Bạn cần biết

Cầu cứu lang băm, bệnh nhân ung thư tự tước cơ hội sống

11/10/2016, 08:17
image

Nhiều bệnh nhân mắc ung thư đã bỏ qua giai đoạn vàng, tự đánh mất cơ hội sống.

121
Bệnh nhân điều trị ung thư tại Khoa Nhi, Bệnh viện K T.Ư

Từ chối điều trị tại viện, tìm đến các bài thuốc truyền miệng, nhiều bệnh nhân mắc ung thư đã bỏ qua giai đoạn vàng, tự đánh mất cơ hội sống.

Quay lại viện khi giai đoạn vàng đã qua

Sáng 6/10, bé Phạm Đạt Bảo L. (5 tuổi, trú tại Tân Hưng, Hải Dương) được gia đình cho nhập Khoa Nhi, BV K T.Ư trong tình trạng suy kiệt sức khỏe, da xanh mướt, gày gò với khối u phát triển lớn trong ổ bụng. Cách đây hai tháng, bé L. được các bác sĩ BV Nhi T.Ư điều trị u nguyên bào thần kinh, với khối u 8cm đã di căn. Các bác sĩ xác định đây là bệnh nhạy cảm với hóa trị, u có thể tan khi truyền hóa chất.

Đáng tiếc, sau khi được khám, chẩn đoán, có phác đồ điều trị thì người nhà bé L. lại quyết định cho bé về chữa thuốc nam của thày lang tận Hà Giang. Thuốc gồm rễ cây không biết tên dùng uống, xoa và đắp vào khối u. Sau hai tháng, không những bệnh không đỡ, sức khỏe bé L. suy kiệt, khối u to chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm không đo được kích thước. Không dám quay lại BV Nhi T.Ư, gia đình đã cầu cứu BS. Phạm Thị Việt Hương, Phó trưởng Khoa Nhi, BV K T.Ư.

Khi được hỏi vì sao từ chối điều trị tại viện khiến trẻ suy kiệt đến vậy, chị Vân Tr. (mẹ bé L.) cho hay: “Do ung thư của bé đã di căn, cơ thể lại ốm yếu, không ăn được nên gia đình nghĩ truyền hóa chất sẽ thêm đau đớn, mới đưa về cho chữa thuốc nam”. Vừa giận, vừa thương gia đình bệnh nhi, BS. Hương cho biết, với tiên lượng tử vong cao, bệnh nhân Bảo L. không còn cơ hội được chữa khỏi, lần nhập viện này chỉ hy vọng có thể kéo dài sự sống ngắn ngày và điều trị giảm nhẹ triệu chứng.

BS. Hương chia sẻ thêm, có rất nhiều bệnh nhân đang điều trị trong viện nhưng có người rỉ tai là tin dùng mấy loại lá, rồi thuốc tự chế… của thày lang nên đã đánh mất cơ hội sống.

Còn theo BS. Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TP HCM, số bệnh nhân bị ung thư vừa điều trị tại bệnh viện kết hợp các phương pháp không khoa học khác ngày càng tăng khiến việc điều trị trở nên khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Vũ Thị C. (trú tại Cần Thơ) bị ung thư tuyến giáp. Sau khi điều trị Tây y bằng phẫu thuật, nghe người bạn rỉ tai kinh nghiệm trị ung thư tuyến giáp của một bệnh nhân bên Mỹ bằng liệu trình “thực dưỡng trị bệnh”, chị C. quyết định làm theo. Bỏ hẳn các phác đồ điều trị ở viện, chị C. tuyệt đối tuân theo, chỉ uống nước dứa và ăn các loại hoa quả. Duy trì đến tháng thứ ba, chị C. buộc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể suy nhược, bệnh tái phát trầm trọng. Điều đáng tiếc là bệnh nhân đã bỏ lỡ giai đoạn vàng cho điều trị bệnh, cho dù đây là bệnh lý vốn có tiên lượng điều trị tốt với tỷ lệ thành công cao.

Ung thư không phải là chết!

BS. Phạm Thị Việt Hương cho biết, đối với các bệnh ung thư ở trẻ em hiện nay tỷ lệ điều trị thành công rất cao. Cụ thể, ung thư nguyên bào võng mạc, nhiều cháu tới điều trị sớm đã sống thêm được 5 năm, không phát bệnh và bảo tồn được mắt, thị lực đạt được 68%. Còn bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư máu) ở trẻ em Việt Nam hiện nay đã trên 70%, mặc dù phần lớn bệnh nhân đến viện giai đoạn muộn. Đối với u lympho ác tính không hodgkin, một dạng ung thư hệ thống tạo huyết, bệnh nhân có thể sống chung và sống thêm đạt 68%, sống không bệnh đạt 64%. Với bệnh ung thư xương, trẻ sống thêm không bệnh trên 5 năm đạt 85%. Những con số này cũng được đưa ra tương tự ở Khoa Nhi Ung thư, BV Nhi T.Ư.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 40% ung thư có thể dự phòng, 30%  ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% có thể kéo dài thời gian sống, cải thiện cuộc sống nhờ can thiệp bằng kỹ thuật y khoa.

Dẫn chứng cho điều này, BS. Hương chia sẻ câu chuyện của bệnh nhi Đinh Thị Hồng Nh. (Nam Định). Giờ Nh. đã 12 tuổi, khỏe mạnh. Ít ai ngờ cô bé đã có giai đoạn tưởng chết khi mới 20 tháng tuổi. Lúc ấy, bé Nh. nhập viện và phát hiện mắc ung thư túi noãn hoàng nguyên phát ở trung thất, với khối u rất lớn, di căn cả hai bên phổi gây khó thở. Tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” lúc đó của Nh. khiến cả gia đình đều nghĩ vô phương cứu chữa nên xin về. Thế rồi, sự quyết tâm đến cùng của các y, bác sĩ và gia đình đã mang lại phép màu cho cô bé Nh. Sau một năm điều trị tại viện, bé Nh. đã khỏi bệnh.

Theo PGS. Bùi Diệu, nguyên Giám đốc BV K T.Ư, với điều kiện khoa học, kỹ thuật hiện đại như hiện nay, cơ hội sống không bệnh của bệnh nhân ung thư rất cao. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.