Quản lý

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15m thay vị nâng hạ lên 45m

11/08/2024, 19:40

TP.HCM đề xuất phương án làm cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không thuyền cố định 15m, thay vì nhịp chính có thể nâng hạ lên 45m như trước.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT để xin ý kiến về phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn (nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 7) nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15m thay vị nâng hạ lên 45m- Ảnh 1.

Phương án dự thi thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4 (Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM).

UBND TP nêu rõ, trên cơ sở hiện trạng, định hướng quy hoạch và nhu cầu lưu lượng, cầu Thủ Thiêm 4 được tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16km (phần cầu chính khoảng 1.635m), quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp). 

TP.HCM đưa ra hai phương án tĩnh không thông thuyền. Trong đó, phương án 1 là tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 10m, tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 4.365 tỷ đồng. Phương án 2 là tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 15m, tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 4.840 tỷ đồng.

UBND TP.HCM đánh giá, phương án 1 tương tự các cầu phía thượng lưu như cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Sài Gòn. Phương án này có ưu điểm là chi phí xây dựng thấp nhưng do tĩnh không thông thuyền cầu thấp (10m), sẽ hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy có sức chở lớn, chiều cao trên 10m. 

Đặc biệt là các tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch, thưởng ngoạn cảnh sông Sài Gòn, ảnh hưởng tới việc khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội.

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15m thay vị nâng hạ lên 45m- Ảnh 2.

TP.HCM chọn phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp với nhu cầu tàu thuyền qua lại và phục vụ khách du lịch (Ảnh: Chí Hùng).

Đối với phương án 2, UBND TP đánh giá, các yếu tố về quy hoạch, giải phóng mặt bằng là tương đồng với phương án 1. Thêm vào đó, tĩnh không thông thuyền cầu 15m sẽ tạo điều kiện thuận lợi các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động (có sức chở lớn, chiều cao trên 10m), đặc biệt là các tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch, thưởng ngoạn cảnh sông Sài Gòn; không gian sông Sài Gòn khu vực có công trình cầu thoáng hơn, phát huy hiệu quả kiến trúc, mỹ quan đô thị. 

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là tổng mức đầu tư cao hơn phương án 1 khoảng 10%. 

Từ những phân tích trên, UBND TP cho biết dự kiến sẽ lựa chọn phương án 2, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền BxH=80mx15m (kết cấu nhịp cố định - không có giải pháp nâng, mở). 

UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 mà TP.HCM dự kiến lựa chọn, để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ, sớm trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15m thay vị nâng hạ lên 45m- Ảnh 3.

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ nhịp trước đây (Ảnh: Tư vấn Portcoast).

Trước đó, ngành giao thông TP.HCM đưa ra giải pháp xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng. Cầu có thiết kế có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m giúp các tàu lớn như tàu khách quốc tế lưu thông trên sông Sài Gòn để vào trung tâm thành phố. Kết cấu nhịp chính là dầm thép, bố trí 2 trụ tháp bằng bê tông cốt thép cùng với hệ nâng, nhịp dẫn sử dụng dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được TP.HCM xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Cầu Thủ Thiêm 4 hình thành sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh...

TP.HCM xây cầu Thủ Thiêm 4 hơn 6.000 tỷ đồngTP.HCM xây cầu Thủ Thiêm 4 hơn 6.000 tỷ đồng

Cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị Thủ Thiêm và quận 7 có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2025-2028.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.