Thế giới giao thông

Cầu dây văng khổng lồ ở Canada buộc phải đóng cửa

18/01/2016, 17:08

Cây cầu Nipigon River nối liền Đông và Tây Canada với tổng kinh phí lên tới 106 triệu USD.

nipigon-river-bridge
Vết nứt trên thân cầu vượt sông Nipigon.

Cây cầu được đưa vào hoạt động tháng 11/2015 và là một trong những dự án cầu dây văng quy mô lớn nhất ở Ontario, với tổng kinh phí lên tới 106 triệu USD.

Dầm sắt vênh 60cm

Ashley Littlefield, một người dân Ontario có dịp lái xe qua cây cầu cho biết, cô từng cảm thấy cầu rung lên vì một cơn gió mạnh. Chồng của Littlefield thậm chí đã dừng lại để cảnh báo các xe khác trước khi cảnh sát tới khoảng 30 phút. Các hình ảnh xuất hiện trên truyền thông cho thấy rõ các vết nứt trên thân khiến cây cầu gần như bị tách làm đôi. Các dầm sắt thậm chí nhô hẳn lên khỏi mặt đất khoảng 60cm.

CBC News dẫn lời thị trưởng vùng Nipigon - ông Richard Harvey cho biết, các kỹ sư đang kiểm tra để xác định nguyên nhân dẫn đến các vết nứt cũng như mức độ nghiêm trọng. “Hiện chúng tôi không chắc chắn về mức độ nứt của cây cầu”, ông Harvey nói. Theo Bộ trưởng Giao thông Canada Steven Del Duca, Nipigon River đang “đóng cửa do các vấn đề cơ học” và khẳng định ngành GTVT sẽ “làm tất cả để khôi phục cây cầu một cách nhanh nhất”.

Đánh giá ban đầu cho thấy, sự cố xảy ra đúng ngày bão tuyết đổ về dẫn đến biến động nhiệt độ quá lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Những nguyên nhân khác đang được các chuyên gia xây dựng cầu đường xem xét và đánh giá thiệt hại.

Vụ việc khiến người dân lo ngại và nhớ lại tuyên bố mới đây của tân thủ tướng Canada Justin Trudeau: “Tiền tỉ đối với việc khắc phục cơ sở hạ tầng chỉ giống như muối bỏ bể”. Tạp chí doanh nhân Ivey (Ivey Bussiness Journal - IBJ) từng nói rằng: “vấn đề cơ sở hạ tầng đã bị lãng quên quá lâu ở Canada”. Còn Cựu thị trưởng TP Montreal - ông Gerald Tremblay thẳng thắn nhận định: “Canada là quốc gia duy nhất trong G8 không có một định hướng phát triển GTVT”.

Phân bổ, thu hútmọi nguồn lực cho giao thông

Những năm trở lại đây, Canada không ngừng tìm mọi biện pháp nhằm cải thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng. IBJ dẫn thông tin cho biết, chính phủ dự kiến phân bổ lại thuế, đầu tư công nghệ để quản lý cơ sở hạ tầng và giải quyết tắc nghẽn giao thông...

Tháng 3/2014, Chính phủ phát động “Kế hoạch xây dựng Canada mới” với 53 tỉ USD đầu tư cho việc xây dựng, cải tạo hạ tầng trong vòng 10 năm. Đây là kế hoạch lớn và dài hạn nhất trong lịch sử nước này liên quan tới cơ sở hạ tầng.

Nếu lạnh là một yếu tố dẫn tới cầu bị nứt, đây được xem là một lời cảnh báo cho các chuyên gia xây dựng trong tính toán kết cấu ở vùng khí hậu phía Bắc.

Chúng ta luôn phải nhớ tới yếu tố khí hậu trong xây dựng, chẳng hạn phải đề cao gấp đôi yếu tố khí hậu lạnh và không đánh giá thấp nó. Thỉnh thoảng, ở nhiệt độ thấp, các bu-lông và thép có thể trở nên giòn hơn. Các dây cáp cũng có thể bị co lại trong nhiệt độ quá lạnh”.

Mark Green - Giáo sư Kết cấu kỹ thuật tại Đại học Queenở Kingston

Kể từ năm 2015, chương trình hành động kinh tế đề xuất một quỹ mới nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - trong đó đưa ra mức thuế thấp đối với người lao động. Chương trình này đề xuất tăng cường mô hình đầu tư PPP (Public - Private Partner) - tức nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của nhà nước. Theo kế hoạch, quỹ PPP mới sẽ rót vốn vào cải tạo hệ thống giao thông, với 750 triệu USD cho 2 năm 2017 và 2018. Các năm sau đó, mỗi năm sẽ được rót 1 tỉ USD.

Nguồn quỹ này cũng sẽ bổ sung đáng kể và hỗ trợ dài hạn các dự án giao thông, nhằm cải thiện việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, tạo tiền đề cho các lợi ích kinh tế và xã hội. Ngoài ra, năm 2015, Cơ quan phụ trách tài chính của đảng Tự do cho hay, sẽ chi thêm 5 tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới ngay trong năm đầu tiên lãnh đạo đất nước.

Để tăng cường hút vốn, Chính phủ tích cực thay đổi cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia như: thỏa thuận thanh toán linh hoạt, cơ chế tài chính sáng tạo, cung cấp dịch vụ thanh toán trả góp trong 20 - 30 năm (tư nhân không cần trả trước toàn bộ hợp đồng), đi kèm với việc giảm thuế. Sự tham gia của tư nhân sẽ giúp chia sẻ một phần rủi ro trong các dự án - bao gồm cả việc hoạch định chính sách, vốn đầu tư và giảm thiểu chi phí, thời gian trong các dự án hạ tầng.

Canada được đánh giá là một trong những nước áp dụng thành công nhất mô hình PPP. Sau 20 năm, có 185 dự án đã và đang được triển khai tại 45 thành phố. Tổng số vốn thu hút đầu tư cho các dự án này đạt trên 58 tỷ đô la Canada (55,75 tỷ USD), đứng đầu là giao thông với 42 dự án, vốn đầu tư 23,5 tỷ, chiếm 41%.

Các dự án không thể làm được theo hình thức PPP thì mới tiến hành theo hình thức đầu tư công truyền thống. Thông thường, nhà đầu tư được nhận thanh toán 30-50% sau khi hoàn tất xây dựng, còn lại sẽ nhận trong 25-30 năm tiếp theo và có thêm trách nhiệm vận hành dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.