Y tế

Cậu bé hồi phục kỳ diệu sau 2 năm hôn mê vì viêm não Nhật Bản

28/10/2019, 17:55

Suốt 2 năm sau ngày cậu con trai đổ bệnh viêm não Nhật Bản, người cha ấy vẫn nhẫn nại, hi vọng. Và rồi, cậu con trai hồi phục một cách kỳ diệu.

img
Bé Thạch hồi tỉnh sau 2 năm hôn mê vì viêm não Nhật Bản

Ngồi bên cậu con trai Bùi Ngọc Thạch (SN 2004) nằm bất động trên giường bệnh, xung quanh gắn đầy các thiết bị hỗ trợ, người cha ấy ngày ngày rủ rỉ chuyện buồn, chuyện vui, chốc chốc lại vuốt ve đôi tay, bóp nhẹ đôi chân cho con… Suốt 2 năm đằng đẵng, sau ngày cậu con trai đổ bệnh viêm não Nhật Bản, người cha ấy vẫn nhẫn nại, hi vọng. Và rồi, số phận đã mỉm cười khi cậu con trai hồi phục một cách kỳ diệu.

Nụ cười của con là cuộc sống của cha

“Gần 1 tuần nay, mọi người chuyện trò, con đã nhận biết được, có phản xạ, thi thoảng vui quá còn nhoẻn miệng cười rất tươi. Thật may mắn”, ánh mắt của ông Bùi Văn Diệc (trú xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) sáng bừng lên khi chia sẻ về sự hồi phục kỳ diệu của cậu con trai.

Với ông Diệc và ngay cả với đội ngũ y, bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sự hồi phục của cậu bé Thạch vốn chỉ tồn tại trong hi vọng bởi suốt 2 năm qua, Thạch chỉ nằm bất động, thi thoảng mở mắt nhưng với ánh nhìn vô hồn.

Như để minh chứng cho những gì mình nói, ông Diệc quay về phía cậu con trai vẫn đang nằm bất động trên giường bệnh, trên cơ thể kết nối chằng chịt dây, ống với các thiết bị y tế hỗ trợ, cất tiếng: “Thạch ơi, cô giáo chủ nhiệm đến thăm con kìa”. Đánh mắt sang nhìn, cậu bé Thạch chớp mắt liền hai cái. Ông Diệc đỡ lời: “Chớp mắt hai cái là không phải”. Ông lại rủ rỉ bên tai Thạch: “Còn nhớ lời hứa thành lập đội bóng với ông cả không, mau khỏe rồi về nhé. Cười tươi lên nào”, khuôn miệng Thạch mở rộng, nụ cười và ánh mắt rạng rỡ.

Ông Diệc nhớ như in, đó là ngày 8/10/2017, trở về nhà sau trận bóng với chúng bạn, cậu con trai của ông than đầu đau như búa bổ dù cơ thể chỉ hâm hấp sốt. Và chỉ ít giờ sau thì có dấu hiệu cứng gáy, cứng tay chân, bàn tay quắp lại nên gia đình vội vã đưa Thạch vào cấp cứu tại bệnh viện huyện. “Tại đây, Thạch bắt đầu rơi dần vào tình trạng mất phản xạ, các bác sĩ nghi ngờ con mắc viêm não nên quyết định cho chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiên lượng xấu nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển con về BV Nhi T.Ư. Với kết quả từ chọc tủy, con được chẩn đoán viêm não do nhiễm virus viêm não Nhật Bản và rơi vào hôn mê từ đó”, ông Diệc kể lại.

Theo lời ông Diệc, khi Thạch nhập viện, gia đình mới phát hiện trong cặp con còn vỉ thuốc đau đầu đang uống dở. “Có lẽ trước khi phát bệnh, con cũng đã có những cơn đau đầu nhưng tự mua thuốc uống vì không muốn cha mẹ lo lắng”, ông Diệc nói.

Ngày gia đình chính thức nhận thông tin Thạch mắc viêm não Nhật Bản hôn mê sâu, sống dựa hoàn toàn vào máy móc hỗ trợ y tế, ai cũng xác định tinh thần với tình huống xấu nhất đến với Thạch.

Suốt 6 tháng ròng rã ăn trực, nằm chờ chăm con ở BV Nhi T.Ư, chỉ một mình ông Diệc đảm nhận, bởi vợ ông sức yếu. Ông Diệc có 4 đứa con. Chị trên Thạch lấy chồng ở Hà Nội, thi thoảng qua đỡ đần chút ít, sau Thạch còn một em nữa đang tuổi học. Giờ bố vào trông em, anh trai lớn của Thạch phải đảm đương gánh nặng kinh tế thay bố kiếm tiền hỗ trợ chăm em nằm viện.

“Thạch điều trị ở khu hồi sức tích cực. Ở đó đứa trẻ nào cũng vậy, không động đậy, ăn hay thở đều nhờ máy, vệ sinh, thuốc thang thì các bác sĩ, y tá phải lo hết. Ngày 2 bận sớm, tối người nhà được vào thăm con, lau rửa phụ thôi. Thi thoảng nghe tin một đứa trẻ yếu quá phải xin về, lại thấy nóng lòng. Có lần tưởng Thạch ra đi, bác sĩ nói tiên lượng rất xấu, tùy gia đình nếu phẫu thuật tỷ lệ sống cũng rất nhỏ. Nhưng vợ chồng tôi nhất quyết còn nước còn tát. Sau lần phẫu thuật đó, Thạch thoát cơn nguy kịch nhưng vẫn hôn mê, bất động, chỉ thi thoảng nhắm mở mắt vô định”, ông Diệc tâm sự.

Dòng nhật ký vội cha viết cho con

img
Cuốn nhật ký viết vội

Khi nói về trường hợp của Thạch, BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình thốt lên: “Sự hồi tỉnh, đáp ứng phản xạ sau quãng dài gần 2 năm hôn mê của Thạch là điều vô cùng kỳ diệu, hiếm gặp. Ở khoa này, Thạch là bệnh nhân nằm điều trị lâu nhất. Khi tiếp nhận, Thạch sống thực vật, dù hệ thần kinh bị tổn thương nhưng các chức năng tim, phổi, thận bình thường…. điều này cho thấy còn hi vọng dù rất nhỏ nhoi”.

“Có đôi lần sức khỏe của Thạch xấu đi, tri giác bất động, không đóng mở mắt, đến các bác sĩ điều trị cũng bi quan. Và điều lo lắng nhất với bệnh nhân nằm điều trị dài ngày như Thạch chính là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, viêm phổi, loét cơ thể do tỳ đè nhiều. Nhưng đến thời điểm này, những lo lắng đó Thạch đã vượt qua một cách ngoạn mục”, BS. Tình cho hay.

Về nằm điều trị tích cực tại Hòa Bình, sự sống của Thạch vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Diệc được sự đồng ý của các y, bác sĩ nên ngày ngày được túc trực bên Thạch 24/24h. Lúc thì ông rủ rỉ chuyện gia đình, khi lại nhắc đến bạn bè và sở thích của Thạch. Những tấm hình gia đình, bạn bè, trường lớp được ông mang theo để “nói chuyện” hàng ngày, hàng giờ với Thạch. Những câu chuyện độc thoại ấy cứ ngấm dần và “đánh thức” phần ký ức “muốn ngủ quên” của Thạch.

Nằm điều trị ròng rã ở Hà Nội, có người bảo cho Thạch về nhà đi để xuôi tay an phận, chứ không cứu nổi đâu. Đau lòng lắm vì tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ tương tự Thạch buộc phải đầu hàng số phận. Nhưng trong thâm tâm, vợ chồng tôi hứa với nhau “cứu” Thạch đến khi không thể mới thôi.
Ông Bùi Văn Diệc


Cũng từ ngày Thạch nhập viện, ông Diệc lại thêm thói quen viết nhật ký. Trong cuốn sổ nhỏ vừa đủ bỏ gọn túi áo, mọi diễn biến về sức khỏe của Thạch được ông gạch đầu dòng chi tiết. Không chỉ vậy, bất kỳ sự ủng hộ nào từ những người xung quanh với cha con ông cũng được ông lưu lại đầy đủ, từ bữa cháo từ thiện, bữa cơm trưa nhân đạo, cái bánh được tặng ngày Tết, hay món tiền lớn, nhỏ… “Tôi viết vào đây và nhất định Thạch nó sẽ đọc được tình thương của người thân, bạn bè và cả nhiều người xa lạ mà con chưa từng biết mặt, biết tên giúp mình khi khó khăn nhất”, ông Diệc nói vậy khi lật lại cuốn nhật ký nhỏ.

“Đó là người cha rất tuyệt vời. Nếu không có sự quyết tâm, tin tưởng và tận tụy của cha Thạch thì y, bác sĩ chúng tôi cũng khó có thể cứu giúp bệnh nhân. Bởi, không ít ca bệnh như Thạch, dù chúng tôi quyết tâm cứu chữa nhưng gia đình chùn bước, xin về tự đầu hàng số phận”, BS. Tình cho hay.

Cách đây 3 tuần, Thạch đã có những dấu hiệu khả quan đầu tiên dù rất nhỏ, ánh mắt bớt vô hồn… Và cách đây ít ngày Thạch đã cười, ánh mắt linh hoạt hơn, đôi bàn chân khẽ động đậy và Thạch biết lưu luyến khi bạn thân đến thăm phải chia tay ra về…

Sự hồi tỉnh của Thạch sau gần 2 năm hôn mê không chỉ là niềm vui của chính gia đình mình mà như lan tỏa thêm nhiều hi vọng, niềm tin vào sự sống cho các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đang nằm điều trị tại nơi vốn mệnh danh “thập tử nhất sinh” này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.