Hạ tầng

Cầu Chương Dương xuống cấp, “cõng” lượng xe gấp 8 lần thiết kế

Cầu Chương Dương mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp...

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, Hà Nội được hoàn thành vào năm 1985. Sau hơn 30 năm, nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp, khiến người tham gia giao thông lo lắng.

Hiện mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế.

img

Nhiều vị trí hư hỏng trên mặt cầu Chương Dương

Thấp thỏm khi qua cầu

Đi dọc theo cầu, dễ dàng nhận thấy những hư hại từ bề mặt cầu bong tróc, thành cầu đến lan can hoen gỉ.

Lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính đã bị nứt vỡ, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối của các bản bê tông lắp ghép gây thấm nước. Phần kết cấu thép thuộc phần trên của cầu đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp.

Trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu bị nứt vỡ. Ngay từ khe co giãn thứ 3 xuất hiện tình trạng bề mặt mấp mô, lượn sóng, chỗ cao chỗ thấp; tại vị trí giữa khe co giãn số 7 còn đang nứt với độ rộng 5 - 6cm đã khiến một phần đường tách rời khỏi thành cầu.

Ở khe co giãn số 9 những mảng asphalt chắp vá mỏng manh nhanh chóng bị các phương tiện lưu thông qua đánh bật tạo thành từng hố sâu gập ghềnh.

Người tham gia giao thông qua cầu liên tục phải giữ chặt tay lái để tránh bị loạng choạng do quá xóc.

Thừa nhận nhiều bộ phận, kết cấu của cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: Lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối gây thấm nước xuống bên dưới.

Chính điều này làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bê tông lưới thép dày 6cm cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bê tông dày 14cm dưới hệ bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong…

Phần kết cấu thép thuộc kết cấu phần trên của cầu về cơ bản vẫn đang ở trạng thái làm việc bình thường xong các hư hỏng và xuống cấp của kết cấu thép đã xuất hiện rất rõ rệt và có xu hướng tiến triển mạnh.

Trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu có chiều cao thấp (chỉ cao 1,1m tính từ mặt cầu), gờ bê tông nhỏ gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giông, gió…

“Các hư hỏng trên chưa gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tính ổn định và khả năng chịu lực nhưng nếu không có các giải pháp cải tạo, sửa chữa, gia cường kịp thời thì trong tương lai gần sẽ không còn bảo đảm an toàn lưu thông cho các phương tiện cũng như đẩy công trình vào giai đoạn xuống cấp nhanh hơn”, lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội nhận định.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện cầu bị xuống cấp là thế nhưng hàng ngày vẫn đang phải “cõng” lượng phương tiện nhiều gấp 8 lần công suất thiết kế.

Có mặt tại cầu Chương Dương trong khung giờ cao điểm sáng 26/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông, hàng nghìn phương tiện ì ạch di chuyển từ phía đường Nguyễn Văn Cừ lên cầu.

Anh Hoàng Văn Thắng - lái xe chở khách theo hợp đồng đi Hải Phòng thường xuyên lưu thông qua cầu bức xúc: “Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc ở cầu Chương Dương lại xuất hiện thường xuyên hơn, nhất là trong giờ cao điểm, lưu thông từ điểm ùn tắc đến hết cầu phải mất từ 20 - 30 phút”.

Không thể tiếp tục sửa chữa nhỏ lẻ

img

Khe co giãn đang xuống cấp khiến người tham gia giao thông bất an khi qua cầu Chương Dương

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó giám đốc Công ty Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý duy tu cầu Chương Dương) cho biết, hiện cầu chính có 11 khe co giãn, đã sửa chữa được 8 khe còn lại 3 khe hư hỏng tại trụ T4, T7 và T8A (tương đương khe co giãn số 3, 7, 9 tính từ trung tâm TP đi Long Biên theo phản ánh của Báo Giao thông).

Từ đầu năm đến nay công ty đã thực hiện sơn nút kết cấu thép khoảng 1.200m2, thảm mặt cầu bằng bê tông Polynesia 1.100m2, vá ổ gà khoảng 150m2, sơn kẻ bê tông 650m2, sửa chữa khe cao su 6m.

“Hiện chúng tôi đã bàn giao mặt bằng cầu cho đơn vị kiểm định. Các hư hỏng hiện tại phải chờ kiểm định xong mới có đợt sửa chữa tổng thể”, bà Thủy cho biết.

Phía Sở GTVT Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở cho biết, Chương Dương là cây cầu chịu tải trọng lớn trong thời gian dài trước khi có cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì.

Khẳng định tình trạng xuống cấp của cầu Chương Dương không thể cải thiện bằng việc duy tu với quy mô nhỏ lẻ được nữa, ông Tuấn cho hay, thời gian qua, đơn vị duy tu thường xuyên khắc phục đảm bảo an toàn nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, không xử lý triệt để được tình trạng hư hỏng do quá trình đưa vào khai thác đã lâu.

“Để đánh giá lại khả năng chịu tải của cây cầu và các bộ phận kết cấu Sở GTVT đã báo cáo UBND Thành phố và được chấp thuận tiến hành dự án kiểm định cầu Chương Dương”, ông Tuấn nói và cho biết: Hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định đã xong. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, công tác kiểm định cầu Chương Dương sẽ hoàn thành.

Chương Dương là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn thiếu thốn về nhân lực vật lực để thi công công trình cầu lớn, đã đáp ứng được nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối nội thành Hà Nội với các quận huyện phía Bắc sông Hồng và với các tỉnh như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.