Bóng đá

Cầu thủ lên tuyển Việt Nam, CLB không thể bảo vệ?

20/10/2021, 07:00

Việc hài hòa lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và CLB trong việc sử dụng cầu thủ luôn là vấn đề nóng.

Ở nhiều nền bóng đá trên thế giới, CLB có tiếng nói rõ ràng trong việc bảo vệ cầu thủ mà mình đang phải trả lương nhưng tại Việt Nam dường như điều này vẫn khá mơ mồ.

img

Đoàn Văn Hậu sắp sang Hàn Quốc phẫu thuật chấn thương

Từ cái chân của Đoàn Văn Hậu

Theo thông tin từ CLB Hà Nội, đội bóng này đang hoàn thiện thủ tục để đưa cầu thủ Đoàn Văn Hậu sang Hàn Quốc phẫu thuật vào tháng 11 tới.

Hậu vệ quê Thái Bình được xác định tái phát chấn thương dây chằng đầu gối với những diễn biến phức tạp nên buộc phải can thiệp để chữa trị dứt điểm.

Quay lại thời điểm tháng 5/2021, khi đội tuyển Việt Nam hội quân chuẩn bị cho ba trận đấu cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra đầu tháng 6/2021.

Văn Hậu có tên trên tuyển dù đang điều trị phục hồi theo giáo án của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF.

Đơn vị này cũng gửi thư lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khuyến cáo, Văn Hậu cần tập luyện thích nghi dần trong vòng từ 3 - 4 tuần trước khi tham gia thi đấu chính thức.

Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn một tuần sau khi đội tập trung, cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC đã tập luyện cường độ cao và ra sân ở hai trận gặp Malaysia và UAE vào ngày 11 và 15/6.

Trận Malaysia, Hậu đá đủ 90 phút nhưng trận UAE anh có dấu hiệu bị đau, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nên chỉ chơi 60 phút và phải rời sân nhường chỗ cho Hồng Duy.

Trở về từ UAE, Hậu chấn thương, không thể tập luyện cùng đồng đội tại CLB Hà Nội. Chấn thương đó âm ỉ tới nay và anh sắp phẫu thuật ở đúng vị trí từng phẫu thuật hồi cuối năm 2020.

Với trường hợp của Đoàn Văn Hậu, không thể khẳng định việc cầu thủ này ra sân sớm nên gây ra chấn thương nhưng chắc chắn việc đốt cháy giai đoạn khi điều trị ảnh hưởng tới thể trạng của cầu thủ.

Không riêng Văn Hậu, nhiều cầu thủ khác của tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam từng ra sân khi chưa sẵn sàng 100% sức khỏe khiến chấn thương trở nên phức tạp.

Đầu năm 2020, trung vệ Trần Đình Trọng nén đau vào sân thi đấu tại Vòng chung kết U23 châu Á. Sau đó, anh chấn thương nặng, nghỉ cả mùa giải 2020 và chỉ trở lại ở mùa 2021.

Mới đây, Đình Trọng vào sân ở trận gặp Ả Rập Xê Út tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 dù chưa hoàn toàn khỏe mạnh. Kết quả, anh không thể ra sân ở hai lượt trận gần nhất.

Ở trận tiếp đón Australia trên sân Mỹ Đình, Nguyễn Thành Chung và Bùi Tiến Dũng đá chính, cũng trong tình trạng chưa bình phục hoàn toàn. Rất may, chấn thương của bộ đôi này không quá phức tạp nên đã kịp trở lại trước trận gặp Trung Quốc.

Rõ ràng, việc sử dụng nhân sự như trên ảnh hưởng xấu tới cầu thủ. Nếu cầu thủ chấn thương, CLB sẽ chịu thiệt thòi. CLB Hà Nội là ví dụ điển hình khi hai mùa gần đây nhiều cái tên trong đội hình của họ gặp chấn thương khi lên tuyển.

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo đội bóng Thủ đô cho hay: “Xảy ra chấn thương là điều không ai mong muốn. Việc này làm ảnh hưởng tới sự nghiệp cầu thủ và chất lượng chuyên môn của đội bóng. Nhưng quan điểm xuyên suốt của CLB Hà Nội là vẫn tạo điều kiện tối đa để cầu thủ được cống hiến trong màu áo đội tuyển”.

“Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ có sự phối hợp, trao đổi thông tin tốt hơn về mặt y tế để đưa ra các phương án tối ưu trong vấn đề phòng tránh, chữa trị và điều trị phục hồi các ca chấn thương nhằm đảm bảo cầu thủ được cống hiến nhiều nhất, lâu dài nhất cho đội tuyển”, vị lãnh đạo đội bóng nói thêm.

Tới tiếng nói của CLB

Những trường hợp vừa nêu ở phần đầu bài viết chỉ ra một thực tế, dường như các CLB tại Việt Nam có quá ít tiếng nói về việc sử dụng cầu thủ trên đội tuyển quốc gia.

Ở các nền bóng đá lớn, CLB thường lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ cầu thủ cũng như lợi ích của đội bóng.

Mới nhất, trong loạt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ hồi tháng 9, một loạt đội bóng Ngoại hạng Anh từ chối nhả cầu thủ cho các đội tuyển Nam Mỹ do tình hình dịch bệnh tại đây phức tạp.

Với cầu thủ đang trong giai đoạn chữa trị chấn thương, CLB ở châu Âu thường kiên quyết từ chối cho cầu thủ lên tuyển.

Về phía VFF, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh cho biết, VFF cùng Ban Huấn luyện đội tuyển quốc gia luôn có những trao đổi với phía các CLB trước khi triệu tập cầu thủ. Nhờ vậy, giữa đôi bên chưa khi nào xảy ra xung đột.

Trao đổi với một số CLB lớn đang chơi tại V-League, Báo Giao thông chỉ nhận được câu trả lời chung chung rằng sẵn sàng đóng góp cho đội tuyển quốc gia và coi việc cầu thủ được triệu tập là niềm tự hào lớn nên không có trường hợp từ chối. Bản thân cầu thủ cũng luôn muốn phục vụ màu cờ sắc áo ở đội tuyển quốc gia.

Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng chỉ nêu trách nhiệm của CLB là phải cung cấp cầu thủ cho đội tuyển khi có yêu cầu nhưng lại không quy định về quyền từ chối.

Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, đúng là xưa nay sự phản biện từ phía CLB với việc dùng người trên tuyển còn rất yếu. Tuy nhiên, cầu thủ cũng cần có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình.

“Người Việt Nam vốn yêu đội tuyển nên CLB mặc định là sẽ cống hiến cho đội tuyển ở mức tối đa, kiểu quan hệ một chiều, ít phản biện chứ chưa nói phản biện quyết liệt. Nhưng theo tôi câu chuyện này cũng có một phần lỗi từ bản thân cầu thủ. Hơn ai hết, họ phải hiểu họ chơi được hay không và khi nào cần giữ cho đôi chân của mình, từ đó trao đổi với cả đội tuyển lẫn CLB để có sự thống nhất”, ông Huy phân tích.

Mặc dù vậy, ông Huy cũng nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam đang phát triển, đạt nhiều cột mốc mới nên cầu thủ có tư duy cố đá bởi biết đâu năm sau hoặc giải sau không còn cơ hội.

“Đá vòng loại cuối World Cup chẳng hạn, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam góp mặt, cầu thủ ai chẳng muốn có trải nghiệm. Hi vọng rằng trong tương lai, khi bóng đá Việt Nam đã quen với việc vào sâu ở các giải đấu, cầu thủ sẽ hình thành thói quen bảo vệ cho mình, qua đây hài hòa được lợi ích giữa đội tuyển và CLB”.

Cầu thủ chấn thương, chi phí điều trị do ba bên cùng chịu

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm thời gian qua là khi phục vụ đội tuyển quốc gia, nhiều cầu thủ gặp chấn thương nặng phải nghỉ thi đấu dài hạn.

Chi phí chữa trị những trường hợp này sẽ do VFF hay CLB chi trả? Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, thông thường phần này sẽ do ba bên gồm: Bảo hiểm, VFF và CLB đồng chi trả.

“VFF sẽ trao đổi với phía CLB, căn cứ tình hình thực tế để đưa ra mức hỗ trợ chữa trị nhằm giảm gánh nặng tài chính cho CLB”, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.