Quản lý

Cấp thiết tổ chức giao thông an toàn đường cao tốc

17/08/2016, 06:30

Bộ GTVT đang xây dựng Đề án bảo đảm ATGT trên đường cao tốc nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn TNGT.

2
Vẫn còn tình trạng xe tải đi chậm nhưng không cho xe khác vượt trên đường cao tốc (Chụp trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây) - Ảnh: Ngô Vinh

Tai nạn trên cao tốc chiếm hơn 12%

Ông Phạm Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT cho biết, hiện cả nước có 13 tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 745km. Dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng hơn 2.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, khi đề cập đến công tác quản lý, khai thác và đảm bảo ATGT trên các tuyến đường cao tốc, ông Cường cho biết, vẫn còn nhiều bất cập. Theo thống kê trong năm 2015, trên các tuyến đường bộ cao tốc đã xảy ra 407 vụ va chạm giao thông, làm chết 35 người, bị thương 178 người. Trong ba tháng đầu năm 2016 cũng đã xảy ra 245 vụ tai nạn, làm chết 5 người, bị thương 36 người. Tính chung, tỷ lệ TNGT trên đường cao tốc chiếm khoảng 12,90% các vụ TNGT đường bộ.

TNGT trên đường cao tốc tuy chiếm tỷ lệ ít hơn so với quốc lộ nhưng mức độ nghiêm trọng của các vụ thường rất lớn. Lưu thông trên đường cao tốc thường gặp các sự cố như nổ lốp, phương tiện hư hỏng”, ông Cường cho biết.

Viện Chiến lược phát triển GTVT được Bộ GTVT giao tiếp tục làm rõ các giải pháp, trên cơ sở các văn bản QPPL đã ban hành, sớm hoàn thiện Đề án đảm bảo ATGT trên đường cao tốc trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt ngay trong tháng 8/2016.

Ông Cường cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trên như: Thiếu lực lượng tuần kiểm, chưa có tiêu chuẩn về giao thông thông minh (ITS). Cùng đó, hệ thống cao tốc cũng chưa có sự quản lý thống nhất dẫn đến mỗi tuyến đường được quản lý khác nhau. Có tuyến do nhà đầu tư quản lý nhưng có tuyến lại do Cục Quản lý cao tốc hoặc các địa phương quản lý.

“Hiện nay, điều kiện ATGT với một số tuyến chưa được bảo đảm như: Hệ thống trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ; Biển báo trên một số tuyến chưa điều chỉnh theo tiêu chuẩn mới; Tình trạng xe khách đón trả khách dọc đường còn phổ biến; Công tác cứu hộ, cứu nạn chưa bảo đảm; Quy trình xử lý TNGT còn kéo dài thời gian, dẫn đến chậm giải phóng hiện trường”, ông Cường dẫn chứng.

Nói về những bất cập của hệ thống biển báo, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, một số tuyến cao tốc, biển báo chưa đảm bảo cỡ chữ theo đúng tiêu chuẩn. Lái xe rất khó nhận biết nội dung biển báo, nhất là ở khoảng cách xa. Nghiêm trọng hơn, trên một số tuyến còn có tình trạng xe khách dừng đón, trả khách. Điều này một phần do các tuyến cao tốc chưa được quản lý đồng bộ, thiếu trạm dừng nghỉ.

Cũng liên quan đến công tác quản lý đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, trên các tuyến cao tốc dù đã có quy định cứ 50km phải có một trạm cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời các vụ TNGT trong khoảng thời gian dưới 30 phút. Tuy nhiên, thực tế một số tuyến vẫn chưa bảo đảm được tiêu chuẩn này.

Giải pháp phải sát thực tế

Chia sẻ về các giải pháp quản lý đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho rằng, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đều bảo đảm tiêu chuẩn 50km có một trạm cứu hộ, cứu nạn. Các trạm này luôn duy trì trực 24/24h, bảo đảm cứu hộ cứu nạn trong khoảng thời gian 30 phút. Một số vị trí VEC không thực hiện trực tiếp mà ký hợp đồng dịch vụ với các đối tác trên tuyến. “Tuy nhiên, tất cả các trạm đều phải bảo đảm tiêu chuẩn nếu không sẽ bị xử phạt hoặc không ký tiếp hợp đồng. Cách làm này vừa đảm bảo các tiêu chuẩn, mục tiêu mà không gây lãng phí”, ông Nhi nói.

Liên quan đến việc xây dựng Đề án đảm bảo ATGT trên đường cao tốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ thực tế để tổ chức hợp lý hơn. “Thực tế khi đi trên cao tốc, vẫn có những chiếc xe tải dù đi chậm nhưng xe sau nháy đèn xin vượt lại không cho. Cùng đó, tình trạng xe vượt phải diễn ra phổ biến. Vấn đề tổ chức giao thông như vậy đã hợp lý chưa?”, Thứ trưởng Trường nêu vấn đề.

Về vấn đề này, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ GTVT) cho biết, ở các nước đường cao tốc thường có làn dành riêng cho xe tải và khi xây dựng thường có cấp đường khác, được gia cố tốt hơn. Vì thế khi tổ chức giao thông, thường xe tải sẽ phải đi làn riêng, chỉ có những đoạn cả ba làn xe có cấp đường như nhau, xe tải mới được vượt, đi sang làn của xe con.

Với các giải pháp cụ thể của đề án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đặc biệt lưu ý các đơn vị phải đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng mặt đường. Mặt đường cao tốc phải đảm bảo quy định về độ bằng phẳng theo quy định để các đơn vị quản lý căn cứ kiểm tra, rà soát và xử lý các trường hợp không đảm bảo. Về hệ thống biển báo, theo Thứ trưởng Trường, đối với các vùng có sương mù cần có bảng điện tử để lái xe nhận biết. Đối với đề xuất cắm biển báo hạn chế tốc độ 60-80km/h trước các trạm thu phí, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng không cần thiết, chỉ nên có biển thông báo giảm tốc độ để tránh phương tiện phải giảm tốc đột ngột.

“Các tuyến cao tốc cần có quy định áp dụng các giải pháp giao thông thông minh (ITS), có thể ở nhiều cấp độ khác nhau. Cùng đó, các tuyến cao tốc bắt buộc phải có trạm dừng nghỉ. Về hệ thống cứu hộ, cứu nạn, đã có quy định 50km/trạm nhưng cần có quy định về việc ký hợp đồng với các đối tác độc lập để bảo đảm yêu cầu. Đối với đội ngũ nhân viên quản lý đường cao tốc phải được đào tạo bài bản, có đồng phục và nghiệp vụ quản lý đường cao tốc”, Thứ trưởng Trường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.