Hạ tầng

Cây cầu đổi đời Cù lao Bắc Phước

03/09/2016, 09:33

Huyền tích hơn ba thế kỷ khai canh, Cù lao Bắc Phước giờ đang đổi đời, trù phú, xóa cảnh ốc đảo...

16

Cầu Bắc Phước trong ngày khánh thành tháng 4/2010

Huyền tích đất cù lao

Đầu giờ chiều, nắng oi ả rọi xuống mặt đầm Cù lao Bắc Phước. Ông Lĩnh (50 tuổi, thôn Duy Phiên, Triệu Phước), một trong ba hộ đồng chủ đầm lớn nhất khu vực cù lao, nhổ neo chiếc ghe nhỏ, bắt đầu công thu hoạch tôm cá. Cả vùng cù lao rộng 500 ha, được ôm trọn bởi hai nhánh sông hạ nguồn dòng Thạch Hãn. Ngay phía bên là khởi nguồn dòng Ô Lâu uốn lượn chảy hòa vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế). Ông Lĩnh bảo: Từ buổi khai canh, việc đi lại giao thương với bên ngoài của bao thế hệ cư dân vùng cù lao gặp muôn vàn khó khăn vì phải “qua sông lụy đò”. Giờ có cầu Bắc Phước, người dân an tâm hơn, cuộc sống đổi thay rõ rệt.

Trước mắt ông Lĩnh, cây cầu kiên cố dài gần 380m lừng lững bắc qua dòng sông, xóa cảnh “ốc đảo” của các thế hệ cù lao qua cả ba thế kỷ. Còn nhớ dịp đầu năm 2010 khi cây cầu khánh thành, người dân trong vùng vui như mở hội. Quá nửa đêm, tiếng nhạc mừng vẫn vang lên trong những căn nhà nhỏ. Không vui sao được, bởi biết bao thế hệ, cuộc sống hàng trăm hộ dân Bắc Phước cách bờ chỉ vài trăm mét nhưng “cô đơn” giữa bốn bề sông nước. “Cây cầu nối ba thế kỷ”, ông Lĩnh mắt nhìn vời vợi theo con nước đang chảy dài như nhấn mạnh về miền huyền tích của đất cù lao.

Theo các vị cao niên trong làng, từ khoảng đầu thế kỷ thứ 19, Cù lao Bắc Phước đã bắt đầu được khai canh từ người dân xóm vạn đò xứ Huế. Gốc tích đất cù lao này vốn nhiều chuyện kể. Người bảo vị tiền hiền trong đêm ngủ đã mơ thấy báo mộng về mảnh đất vừa phát đinh (con cái) vừa phát túc (giàu có, no đủ) nên dừng thuyền, khai canh lập nên mảnh đất Cù lao Bắc Phước hiện nay. Người khác lại kể: Các cư dân đầu tiên ra Cù lao Bắc Phước để trồng lúa, rồi ở lại luôn với mảnh đất này lập nghiệp. Nhiều giai thoại nhưng ai cũng chắc chắn ở thời buổi muôn ngàn khó khăn, cách trở ấy, Cù lao Bắc Phước dần dần mở mang, canh tác, trải qua những thăng trầm, biến thiên lịch sử để hình thành nên những giá trị văn hóa, cách mạng ít nơi nào có được.

Theo dòng lịch sử, các thế hệ cư dân Cù lao Bắc Phước từng cưu mang, đùm bọc những cán bộ Việt Minh trước sự truy lùng của kẻ thù sau Hiệp định Geneva (1954). Vị thế mảnh đất cù lao cách biệt lại nằm ngay vùng cửa sông, Bắc Phước trở thành căn cứ của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị trong những năm 1954-1959. Người dân Bắc Phước mưu sinh trên những chiếc thuyền đánh bắt tôm cá trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn trở thành “tai mắt” cách mạng, thông tin viên, liên lạc viên về cơ sở. Ban đầu vài thuyền hoạt động nhỏ lẻ, về sau Đội thuyền giao liên sông - biển chính thức được thành lập trên vùng Cù lao Bắc Phước, làm nhiệm vụ chuyên chở cán bộ ra vào cù lao rồi tỏa đi các vùng giáp ranh xây dựng cơ sở cách mạng.

Theo lãnh đạo UBND xã Triệu Phước, đội thuyền vận tải sông-biển này tồn tại đến năm 1965 thì giải tán với nhiều đóng góp to lớn. Thậm chí, không ít người trong số họ đã bị địch bắt, tra tấn, hủy hoại tài sản. Người dân Bắc Phước vốn trung kiên truyền thống cách mạng, không ngại hi sinh, gian khổ, phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trắng đêm “săn” tôm cá

Vùng cửa sông lồng lộng đón gió. Mỗi ngày hoạt động trên cù lao tất bật, trắng đêm mưu sinh theo con nước. 2h sáng, ánh đèn pin sáng lóa theo những con thuyền kéo từng mẻ lưới ba triêng rôm rả cả một góc đầm. Những con cá mú, cá đối to, cùng những chú rô phi 3 - 5 lạng… lần lượt bị tóm bỏ lên thuyền nhảy đành đạch. Ông Lĩnh vục dưới mặt đầm lên một mớ rau câu tự nhiên, tự hào: Hệ sinh thái ở đây rất phong phú. Cá rô phi đầm cù lao nhờ ăn loại rau này nên thịt chắc và thơm như cá dìa. “Hôm trước, mấy ông bạn về làng chơi chúng tôi đãi món cá rô phi đặc biệt này, họ vừa ăn vừa tấm tắc khen. Đây là món đặc sản kiểu bình dân của vùng Bắc Phước ít nơi nào có được”, ông Lĩnh tự hào.

Xã Triệu Phước có 1.761 hộ dân với 8.077 nhân khẩu, trong đó Cù lao Bắc Phước (gồm ba thôn Duy Phiên, Hà La và Dương Xuân) có khoảng 315 hộ, với 1.387 nhân khẩu. Diện tích nuôi trồng thủy sản bán thâm canh và thâm canh 152,6ha, cùng diện tích tự nhiên và thả phụ là 81ha.

Ba mẻ lưới “thu hoạch” chưa xong, đồng hồ đã điểm 4h sáng. Các thương lái cũng bắt đầu í ới ở mép đầm. Bà Thương (vợ ông Trắc, một trong ba chủ đầm với ông Lĩnh) cùng các thương lái đội đèn pin phân loại cá đưa lên cân, xuất bán. “Mấy năm nay không có lụt nên cá tôm không dồi dào như trước. Cá dìa, mú, hay cá đối to gọi là cá rằn bây giờ cũng ít”, bà Thương nói. Theo các hộ dân Bắc Phước, sản lượng đánh bắt ở vùng cù lao có giảm nhưng bù lại giá cả lại tăng nên người dân có đồng ra, đồng vào. “Đầm này phải thu hoạch một ngày hơn triệu đồng mới đủ tiền nộp thuế, chưa kể tiền công, lừ lái, rồi tiền giống… Mùa hè còn đỡ, chứ mưa rét cực lắm. Mưu sinh với con nước riết rồi cũng quen”, bà Thương bộc bạch.

Tờ mờ sáng, phiên chợ cá đã bắt đầu. Từng chiếc thuyền của những ngư dân khác trắng đêm đánh bắt trên những nhánh hạ nguồn sông Thạch Hãn cũng tất bật cập bờ, đem hàng vào chợ. Tôm cá được phân loại theo từng đơn giá, chủng loại. Số nhiều được các chủ nậu “xuất khẩu”, theo xe khách tuyến Bắc Phước- Lao Bảo về miền Tây Quảng Trị.

Đổi thay đất cù lao

Từ cầu Bắc Phước, người dân, du khách dễ dàng chạy vòng xe trên con đường bê tông rộng rãi ra vào cù lao. Trên đất Cù lao Bắc Phước hiện có không ít nhà cao tầng, ngói đỏ khang trang. Theo thống kê của UBND xã Triệu Phước, 5 năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án cùng với sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng hơn 15km đường với tổng số vốn đầu tư 13,13 tỷ đồng. Hiện, đường liên xã đã được nhựa hóa đúng theo quy định 100%, đường liên thôn được bê tông hóa 81,2%, đường ngõ xóm bê tông hóa 72,1%, đường giao thông nội đồng bê tông hóa và cứng hóa 71,6%.

Ông Nguyễn Văn Vui, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho biết, từ năm 1975, một bộ phận cư dân xã Triệu Phước và Cù lao Bắc Phước đi kinh tế mới ở Lao Bảo. Sau này có cửa khẩu, hoạt động giao thương buôn bán sầm uất, rất nhiều con em Triệu Phước ăn nên làm ra. Đặc biệt, từ khi có cầu Bắc Phước, xe về tận cù lao và con em Triệu Phước trên đó đã “đặt hàng” mua tôm cua, cá từ quê nhà. “Thương hiệu” cá tôm Bắc Phước thêm đắt hàng.

Theo ông Lĩnh, người dân cù lao đã sắm nhiều xe khách chuyên tuyến cố định, vừa vận chuyển khách vừa đưa hàng “đặc sản” từ cù lao lên vùng núi phía Tây tiêu thụ. Chỉ tính riêng giá cua được các đầu nậu trả giá 370.000 đồng/kg (cua trứng) và 250.000 đồng/kg cua thịt “xịn”. Nhiều đêm cháy hàng không đủ để bán.

Theo ông Vui, hạ tầng giao thông góp phần quan trọng xóa cảnh ốc đảo, đem lại sự đổi thay cho người dân cù lao. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Phước tăng gấp đôi so với những năm trước đây (năm 2015 đạt 25,4 triệu đồng so với năm 2011 là 12,4 triệu đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.