Đường sắt

Cấp thiết cắm mốc giới, giữ đất hạ tầng đường sắt

23/03/2021, 18:56

Ngành Đường sắt kiến nghị bố trí vốn cho công tác quản lý, cắm mốc giới để bảo vệ đất đường sắt theo quy hoạch.

img

Đất đường sắt tại các khu ga chủ yếu quản lý theo hồ sơ, do chưa xây được hàng rào bảo vệ. Ảnh: ga Mỹ Trạch cũng được quản lý theo hồ sơ và tỉnh Quảng Bình thu hồi đất, cấp phép công trình điện trên đất khu ga chưa đúng thủ tục

Chủ yếu quản lý đất theo hồ sơ

Vừa qua, Bộ GTVT có văn bản về vụ việc tỉnh Quảng Bình thu hồi đất đã giao cho cho đường sắt ở khu ga Mỹ Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy) và cấp phép công trình điện trên đất này không đúng thủ tục, vi phạm đất kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nguyên nhân do tỉnh Quảng Bình cho rằng, thẩm quyền quản lý đất thuộc địa phương nên tỉnh có quyền thu hồi, vì đơn vị được giao đất không thực hiện các điều kiện được nêu tại quyết định giao đất. Trong khi theo Luật Đường sắt và các quy định hiện hành, việc thu hồi cần được sự thống nhất của đại diện chủ sở hữu là Bộ GTVT và cơ quan tài chính cùng cấp là Bộ Tài chính.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Gia Khánh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây là thực trạng chung tại nhiều địa phương. Có địa phương khi cần thực hiện các công trình giao thông hay đô thị trên địa bàn sẽ thu hồi đất dành cho đường sắt hoặc triển khai xây dựng trên đất quy hoạch đường sắt. Thậm chí nhiều địa phương cấp cả sổ đỏ trong đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Thông tin rõ hơn về thực trạng quản lý đất đường sắt hiện nay, Ban quản lý kết cấu hạ tầng Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Tổng công ty quản lý, sử dụng khoảng 576 cơ sở nhà, đất với diện tích 10.000 nghìn m2 đất. Trong đó, đất các khu ga đường sắt trên 9.500 nghìn m2; đất cung, trạm, đội đường sắt có tổng diện tích hơn 370 nghìn m2… Cùng đó là đất hành lang ATGT đường sắt do địa phương quản lý.

Đất đường sắt có lịch sử hình thành sớm, chủ yếu tiếp quản từ Pháp, nên không có hồ sơ gốc; quỹ đất nằm tại những đô thị có giá trị thương mại cao thường xảy ra các hành vi lấn chiếm, tranh chấp.

Phần lớn đất đai ngành Đường sắt đang được quản lý theo ranh giới theo hồ sơ vì chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ; hành lang ATGT đường sắt chưa có điều kiện đo đạc, cắm mốc chỉ giới theo Luật Đường sắt nên vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng hành lang ATGT đường sắt.

Địa bàn quản lý đất đai ngành Đường sắt trải dài qua 34 tỉnh, thành phố; trong khi đơn vị quản lý có trụ sở tại một tỉnh nhưng địa bàn quản lý trên nhiều tỉnh, thành phố nên công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất chưa được chặt chẽ, hiệu quả.

img

Thực trạng vi phạm đất hành lang ATGT đường sắt phổ biến ở nhiều địa phương do chưa cắm mốc giới, hàng rào bảo vệ

Cần bố trí vốn cho công tác quản lý, cắm mốc giới theo quy hoạch

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, do việc triển khai quy hoạch chi tiết GTVT đường sắt còn chậm nên chưa đủ điều kiện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua giao đất, cấp đất hoặc dự trữ quỹ đất cho phát triển đường sắt.

Trong khi đó, theo nhu cầu phát triển địa phương, các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp và các công trình giao thông, thủy lợi. Đến khi Nhà nước có kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt theo quy hoạch thì công tác đền bù, giải tỏa sẽ cực kỳ khó khăn, phức tạp và rất tốn kém.

“Vì vậy, để quản lý tốt hơn, cần có kinh phí cho công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt như xác định trích lục bản đồ địa chính, cắm mốc giới…, Tổng công ty đã kiến nghị nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp nguồn”, ông Khánh nói.

Ở cấp quản lý Nhà nước chuyên ngành, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, năm 2016 Cục Đường sắt VN đã có các tờ trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Đề cương - Dự toán lập quy hoạch chi tiết hệ thống nhà ga, kho ga, bãi hàng trên các tuyến đường sắt quốc gia, tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế, đến nay nhiệm vụ này vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện.

Theo ông Khôi, giải pháp căn cơ, lâu dài là cần bố trí nguồn vốn để triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết các nhà ga, kho bãi trên các tuyến đường sắt quốc gia. “Hiện nay Cục Đường sắt VN đang lập quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Sau khi quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để lập quy hoạch tuyến, ga đường sắt; lập hồ sơ quản lý hành lang ATGT đường sắt và cắm mốc giới hành lang ATGT đường sắt trong khu vực đô thị. Như vậy sẽ vừa phục vụ kêu gọi xã hội hóa đầu tư đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, vừa quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật”, ông Khôi cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.