Giao thông

Cấp thiết kiên cố hóa "điểm nóng" sạt trượt đường sắt Đèo Cả

15/11/2017, 22:16

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông gặp gỡ, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công tại hiện trường.

IMG_2040

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (đầu tiên từ phải sang) trực tiếp kiểm tra tuyến đường sắt qua đèo Cả. Ảnh: Quốc Nhựt

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, khu gian Hảo Sơn – Đại Lãnh (đèo Cả) bị sạt lở taluy phía bên biển nghiêm trọng tại 7 vị trí. Trong đó, khối lượng lớn nhất tập trung tại đoạn Km1226+780 đến Km1226+810.

Đến 10h40 ngày 14/11, ngành đường sắt đã khắc phục xong các vị trí này và trả tốc độ 5km/h, hoàn thành giai đoạn 1 bước 1 của công tác khắc phục.

IMG_2048

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về công tác khắc phục các điểm sạt lở

Ngay sau khi bão tan, Công ty huy động toàn bộ nhân lực gần 1.000 người để triển khai phương án phòng chống, bão lụt trên toàn tuyến do công ty quản lý. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng điều động tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc từ các Công ty CP đường sắt Thanh Hóa, Nghĩa Bình, Thuận Hải và Công ty CP thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng tham gia cứu chữa.

Trực tiếp thị sát tại các điểm sạt lở trong khu gian, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông gặp gỡ đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công tại hiện trường, biểu dương ngành đường sắt đã nỗ lực khắc phục cứu đường, thông tàu trong thời gian sớm nhất.

CDS (2)

Các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành giai đoạn 2 việc khắc phục các điểm sạt lở tuyến đường sắt qua đèo cả

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu ngành đường sắt nhanh chóng khắc phục những hậu quả do bão số 12 để lại, bảo đảm cho công tác chạy tàu và an toàn giao thông. Đối với những điểm sạt lở phức tạp ngành cần sớm có tính toán kỹ lưỡng và có phương án kiên cố hóa. Ngoài ra, ngành cũng quan tâm, khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả sau bão.

Tính trên địa bàn 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại cho ngành đường sắt gần 120 tỷ đồng. Trong đó, tính về mặt cầu đường là 68,5 tỷ đồng do sạt trượt từ nón cầu, mái ta luy, xói trôi nền đá tại 15 vị trí với khoảng 7.880m3 đất đá, hơn 10.000 cây đổ vào đường sắt. Hệ thống tín hiệu cũng bị thiệt hại khoảng 42,6 tỷ đồng. Nhiều cơ sở hạ tầng đường sắt như hệ thống nhà ga, trạm gác chắn bị tốc mái, sập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.