Trong nước

Cậu bé Mường và hành trình 14 nghìn km học đá bóng

17/02/2015, 14:40

Đó là quãng đường tính sơ qua mà Tú, một cậu bé Mường phải vượt qua trong hai năm để được chơi bóng.

451
HLV Đặng Gia Mẫn và bé Tú

Bản sao của Thành Lương

Tôi quyết định tìm về bản Mường ở ngoại vi TP. Hòa Bình mà không báo cho bất kỳ ai. Trên chiếc xe An Bình sạch đẹp, bác tài niềm nở: “Phải hơn hai giờ mới tới bác ạ vì đang sửa đường. Bộ trưởng chỉ thị phải xong trước Tết, ra Giêng bác đi thì không đến tiếng rưỡi đâu”. Từ ngã tư Cầu Trắng rẽ vào bản Mường là đường đèo dốc ngoằn ngoèo, nhưng mặt đường mới trải nhựa đen nhánh. Những bông lau cuối mùa ánh bạc trong nắng chiều, những vạt hoa cải vàng rực rỡ...

Cách đây hơn hai năm, một chàng trai Nam Định dẫn một ông lão chừng 60 tuổi và cậu bé 9 tuổi đến gặp tôi tại buổi tập của CLB Lê Quý Đôn (Hà Nội).

- Chú xem giò cẳng cậu bé Mường này giúp cháu với.

- Dân tộc Mường à, ở đâu?

- Cách TP Hòa Bình khoảng 14 km, cháu có trang trại ở đấy, cháu nó tên Tú đá hay lắm, toàn đá với các anh lớn mà vẫn đoạt giải vua phá lưới của mấy xã.

Cậu bé Mường có vẻ hồi hộp nhưng không tỏ ra lo lắng.

- Cháu có mang giầy theo không?

Cậu bé Mường ngượng nghịu: “Cháu chưa đi giầy bao giờ ạ”.

Tôi nhìn cái quần bò hàng chợ bạc phếch và lấm lem bụi đỏ, không chắc trong cái quần bò là một chiếc quần đùi nên tôi không hỏi gì thêm.

- Cháu vào chơi với các bạn đi, lát nữa sẽ chia đội thi đấu.

Chỉ sau mươi phút thi đấu cậu bé Mường đã chinh phục được tất cả. Đỡ bóng mềm mại, đảo người rất dẻo rồi dừng lại đột ngột... Ngay lập tức tôi nghĩ đến Thành Lương, các động tác tiếp bóng và di chuyển rõ ràng là một bản sao của Thành Lương... Sau buổi tập, tôi đưa cậu bé Mường tới gặp chủ tịch CLB. Người phụ nữ tên Duyên từ nãy say mê theo dõi trận đấu đã chờ sẵn với nụ cười phúc hậu.

- Quần áo của cháu đây.

Ông lão người Mường dè dặt: “Bao nhiêu tiền hả cô?”.

- Không ông ạ, cháu sẽ là thành viên đặc biệt của CLB, sẽ được phát quần áo và không phải đóng học phí...

- Ôi, quý hoá quá. Ông cháu tôi cảm ơn cô!

Buổi chiều, tôi đưa cậu bé Mường đến cửa hàng dụng cụ thể thao của Vũ Duy Hoàng (Trung vệ của U23 Việt Nam năm 2003). Cậu bé Mường được tặng đôi giày Thượng Đình, đôi tất dài và cả bịt ống quyển. Sáng chủ nhật cậu bé Mường lại theo tôi xuống CLB Linh Đàm. Cũng như hôm trước, mọi người lại ngỡ ngàng trước khả năng chơi bóng của chú bé 9 tuổi. Cuối buổi tập, cậu bé Mường nhận thêm bộ trang phục thi đấu của FC Linh Đàm...

Ròng rã hai năm, bao nhiêu tuần bạn nhỉ, trừ mấy ngày Tết. Cứ cho là 100 tuần đi. 10x140 km (đi, về) giữa bản Mường và Hà Nội là một con số không dễ hình dung. 14 nghìn km, 7 lần khoảng cách giữa Hà Nội - TP HCM đấy bạn ạ. Hàng tuần, cứ 4h là hai ông cháu rời bản Mường, vượt mấy ngọn đèo cao ra đường số 6 xuôi về Hà Nội.

Ông lão giao cháu đích tôn cho CLB Lê Quý Đôn rồi quay về bản, có hôm ông ở lại xem tập đến hết buổi. Sau buổi tập, chàng trai Nam Định đến đón về nhà, sáng mai đưa xuống FC Linh Đàm. Trưa chủ nhật, ông lão xuống đón cậu bé của chúng ta về bản. Nhiều lần tôi ái ngại nhìn theo ông cháu họ khuất dần vào đám bụi đường Vành đai 3 Khuất Duy Tiến.

- Có cách nào khác không hả ông? Gửi xe khách chẳng hạn.

- Không cần đâu thày ạ. Tôi khỏe, tôi đi được... không sao đâu.

452

Bé Tú thể hiện kỹ thuật tâng bóng

Bước ngoặt đầu tiên

FC Lê Quý Đôn là một CLB khá đặc biệt, các bà mẹ trẻ có con học ở tiểu học Lê Quý Đôn chỉ mong các con được chạy nhảy nên thành lập CLB rồi mời tôi đến hướng dẫn. Năm 2014, Lê Quý Đôn là CLB duy nhất ngoài các lớp năng khiếu của các tỉnh và các CLB chuyên nghiệp tham dự U14 toàn quốc. Tuy không lọt vào vòng chung kết ở Cần Thơ nhưng FC Lê Quý Đôn gây được nhiều ấn tượng. Đặc biệt cậu bé Mường chơi rất xuất sắc, bốn trận ghi gần 10 bàn. Nhiều HLV ở giải đấu đó đã để ý đến cậu bé.

Tôi có hai con trai hiện đang là HLV của trung tâm bóng đá trẻ Viettel. Nhưng Viettel tuyển sinh rất kỹ, ngoài năng khiếu họ còn đo “tuổi xương”. Cậu bé Mường của tôi bị loại vì hơi còi. “Tôi đã định cãi nhau với họ: - Tôi cao có 1m55 mà vẫn đá bóng được đấy thôi, lại VĐQG (1985) đàng hoàng”… Nói vậy thôi, nguyên tắc là nguyên tắc. Nhưng tôi vẫn có niềm tin là cậu bé Mường sẽ đến được với bóng đá.

Mùa Xuân đến, khói lam chiều lan tỏa trên cánh đồng màu mỡ, cạnh đó là một sân bóng đá rất Mường... Những mầm xanh đang nhú chào xuân mới. Tôi dời bản Mường với một niềm hy vọng xa xôi. Là người đã từng đưa Phương Nam, Thanh Phương đến với bóng đá. Cả Vũ Như Thành, Thành Lợi (TC&BĐ), Trường Giang (CAHP). Tôi tin vào sự “mát tay” của mình. Chỉ cần không bị chấn thương nặng, dăm năm nữa các bạn sẽ nghe thấy tên Bé Mường của tôi.

Mùa hè 2014, cậu bé Mường được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội tiếp nhận. Nuôi ăn - tập và cho theo học lớp 6 ở Gia Lâm. Vậy là chặng đường mà ông lão người Mường chở cháu lại dài thêm mấy chục cây nữa. Tôi động viên ông: “Cuốc xe ôm dài hơn nhưng tương lai của Tú lại gần hơn ông ạ”.

Ngày Tú chia tay FC Lê Quý Đôn, ông lão mang bốn con gà xuống cám ơn cô chủ tịch và các thày giáo hướng dẫn. Đêm ấy tôi đưa bức ảnh Tú bẽn lẽn ôm lồng gà lên Facebook và viết: “Vậy là cháu đã vuột khỏi vòng tay ông, sức ông bây giờ chỉ làm được thế. Cầu mong cháu thành công trên con đường cháu đã chọn...”.

Lịch chạy “xe ôm” của ông lão đã thay đổi. Trưa thứ 7 xuống Gia Lâm đón cháu về, chiều chủ nhật lại chở cháu xuống Trung tâm huấn luyện của Hà Nội. Dịp hè, cô  Duyên chủ tịch FC Lê Quý Đôn đón về nhà cô ở Đông Anh hàng tháng...

Mọi sự trên đời đều có dấu ấn ít nhiều của may mắn hay ta thường nói là có duyên. Cái duyên ban đầu của cậu bé Mường là anh chàng Nam Định mê bóng đá mua trang trại tại bản Mường ấy. Hai năm qua, cậu bé Mường được bạn bè và các cô chú ở Hà Nội đón tiếp ân cần, chu đáo...

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam có nhiều ngôi sao bị từ chối khi đi tuyển lần đầu. Nguyễn Thế Anh (ba Đẻn) bị Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT T.Ư loại vì còi và chân vòng kiềng. Sau ông là ngôi sao lớn của Thể Công và Tuyển QG. Gần đây nhất là Công Phượng cũng bị Sông Lam không tuyển vì lúc ấy còi quá...

Bố của cậu bé Mường là nhân viên kiểm lâm, chỉ cao xấp xỉ 1m70 nhưng khi học trường Lâm nghiệp Hòa Bình là chủ công xuất sắc của đội tuyển tỉnh Hòa Bình. Một điều khá lạ là bố của cậu bé Mường chưa bao giờ đá bóng kể cả giải nhỏ ở trường lớp. Tố chất và sức bật của chàng kiểm lâm ấy củng cố thêm niềm tin cho tôi về tương lai của cậu bé Mường trong bóng đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.