Trong nước

Cấp thiết thành lập Hiệp hội Cầu thủ Việt Nam

28/02/2018, 17:07

Từ sự việc hai cầu thủ Bùi Trần Vũ, Trần Hữu Thắng bị CLB Sài Gòn FC đơn phương chấm dứt hợp đồng...

23

Bùi Trần Vũ (trước) suýt bị Sài Gòn FC đẩy ra đường

Từ sự việc hai cầu thủ Bùi Trần Vũ, Trần Hữu Thắng bị CLB Sài Gòn FC đơn phương chấm dứt hợp đồng, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang rất cần một hiệp hội cầu thủ, để có thể đứng ra hỗ trợ, bảo vệ cầu thủ trong những tranh chấp với CLB chủ quản.

Từ vụ lùm xùm ở Sài Gòn FC

Trước khi mùa giải 2018 khởi tranh, làng bóng đá Việt Nam xôn xao khi hai cầu thủ Bùi Trần Vũ và Trần Hữu Thắng bị Sài Gòn FC đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thậm chí, Trần Vũ khi ra sân bay vào TP.HCM hội quân mới biết hợp đồng của mình đã bị cắt. Dưới sức ép của dư luận và truyền thông, CLB Sài Gòn FC, đứng đầu là Chủ tịch Trần Tiến Đại đã quyết định giữ Trần Vũ thêm một năm trong khi hợp đồng còn thời hạn hai năm. Người còn lại là Hữu Thắng do bức xúc cách hành xử kiểu chợ búa của Sài Gòn FC, đã đầu quân cho CLB TP.HCM ngay khi được ngỏ lời mời.

"Bản thân các cầu thủ chuyên nghiệp nhiều người không nắm hết được các quy định, quy chế liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình. Thế nên, nếu xảy ra tranh chấp với CLB, cầu thủ sẽ là bên chịu thiệt. Tôi mong muốn có một hiệp hội hay tổ chức nào đó có thể thay cầu thủ nói lên tiếng nói, tư vấn về các vấn đề cầu thủ chưa hiểu rõ và giúp đỡ cầu thủ trong những giai đoạn khó khăn của sự nghiệp”.

Đinh Thanh Trung
Quả bóng Vàng Việt Nam 2017

Đem sự việc trên trao đổi với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Báo Giao thông nhận được câu trả lời: “Việc CLB chấm dứt hợp đồng với cầu thủ hay ngược lại phải dựa trên hồ sơ. Hồ sơ ở đây chính là hợp đồng lao động được ký kết giữa hai bên. Trong hợp đồng đó có những điều khoản ra sao, có quy định một bên được đơn phương hủy hợp đồng hay không, việc thực hiện hợp đồng như thế nào, vi phạm gì không. Khi không nắm được cụ thể nội tình, tổng cục chưa thể trả lời bên nào đúng, bên nào sai, càng không thể chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xử lý”.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF cho hay: “Việc tranh chấp hợp đồng giữa CLB và cầu thủ là việc hết sức bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. VFF chỉ can thiệp nếu một bên không thỏa mãn và có khiếu nại lên các bộ phận pháp lý của VFF. Từ cơ sở là thông tin của hai bên, bộ phận pháp lý VFF sẽ nghiên cứu, kết luận và VFF sẽ có hướng giải quyết dựa trên kết luận đó. Trường hợp cầu thủ Trần Vũ và Hữu Thắng của Sài Gòn, VFF chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào nên không thể nêu quan điểm”.

Về phần mình, cầu thủ Bùi Trần Vũ chia sẻ, thời điểm xảy ra tranh chấp, anh khá rối trí nên chưa nghĩ tới việc khiếu nại lên VFF. “Hiện tại tôi đã được giữ lại nên cũng không muốn xới lại chuyện cũ và chỉ tập trung vào tập luyện”, Vũ nói.

Đã đến lúc cần hiệp hội cầu thủ

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên Ủy viên BCH VFF, việc VFF đợi kêu mới cứu là bị động và không phải cầu thủ nào cũng có người tư vấn về pháp lý để đưa khiếu nại lên VFF. Ông Hải cho rằng, đã rất cấp thiết để thành lập một hiệp hội cầu thủ, tổ chức có thể bảo vệ cầu thủ một cách chủ động: “Chúng ta đi lên chuyên nghiệp từ 18 năm nay nhưng cầu thủ không có ai bảo vệ, dẫn tới nhiều trường hợp các em phải chịu thiệt thòi, ảnh hưởng tới cả sự nghiệp. Tôi lấy ví dụ như vụ bán độ ở Ninh Bình, hai cầu thủ trẻ triển vọng là Gia Từ và Quang Hùng chỉ bị lôi kéo nhưng VFF lại ra án phạt như chủ mưu. Hai em gia cảnh khó khăn, hiện nay phải chật vật mưu sinh vì không biết làm gì ngoài bóng đá. Vụ Trần Vũ ở Sài Gòn mới đây cũng vậy, nếu không có sức ép từ dư luận, cầu thủ này biết đi đâu khi mùa giải mới đã cận kề”.

Chủ tịch CLB T.Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng cũng rất ủng hộ việc có hiệp hội cầu thủ. “Quan điểm của tôi là cầu thủ phải được tạo điều kiện, bảo vệ tối đa. Nếu có một Hiệp hội đứng ra giúp đỡ các cầu thủ thì tôi ủng hộ cả hai tay. Ở nước ngoài như nào thì Việt Nam cứ áp dụng như vậy thì chắc chắn không sai”, ông Hùng bày tỏ quan điểm. Mặc dù vậy, theo ông Hùng, cốt lõi vẫn là CLB phải tôn trọng cầu thủ, đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ để họ gắn bó lâu dài.

Trong khi đó, ông Vương Bích Thắng cho hay, cơ quan quản lý nhà nước không có lý do gì để cấm cản việc thành lập hiệp hội cầu thủ. Nhưng mọi việc phải tiến hành tuần tự, đúng quy trình, rành mạch nhằm tránh giẫm chân nhau. “VFF có chức năng bảo vệ quyền lợi các tổ chức thành viên, cầu thủ. Vậy hiệp hội nếu có thì tôn chỉ mục đích ra sao, hoạt động như thế nào là điều chúng ta cần lưu ý. Trước hết, muốn thành lập hiệp hội thì cần một bản đề án chi tiết, được sự chấp thuận của Bộ Nội vụ. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về TDTT sẽ hỗ trợ các vấn đề còn lại để thành lập”.

Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF lại tỏ ra thận trọng khi đề cập tới việc có một hiệp hội bảo vệ cầu thủ. “Các quốc gia có Hiệp hội cầu thủ đều là các nền bóng đá phát triển. Tại Đông Nam Á mới chỉ Indonesia thành lập hiệp hội này. Tôi cho rằng để đi vào thực hiện thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới quyết định”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.