Hỏi - Đáp

Cây xanh đè chết người trong khu vực phòng khám, trách nhiệm thuộc về ai?

14/06/2020, 15:32

Theo luật sư, trách nhiệm vụ cây xanh tét nhánh đè chết người trên địa bàn quận 10 thuộc về đơn vị quản lý, chủ sở hữu cây xanh trên.

img
Hiện trường vụ cây gãy khiến 1 người tử vong.

Liên quan đến vụ cây xanh đè chết người vào tối 13/6 trên địa bàn quận 10, TP.HCM, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý, chủ sở hữu cây xanh trên.

Theo luật sư Cường, việc xác định chủ sở hữu cây phượng bị ngã gãy đổ gây hậu quả chết người sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó “Người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự”.

Theo quy định pháp luật hiện hành cụ thể tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.

img
Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rằng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự.

Để xác định việc gãy đổ cây gây chết người như trên có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không (thời điểm xảy ra sự cố có mưa to, gió lớn hay không) cần phải cần phải xác định người có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt nhánh, tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, hạ những cành khô, hư hỏng, sâu có dấu hiệu hư hỏng, gãy đổ…). Trường hợp đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

Do đó trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng.

Trong khi đó, Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, đối với việc quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện... phòng khám thì pháp luật đã qui định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ qui định về quản lý cây xanh đô thị

Cụ thể, “cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng”.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 64 qui định “cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”.

Đối với cây xanh trồng trong khuôn viên nhà trường là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị cũng được qui định rõ tại Điều 16 của Nghị định này: “Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý”.

Trước đó, tối 13/6, ông T.M.L. (62 tuổi) lưu thông trên đường Tô Hiến Thành. Khi đến quận 10 thì bất ngờ bị nhánh cây xanh tét nhánh rơi trúng. Hậu quả khiến ông L. tử vong.

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho hay, cây xanh tét nhánh rơi chết người nằm trong khuôn viên của 1 phòng khám.

Hiện đơn vị đang cho xác minh xem đơn vị nào quản lý cây xanh trên. Sau khi xảy ra sự cố tai nạn, đơn vị đã đến thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.