Xã hội

"Cát tặc" lộng hành Quảng Ngãi: Đút túi hàng trăm triệu mỗi đêm

image

Tài nguyên bị rút ruột, Quảng Ngãi thất thu thuế phí, mất ATGT... đang là hệ lụy nạn cát tặc.

img

Không chịu bất kỳ thuế phí gì, cát tặc bán mỗi khối cát khai thác trái phép trên sông Trà Khúc lên đến 120.000 đồng, đút túi lợi khủng (ảnh cắt clip ghi nhận bãi cát trái phép đoạn xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi các đêm 24-27/4)

Cát tặc đút túi trăm triệu mỗi đêm

Hai tiếng đồng hồ sáng 24/4, xe tải BKS 76C - 000.93 xong hành trình mua, đổ 6 khối cát từ điểm khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc đoạn ngay trên địa bàn phường Lê Hồng Phong (thành phố Quảng Ngãi) về xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa).

Phóng viên trong vai người mua cát, được nam tài xế này hướng dẫn đến mua tại bãi cát trên, “tiền tươi” mỗi khối cát 120.000 đồng, không hóa đơn chứng từ. Xe 76C - 000.93 chở được 6 khối cát với giá 720.000 đồng, về bán lại cho dân chừng 1,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, trích xuất dữ liệu đăng kiểm, xe này thuộc Công ty TNHH Việt Lợi (trụ sở TP.Quảng Ngãi), chỉ có tải trọng cho phép 1,1 tấn. Không chỉ chở quá tải, vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, xe tải 76C - 000.93 còn vi phạm kinh doanh khoáng sản. Đây chỉ là 1 trong các mắt xích của hoạt động cát tặc đang lộng hành trên sông Trà Khúc, ngay giữa phố thị Quảng Ngãi, “đút túi” lợi khủng và dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cơ sở.

Nhẩm tính với đơn giá 120.000 đồng/khối cát, các đối tượng này chỉ mất trên dưới 20.000 đồng cho các chi phí máy đào múc lên xe, nhân công, tiền ghe (với phương pháp hút từ sông), “thuê chim lợi” cảnh giới… còn lại “lãi ròng” cả trăm ngàn đồng/m3 mà không phải đóng bất kỳ các loại thuế phí, nào khác.

Cứ thế xe càng lớn, khối lượng cát vận chuyển càng nhiều. Ghi nhận PV trong các ngày 24-27/4, hầu hết các phương tiện chở cát lậu đều dùng xe 3-4 trục, tương đương 18-20 khối cát. Trung bình trong các khung “giờ vàng” từ 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau, tại mỗi điểm khai thác cát trái phép đều có khoảng 100 lượt xe ra vào, cát tặc đút túi hàng trăm triệu mỗi đêm là hoàn toàn dễ hiểu.

img

Không chỉ có dấu hiệu vi phạm tải trọng xe, rơi vãi, cát tắc gây nhiều hệ lụy và mất trật tự vận tải. Theo các luật sư, cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm (ảnh chụp 24, 27/4)

Bám theo hành trình xe chở cát lậu, các phương tiện tỏa đi khắp các khu vực nội thị Quảng Ngãi, đến các huyện lận cận để về tập kết cho các đại lý vật liệu, bán cho công trình tư nhân… thu chênh lệch lớn giữa giá cát thị trường và giá bán ở các mỏ trái phép. Không quá khó để phát hiện các cơ sở này vi phạm nguồn gốc vật liệu, hóa đơn chứng từ, nếu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Nhiễu loạn thị trường vật liệu

Theo Sở TN&MT Quảng Ngãi, hiện trên sông Trà Khúc có 3 mỏ được cấp phép, trong đó có mỏ thôn 6 xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), 2 mỏ ở thôn Phước Lộc và thôn Diên Niên, cùng xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).

Căn cứ khung giá mới nhất tại văn bản ngày 5/4/2021 do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi công bố, cát xây dựng được bán tại mỏ với giá 154.922 đồng/m3, bao gồm xúc cát lên phương tiện vận chuyển tại mỏ, chưa bao gồm thuế VAT. Trong đó, doanh nghiệp đóng 105.000 đồng/m3 các loại phí cho nhà nước, chưa kể tiền cấp quyền, đấu giá 1 lần.

>>> Video: Cát tặc lộng hành sông Trà Khúc xuyên đêm:

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Hợp Nghĩa (chủ mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng), đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về đơn giá cho 1m3 cát xúc lên phương tiện cho người mua tại mỏ (chưa tính VAT) là hơn 140.000 đồng, thấp hơn so với giá niêm yết của tỉnh.

Trong khi, các đơn vị mỏ phải “gồng mình” đóng hàng loạt thuế, phí liên quan. Điển hình, để cấp quyền khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại sông Trà Khúc đoạn thôn 6, xã Nghĩa Dũng với trữ lượng 220.000m3, Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa, phải đóng hơn 30 tỷ đồng cho các chi phí trúng đấu giá quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường, phí cấp phép khai thác… Nhưng mỗi khối cát xúc lên xe tại mỏ, đơn vị đang tiết giảm tối đa, để áp mức giá thấp hơn khung giá tỉnh phê duyệt, nhằm hỗ trợ người dùng.

Cát tặc không phải đóng bất kỳ thuế phí trên, chỉ mất vài ba chục phút triển khai đội hình đưa máy móc, phương tiện vào bãi là đã vô tư rút ruột, múc cát trộm, đút túi “lợi khủng”.

Đặc biệt, giá cát tại các điểm khai thác trái phép này cũng bị đẩy lên 120.000 đồng, chỉ thấp hơn 20.000 đồng so với giá bán mỏ hợp pháp. Khiến số tiền cát tặc thu được càng khổng lồ. Nhiều thời điểm, “cát tặc” đẩy giá cát thị trường xuống mức 60-70.000 đồng/m3 khiến thị trường thêm nhiễu loạn.

img

Quảng Ngãi cấm khai thác cát về đêm, nhưng không hiểu sao hoạt động cát tặc rầm rộ xuyên đêm vẫn "qua mắt" được hàng loạt cơ quan quản lý, cơ sở: Công an, chính quyền cơ sở, trật tự đô thị...

img

Giữa đêm vắng, tiếng xe máy múc, xe tải rền vang vẫn không "đánh thức" được các cơ quan quản lý (ảnh cắt clip ngày 24-27/4)

Bà Đặng Thị Lai Thành, Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 1, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đơn giá mà tỉnh quy định để tính thuế đối với cát vàng là 105 ngàn đồng/1m3, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều nơi, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm làm "chảy máu", thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây thất thu nguồn thuế, phí cho ngân sách nhà nước.

Sở TN&MT Quảng Ngãi cho hay: việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Sở này đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền, lực lượng chức năng vào cuộc xử lý, nhưng hiện vấn nạn tình này vẫn diễn ra.

Theo Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 năm 2019 và 2020, tổng số tiền thuế phí mà tỉnh Quảng Ngãi thu được từ tài nguyên cát trên địa bàn là hơn 35,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên cát là hơn 28,4 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường cát là gần 7,2 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Lai Thành, Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 1, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, Cục thuế tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương có giải pháp hữu hiệu trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, xác định khối lượng khoáng sản khai thác, buôn bán và trữ lượng khoáng sản thực tế tại mỏ. Tuy nhiên, những vấn đề này gần như chưa được thực hiện hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.