Thế giới giao thông

Cầu treo và những thảm họa kinh hoàng

27/02/2014, 06:22

Các tai nạn sập cầu đều gây ra những hậu quả kinh hoàng về người và của. Báo Giao thông điểm lại một số vụ tai nạn cầu treo trên thế giới.

Các tai nạn sập cầu đều gây ra những hậu quả kinh hoàng về người và của. Báo Giao thông điểm lại một số vụ tai nạn cầu treo trên thế giới.
 

Hiện trường sập cầu treo Kutai Kartanegara - dài nhất Indonesia
Hiện trường sập cầu treo Kutai Kartanegara - dài nhất Indonesia


1. Sập cầu treo dài nhất Indonesia

Tháng 11/2011, cây cầu treo dài nhất Indonesia được xây dựng mô phỏng theo cây cầu Golden Gate (Cổng vàng) ở San Francisco (Mỹ) có tên Kutai Kartanegara bắc qua sông Mahakam tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo của Indonesia bị sập khiến 12 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương.

Khi vụ sập cầu xảy ra, hai xe buýt cùng nhiều ô tô và xe máy đang lưu thông trên cầu. Những người may mắn sống sót cố gắng bơi vào bờ. Một số người khác thì bị mắc kẹt trong những đống đổ nát dưới lòng sông. Những người sống sót cho biết, họ nghe thấy tiếng động lớn, sau đó cây cầu bị uốn cong và toàn bộ phần mặt cầu sau đó chìm xuống dòng sông.

Ủy ban Phòng chống tham nhũng Indonesia tuyên bố sẽ vào cuộc điều tra những dấu hiệu tham ô rút ruột trong việc xây dựng và bảo trì công trình (nếu có) dẫn đến thảm họa này. Trước đó, ông Harmoni Adi - người đứng đầu Cơ quan cứu nạn tỉnh Đông Kalimantan cho biết, một dây thép bổ trợ của cầu đã bị đứt trong khi các công nhân đang sửa chữa và đó có thể là nguyên nhân của thảm họa.

Cũng tại Indonesia, ngày 21/1/2014 vừa qua, 2 người thiệt mạng, 16 người mất tích trong vụ sập cầu treo bắc qua sông Cibanten  tại Serang, thủ phủ tỉnh Banten, Indonesia. AP dẫn lời ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia cho biết: Vụ tai nạn xảy ra khoảng 16h, khi đó trên cầu có 40 người (phần lớn là trẻ em) đang đứng xem kết bè nối liền hai làng ở hai bên bờ sông, bất ngờ chiếc cầu bị sập khiến tất cả rơi xuống sông.
 

Cầu treo Silver Bridge
Cầu treo Silver Bridge


2. Trước Giáng sinh, 46 người thiệt mạng

Chiều 15/12/1967, Cầu Bạc (Silver Bridge), 40 tuổi nối liền TP Point Pleasant, bang Virginia với TP Kanauga, bang Ohio, Mỹ bất ngờ bị sập khiến gần 70 phương tiện rơi xuống sông, 46 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Nguyên nhân được xác định do ít được bảo dưỡng cộng thêm áp lực giao thông tăng vọt trong những ngày cận kề Giáng sinh.

Theo những người chứng kiến, khi xảy ra tai nạn, giao thông trên cầu rất tắc nghẽn, 2 làn xe di chuyển chậm. Thảm họa xảy ra khi phần dây treo phía nam bị đứt, khiến toàn bộ cây cầu đổ sụp xuống sông chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút.  

Theo báo cáo điều tra, Cầu Bạc được xây dựng bằng thép carbon dễ dẫn đến bị nứt, các nhà điều tra còn tìm thấy rất nhiều vết nứt và những vết bị ăn mòn rộng. Tuy nhiên, những vết này rất khó phát hiện ngay cả với những phương pháp hiện nay trừ khi cầu được tháo rời ra và kiểm tra.
 

Cầu treo Daman (Ấn Độ)
Cầu treo Daman (Ấn Độ)


3. Sập cầu treo, 21 học sinh thiệt mạng

Ngày 28/8/2003, một phần cây cầu treo Daman bắc qua sông Daman Ganga thuộc bang Daman and Diu, Ấn Độ bị sập khiến 25 người thiệt mạng trong đó có 21 học sinh ở độ tuổi từ 10-15 và 4 người lớn. Theo lời kể của những người chứng kiến cho biết, “khoảng 15-20 người đã được các ngư dân cứu sống”. Daman từng là một vùng thuộc địa của Bồ Đào Nha cho tới khi được trao trả về cho Ấn Độ năm 1961.

Được biết, cầu Daman ban đầu được người Bồ Đào Nha xây bằng bê tông, chỉ đủ rộng cho giao thông một chiều và đã nhiều năm không được sửa chữa gì. Khi xảy ra tai nạn, trên cầu có một chiếc xe buýt chở học sinh từ trường về nhà, hai chiếc xe kéo và nhiều xe máy lưu thông. Phần cầu bị sập, trước đó được gia cố bằng các thanh sắt thay vì xây cột đỡ phía dưới.
 

Cầu treo tự neo Yangmingtan
Cầu treo tự neo Yangmingtan


4. Sập cầu tự neo lớn nhất Trung Quốc

Sáng 24/8/2012 một đoạn dài khoảng 100m thuộc cầu treo Yangmingtan bắc qua sông Tùng Hoa, tỉnh Hắc Long Giang sập khiến 4 chiếc xe tải rơi từ độ cao 30m làm 3 người chết, 5 người bị thương. Chiếc cầu này dài 15,4km, là cầu treo tự neo lớn nhất Trung Quốc, được thông xe tháng 11/2011. Cầu treo theo công nghệ tự neo có dây cáp chính nối với hai đầu cầu, chứ không phải mặt đất, thích hợp với những vùng đất có điều kiện địa chất không ổn định.
 

Hiện trường thảm khốc trên cầu treo Đảo Ngọc
Hiện trường thảm khốc trên cầu treo Đảo Ngọc


5. Thảm họa cầu treo Đảo Ngọc, 456 người thiệt mạng
 
Đêm 22/11/2010, thảm họa trên chiếc cầu treo dẫn vào đảo Koh Pich (Đảo Ngọc) ở Thủ đô PhnomPenh khiến 456 người chết, 755 người bị thương. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, ước tính gần 8.000 người có mặt trên cầu hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau để thoát thân. Những người này tham gia Lễ hội té nước vào trong Đảo Ngọc để xem buổi biểu diễn ca nhạc miễn phí. Trong số những nạn nhân có 20 người Việt Nam; trong đó 11 người chết (4 trẻ em), 9 bị thương.

Thảm họa sẽ không xảy ra hoặc không đến nỗi trở thành thảm kịch như vậy nếu những người có mặt trên cầu bình tĩnh hơn. Theo Trung tướng Sok Phal - Phó Giám đốc Cảnh sát quốc gia, Phó Chủ tịch Ủy ban điều tra thảm họa, đám đông bắt đầu hoảng sợ khi cây cầu có hiện tượng rung lắc. Phần lớn những người có mặt trên cầu đến từ 17 tỉnh, thành phố lân cận và họ không biết rằng cầu treo rung lắc là điều bình thường. Vì sợ cây cầu sẽ sập, họ cố tìm cách bỏ chạy nên nhiều người đã nhảy xuống sông để thoát thân. Đồng thời, trong đám đông còn lan truyền tin giật điện và cầu sắp sập.


Trang Trần -  Hà Phương
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.