Y tế

Cấp thẻ xanh, thẻ vàng thế nào với người tiêm vaccine thử nghiệm?

15/09/2021, 11:24

Nếu nghiên cứu kết thúc, vaccine được cấp phép thì đơn vị tổ chức sẽ đề xuất với bộ Y tế công nhận cho tình nguyện viên tiêm thử nghiệm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. BS. Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội (đơn vị được Bộ Y tế giao thực hiện tiêm thử nghiệm lâm sàng với giai đoạn 1 vaccine Covivac và vaccine ARCT 154) cho biết: "Để phát triển vaccine phải có sự tham góp rất quan trọng của các tình nguyện viện tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19.

img

Tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154

Tham gia nghiên cứu này, tình nguyện viên phải chấp nhận theo từ đầu đến cuối, và họ có thể là rơi vào nhóm tiêm vaccine muộn nhất Hà Nội. Nhưng, những đóng góp cho phát triển vaccine của họ rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất để không ảnh hưởng đến người tình nguyện… ".

Đơn cử với nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT 154, BS. Vân Anh cho biết 75% người tình nguyện được tiêm vaccine thử nghiệm, 25% sẽ tiêm giả dược và số này sẽ được tiêm bắt chéo vaccine vào cuối thử nghiệm. Như vậy, với riêng nghiên cứu này 100% người tham gia sẽ được tiêm vaccine thử nghiệm.

Trong quá trình thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ được cấp chứng nhận sau mỗi mũi tiêm thử nghiệm, theo dõi sức khỏe sát sao... "Để không ảnh hưởng tới công việc (đòi hỏi phải tiêm vaccine phòng Covid-19) của người tình nguyện, Bộ Y tế sẽ gửi công văn đề nghị các đơn vị để tình nguyện viên được làm việc bình thường và coi như đã tiêm vaccine phòng Covid-19...", bà Vân Anh cho biết thêm.

Trước câu hỏi, liệu người tình nguyện sau khi được tiêm 2 liều vaccine có được cấp "thẻ xanh", BS. Vân Anh cho biết: "Đó chính là thiệt thòi của người tình nguyện do đây mới chỉ là chương trình nghiên cứu vaccine nên không có cấp thẻ xanh hay thẻ vàng. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kết thúc, vaccine được cấp phép thì chúng tôi sẽ đề xuất với bộ Y tế công nhận kết quả này".

Cũng theo BS. Vân Anh, thông thường, trước khi làm nghiên cứu, bao giờ cũng thông báo nguy cơ và thiệt thòi, ngay cả việc được chậm tiêm vaccine... người tình nguyện sẵn sàng tuân thủ theo quy định của nghiên cứu thì mới ký phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.

Sau mỗi giai đoạn nghiên cứu kết thúc, chương trình sẽ công bố cụ thể các nhóm tiêm vaccine, tiêm giả dược như vậy lúc đó tình nguyện viên có thể tham gia tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng hiện nay.

"Trong trường hợp vẫn đang quá trình nghiên cứu nhưng dịch bệnh lan mạnh, tình nguyện viên quá lo lắng, chúng tôi có tư vấn sau ngày D57 tức là từ ngày thứ 29 sau tiêm mũi 2, người tình nguyện có thể tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19. Mốc D57 là thời điểm lấy máu để đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine thử nghiệm; còn nếu trước ngày đó thì hỏng hết nghiên cứu", bà Vân Anh giải thích thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.