Đời sống

Cầu bị sà lan chở cát đâm sập, dân mất kế sinh nhai, đi lại

Sau khi bị sà lan chở cát va phải, cầu Bãi Thẹn tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bị sập. Sau 2 năm, cầu chưa có việc đi lại, làm ăn rất khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV báo Giao thông, cách đây gần 2 năm, vào chiều tối ngày 25/7/2020, một chiếc sà lan chở hàng trăm khối cát từ Thanh Chương (Nghệ An) di chuyển theo sông Lam qua cống Trung Lương vào sông nhà Lê để tập kết tại huyện Can Lộc.

img

Cầu Bãi Thẹn nối huyện Đức Thọ với QL 8A bị sà lan cát va phải vào năm 2020

Khi di chuyển đến cầu Bãi Thẹn (cầu nối thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với QL8A, thuộc tổ dân phố Thuận Tiến, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) thì bất ngờ đâm trúng trụ cầu. Cú va chạm cực mạnh khiến trụ cầu bị xô lệch, mặt cầu bị cong nghiêng, có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Đức Thọ đã phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) khẩn trương gắn biển cảnh báo nguy hiểm, làm barie chặn 2 đầu cầu, ngăn cấm người và phương tiện qua lại trên cầu lẫn dưới sông để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

img

Nhận thấy cầu bị sập bất cứ lúc nào nên chính quyền địa phương đã tổ chức tháo cây cầu này

Nhận thấy cầu Bãi Thẹn có thể bị sập bất cứ lúc nào, để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, chính quyền đã cho tháo cầu trước sự tiếc nuối của người dân địa phương.

Từ ngày cầu Bãi Thẹn bị tháo dỡ, việc lưu thông của người dân trong vùng qua đây bị cắt đứt hoàn toàn.

Tuy không phải là đường trục chính vào xã, nhưng mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và phương tiện xe máy, xe đạp, xe bò từ thôn Gia Thịnh và làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh) lưu thông qua đây, nhập vào QL8A để đi học, làm việc, vận chuyển hàng hoá và kinh doanh buôn bán.

img

Từ ngày không còn cây cầu, việc đi lại, giao thương buôn bán, đồng áng của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.

Ông Nguyễn Đình Thuyên, xã Thanh Bình Thịnh cho biết, từ bên này cầu, muốn sang QL8A (ở bên kia cầu) chỉ còn 2 cách là đi thuyền qua sông hoặc phải đi vòng mất 3km.

“Từ khi cây cầu bị tháo dỡ, lưu thông trở nên gián đoạn, những hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực này (khu vực Bãi Thẹn) bị thất thu do cung đường vận chuyển hàng hóa xa hơn”, ông Thuyên nói.

Ngoài việc bất tiện trong đi lại, kinh doanh buôn bán thì việc không có cầu cũng ảnh hưởng tới những hộ sản xuất nông nghiệp.

Cả thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh có khoảng gần 20 mẫu ruộng ở phía bên kia cầu, trước kia người dân chỉ phải đi mất khoảng 3km nay không có cầu phải đi thêm 4km nữa. Nhận thấy sự việc bất tiện nên nhiều hộ đã cho người khác làm hoặc chấp nhận bỏ ruộng.

Ông Đoàn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ thông tin, đây là chiếc cầu chung của xã, nối thôn Gia Thịnh (xã Thanh Bình Thịnh) với tổ dân phố Thuận Tiến, phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh).

Nhiều lần người dân, cử tri trong các cuộc họp đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có thông tin phản hồi. Lãnh đạo huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh cũng muốn xin dự án nhưng chưa được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.