Thể thao

Cầu thủ Anh lận đận khi ra nước ngoài thi đấu

15/09/2016, 09:05
image

Nguyên nhân khiến cầu thủ Anh không thể tỏa sáng ở môi trường ngoài nước Anh là do khả năng thích nghi.

Joe-Hart-Torino-badge-MAIN

Thủ thành Joe Hart khoác áo Torino

Cuối tuần trước, thủ thành Joe Hart đã có trận chào sân tại Serie A trong màu áo Torino. Đáng tiếc, màn ra mắt của thủ thành số 1 ĐT Anh lại không được như kỳ vọng. Cụ thể, chính bởi sai lầm của Joe Hart, Torino đã đánh rơi chiến thắng. Chẳng rõ HLV Mihajlovic có cảm thấy hối hận khi đưa Joe Hart về và trao cho anh vị trí số 1 trong khung gỗ hay không nhưng những người quan tâm tới bóng đá Anh lại có cái để bàn ra, tán vào.

Trong bóng đá hiện đại, rất hiếm tên tuổi ở Anh ra nước ngoài thi đấu. Con số thậm chí còn chưa đếm đủ hai bàn tay. Trước Joe Hart, có thể kể ra một vài cái tên như: David Beckham, Jonathan Woodgate, Michael Owen, Hargreaves, Ashley Cole, Micah Richards, Joe Cole hay Jermaine Pennant. Ngoài Beckham thành công vang dội ngoài bóng đá, điểm chung của các cầu thủ này là đều không để lại nhiều dấu ấn, nếu không muốn nói là gây thất vọng. Điều này xem ra như một nghịch lý bởi người Anh vốn tự hào họ là quê hương của bóng đá và sở hữu giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh.

Nhìn một lượt các quốc gia khác ở châu Âu như: Pháp, Đức, Italia hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tất cả đều sở hữu nhiều danh thủ gây tiếng vang khi “xuất ngoại”. Vậy tại sao cầu thủ Anh lại không thành công khi rời quê hương? Do tài năng kém ư? Không hẳn. Joe Cole, Ashley Cole ra đi khi đã xế chiều, còn lại đều là những tài năng sáng giá. Michael Owen trước khi sang Real Madrid từng khiến cả châu Âu phải xuýt xoa. Micah Richards hay Jonathan Woodgate cũng tương tự.

Nguyên nhân khiến cầu thủ Anh không thể tỏa sáng ở môi trường ngoài nước Anh là do khả năng thích nghi. Không thể thích nghi đương nhiên sẽ bị môi trường đó đào thải. Dần dần, việc đầu quân cho các đội bóng ở các quốc gia khác trở thành nỗi sợ hãi của cầu thủ Anh.

Cộng thêm việc truyền thông Anh luôn thổi phồng các tài năng trẻ một cách thái quá, giúp họ thành những ngôi sao, hưởng mức đãi ngộ siêu “khủng” nên tâm lý ngại “xuất ngoại” ngày một thể hiện rõ trong giới cầu thủ ở xứ sương mù. Tin rằng, nếu không bị ruồng rẫy ở Man City, Joe Hart chẳng đời nào chịu tới Serie A.

Xét rộng vấn đề, việc bóng đá Anh ít cầu thủ thi đấu ở nước ngoài về cơ bản sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ĐT Anh. Tam Sư luôn được coi là ứng viên ở các giải đấu lớn nhưng thành công vẫn rất xa vời. Cũng phải thôi, bởi cầu thủ Anh gần như được bao bọc trong nhung lụa trên một ốc đảo và kém va vấp, nên sự trưởng thành trong tư duy chơi bóng tương đối hạn chế.

Với mỗi đội tuyển, các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài giống như “gián điệp” để họ hiểu hơn về đối thủ. Bóng đá Anh đang thiếu “gián điệp” nên cũng dễ hiểu khi ĐT Anh mãi cứ lận đận vì biết mình mà không biết người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.