Giao thông

Cấp thiết “giải cứu” Tân Sơn Nhất

11/07/2017, 07:24

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với lãnh đạo TP.HCM về triển khai các dự án, công trình giao thông trên địa bàn.

san-bay-tan-son-nhat-ngay-te-1170x755

Nhà ga Tân Sơn Nhất luôn quá tải dịp cao điểm. Ảnh: Trường Nguyên

Sớm đầu tư đường vành đai 3, 4

Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT nêu lên những điểm sáng về tình hình giao thông của TP trong những tháng đầu năm 2017, trong đó số vụ TNGT, số người chết, bị thương đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Thành phố đã hoàn thành 5 cầu vượt với tiến độ rút ngắn từ 2 đến 5 tháng, góp phần quan trọng vào việc giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên giao thông thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề, trong đó việc ùn tắc giao thông tại các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái vẫn còn phức tạp. Thành phố kiến nghị Bộ GTVT cần sớm đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 (ưu tiên đoạn Bình Chuẩn - Long An); Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước; Đầu tư các tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành... để kết nối cụm cảng phía Đông (Phú Hữu, Tân Cảng, ITC) với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh; đầu tư nút giao An Phú; sớm triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cạn ICD theo quy hoạch dọc tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ để phục vụ di dời các cảng nội địa trong địa bàn TP, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; điều phối lượng hàng giữa các cảng biển trong nhóm cảng biển số 5 để giảm tải cho đường bộ.

IMG_8588

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM. Ảnh: Phan Tư

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, từ tháng 8/2013, Bộ GTVT đã xây dựng đề án khai thác hiệu quả các cảng trong nhóm cảng biển số 5. Cụ thể là không cấp mới việc xây cảng ở TP HCM, không cho mở rộng giai đoạn 2 cảng Bến Nghé - Phú Hữu. Đối với lượng tàu thuyền vào Cát Lái, Cục Hàng hải đã kiểm soát chặt không cho tăng thêm để điều tiết sang các cảng khác. Mặc dù lượng hàng vào Cát Lái tăng lên 5%, nhưng lượng hàng vào Cái Mép - Thị Vải đã tăng lên 30%, điều này cho thấy việc điều tiết đang có hiệu quả.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN cho biết, hồ điều tiết chống ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng thống nhất đưa vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, cần chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để thực hiện một cách đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để phát triển hệ thống giao thông liên vùng, trong đó có giao thông bộ, giao thông thủy… Hệ thống giao thông tĩnh cũng đang được tính toán lại để có sự đầu tư hợp lý.

Đề nghị Bộ GTVT quan tâm, đẩy nhanh tiến độ vành đai 3, 4, các tuyến cao tốc để gắn giao thông TP với giao thông vùng.Đối với hệ thống giao thông kết nối, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với TP HCM và các địa phương để đẩy nhanh tiến độ các tuyến vành đai nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho giao thông thành phố.

Xây dựng đường băng số 3 ở Tân Sơn Nhất khó khả thi

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết về quy hoạch giao thông của TP HCM và vùng lân cận cơ bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế, đặc biệt là các tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh khiến giao thông cửa ngõ của TP vẫn chịu nhiều áp lực. Quan điểm của Bộ GTVT là các tuyến vành đai không chỉ trách nhiệm riêng của Bộ GTVT hay TP HCM mà là trách nhiệm chung vì mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP cho biết, tình hình giao thông trên địa bàn TP rất phức tạp, nguyên nhân là lượng dân nhập cư tăng nhiều, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển đáp ứng đủ. Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, TP tập trung phát triển hệ thống vận tải công cộng như xe buýt, metro. Thành phố quyết tâm đến năm 2020 phải xong tuyến Metro số 1, dù khó khăn về vốn thì TP cũng ứng để đủ vốn thi công.

Về vấn đề áp lực giao thông ở Tân Sơn Nhất, ông Phong cho biết nhiều ý kiến các nhà khoa học cũng cho rằng thực trạng hiện nay là thiếu sân đỗ, nhà ga chứ mở rộng thêm đường băng số 3 chưa chắc giải quyết được vấn đề. Thành phố đã thực hiện một số dự án giao thông kết nối, bước đầu phát huy hiệu quả giảm ùn tắc giao thông bên ngoài.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao các giải pháp mà TP HCM thực hiện trong thời gian qua nhằm đảm bảo TTATGT, đầu tư kết cấu hạ tầng. Bộ trưởng đề nghị TP HCM phối hợp với Bộ có giải pháp đẩy nhanh dự án cầu Bình Lợi, đặc biệt là trong công tác GPMB. Bởi dự án đẩy nhanh sẽ phát huy hiệu quả vận tải đường thủy, giảm tải cho đường bộ.

Bộ trưởng cho rằng, thành phố cần ủng hộ việc điều tiết giảm nguồn hàng về các cảng biển, chuyển bớt ra các cảng ở Cái Mép - Thị Vải để giảm áp lực giao thông cho thành phố.

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng đã đến lúc phải dùng từ “giải cứu”. Năm 2016, trước áp lực tăng trưởng, Bộ GTVT và TP HCM đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để dịp Tết 2017 không xảy ra tình trạng ùn tắc trong và ngoài sân bay.

Tuy nhiên các giải pháp chỉ trong ngắn hạn. Theo đà tăng trưởng thì cuối năm 2017 sẽ đạt 36 triệu lượt hành khách. Bộ đã có nhiều giải pháp thực hiện để tăng công suất lên 34 triệu nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Bộ trưởng cho biết khi lập phương án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT chịu áp lực 3 vấn đề là công suất tối đa, thời gian gấp rút, kinh phí thực hiện. Với hai đường băng hiện hữu, Tân Sơn Nhất hoàn toàn đáp ứng công suất 50 triệu hành khách, vấn đề là thiếu đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Việc mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất quá cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đô thị, môi trường, an ninh, an toàn, nguồn kinh phí cũng hạn hẹp, thời gian gấp rút. Do đó cùng với giải pháp “giải cứu” Tân Sơn Nhất về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ dự án CHK quốc tế Long Thành. Bộ GTVT thống nhất phương án mở rộng đường Trần Quốc Hoàn để giảm tải cho đường Trường Sơn và Cộng Hòa.

 Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.