấn mạnh rằng, từ 25/3, toàn bộ các huyện xã ở Nghệ An đều đã thông báo hoàn tất công tác GPMB cho cao tốc Bắc Nam. Trong các lần báo cáo với Bộ GTVT và Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng khẳng định nhà thầu, nhà đầu tư không phải lo lắng về mặt bằng vì địa phương đã làm xong. Tuy nhiên, thực tế và báo cáo vẫn có độ vênh nhất định. Đáng lo hơn, những điểm còn vướng mặt bằng hiện nay đều là điểm khó giải quyết và nằm trên "đường găng" tiến độ.

Ông Nguyễn Khánh Dương - Chủ tịch UBND xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu cho biết: Tại cầu vượt Diễn Đoài, các hộ dân đã thống nhất một là nhận tái định cư, hai là giao đất theo định giá. Điểm đến cũng đã có, dân cũng đã bốc thăm, giờ chỉ chờ huyện họp để xét giá đất nơi đi, nơi đến.

“Việc xét giá đất thuộc hội đồng của huyện, xã cũng không biết bao giờ mới xong thủ tục này. Về phần xã, cũng rất muốn giao sớm cho người dân”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, với hộ dân còn vướng là do xây nhà trên đất nông nghiệp (hộ chắn ngang tuyến chính - PV). Trước đây, xã đã bố trí 1 vị trí tái định cư. Tuy nhiên, do không nắm được hướng tuyến cao tốc nên khi làm quy trình giao đất thì rơi vào đúng đường gom và hành lang đường cao tốc nên giờ phải điều chỉnh vị trí khác.

“Hộ dân này đã thống nhất di dời. Chính quyền cũng đã kiểm đếm và điểm đến cũng đã có. Hiện hội đồng bồi thường GPMB của huyện đang làm quy trình bồi thường, hỗ trợ cho dân”, ông Dương nói.

Ông Dương Đăng Hoàng, Chủ tịch UBND xã Diễn Yên thì cho biết: Liên quan đến đoạn cầu vượt Diễn Đoài, xã còn đúng 1 hộ thuộc diện tái định cư. Tuy nhiên, nguồn gốc đất của hộ này là đất nông nghiệp. Nếu giờ xã đền bù là sai quy định. Xã đã kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Ngoài ra, còn 3 hộ trong sáng ngày mai (23/4) xã sẽ mời xuống xác định nguồn gốc đất một lần nữa là xong. Còn 1 hộ khác đang đòi cho thêm diện tích đất tái định cư. Việc này ngoài thẩm quyền của xã, đành phải chờ huyện.

Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cũng cho biết: Hiện nay, huyện đang gặp một vướng mắc. Đó là tái định cư đã làm từ 2 năm trước. Thời điểm đó, xét giá đất nơi đi và nơi đến cũng thấp hơn. Nay khu tái định cư xong, mà giá đất lại cao nên người dân không đủ để nộp. Nếu giờ xét giá đất nơi đi của người dân cao lên, bằng với giá nơi tái định cư để dân không nộp tiền thì những hộ không thuộc diện tái định cư nằm cùng vị trí đó sẽ không chịu.

Cũng theo ông Vinh: Hiện tại huyện vẫn đang tìm mọi phương án tối ưu nhất để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên nói: Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn đã nhận tiền đền bù, đang làm nhà ở khu tái định cư. Huyện cũng đã trao đổi với doanh nghiệp dự án, nếu cần mặt bằng thì huyện sẵn sàng bàn giao nhưng nhận xong phải thi công ngay, tránh gây bức xúc dư luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.