Tài chính

CEO 9X kiếm tiền tỷ từ đam mê tiếng Anh

13/08/2022, 07:00

Khởi nghiệp với số vốn “0 đồng” từ khi còn là sinh viên, CEO 9X Ngô Xuân Thắng trở thành người truyền lửa tiếng Anh cho nhiều thế hệ sinh viên.

Giảng viên là bạn

Nhắc đến Trung tâm Alibaba English Center, nhiều người ấn tượng ngay với CEO 9X Ngô Xuân Thắng, người luôn cháy hết mình truyền lửa đam mê môn học tiếng Anh trong những buổi ngoại khóa.

Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm cuối Học viện Chính sách phát triển, vừa hoàn thành 2 khóa học giao tiếp tại Alibaba cho biết: “Em bắt đầu khóa học từ tháng 3 năm nay. Từ một người nhút nhát, ngại giao tiếp, chưa có hệ thống về tiếng Anh, sau 4 tháng, em đã có thể tự tin nói lưu loát, chinh phục Toeic 900+”.

Theo Phương Thảo, khác biệt trong cách thức đào tạo của Alibaba là tính tương tác, dạy qua các trò chơi, các hoạt động tập thể. Không chỉ được học tiếng Anh, học viên còn trở nên năng động, nhiệt huyết, ham học… nhờ những giảng viên giống như “người tiếp lửa”, bật dậy sức trẻ tiềm ẩn trong họ.

“3 điểm nổi bật của Alibaba đó là “rẻ, vui, chất”, Thảo nhận xét. Đó cũng là giá trị cốt lõi được CEO Ngô Xuân Thắng xây dựng cho Alibaba suốt 6 năm nay.

img

Ngô Xuân Thắng, CEO Công ty TNHH Alibaba

Giảng viên Nguyễn Thúy Quỳnh, làm việc 5 năm tại Alibaba English Center cho biết, chị đã theo học Alibaba ngay từ năm thứ nhất Đại học Văn hóa Hà Nội (năm 2017).

Nhờ có kết quả tốt nghiệp đạt Toeic 900+, chị Quỳnh được chọn làm trợ giảng và dần thành giảng viên.

Với chị Quỳnh, phương pháp đào tạo qua tương tác thay cho bài giảng “thầy nói trò chép”, không chỉ giúp dễ tiếp thu, mà còn mang đến cho cả thày và trò những phút giây thoải mái, thư giãn. Đây cũng là “đặc sản” của Alibaba so với các trung tâm khác hiện nay.

“Giảng viên, trợ giảng không chỉ là người có thành tích học tập xuất sắc, mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn là có khả năng truyền lửa”, giảng viên Thúy Quỳnh nói và cho biết, ở Alibaba, học phí mỗi buổi học chỉ vài chục nghìn, nhưng giảng viên sẵn sàng trao đổi bài học với học viên tới tận 2 - 3h sáng, thậm chí có thể trò chuyện như những người bạn để hiểu học viên cần gì.

Anh Ngô Xuân Thắng, CEO của Công ty TNHH Alibaba cho biết, hệ thống Alibaba English Center hiện có 8 chi nhánh và hàng trăm nghìn học viên đã tốt nghiệp, mỗi tháng có khoảng 700 - 800 học viên đăng ký mới... CEO Alibaba cũng không giấu tham vọng sẽ nhân đôi chi nhánh trong năm tới.

Bài toán “ít tiền, nhưng vẫn được học chất lượng”

img

Một buổi học của Alibaba English

Nhớ lại những ngày khởi nghiệp từ “con số 0”, anh Thắng kể: “Ngày đó, tôi là một cậu sinh viên nghèo, phải đi làm thêm, mong trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ. Cũng nhờ vốn tiếng Anh có sẵn, tôi may mắn tìm được việc tại một trung tâm ngoại ngữ”.

Nhận biết nhu cầu học tiếng Anh của sinh viên và người đi làm rất cao, nhưng sinh viên thường không có nhiều tiền, anh Thắng đã đặt mình vào để tìm lời giải cho bài bài toán “ít tiền, nhưng vẫn được học chất lượng”.

Từ ý tưởng nhen nhóm đó, sau 2 tháng “thai nghén”, cậu sinh viên năm 3 của trường Đại học Kinh tế quốc dân quyết định chọn một căn phòng nhỏ tại ký túc xá của Đại học Bách khoa Hà Nội với giá thuê theo giờ rảnh để đặt “viên gạch đầu tiên” - Câu lạc bộ Alibaba Club.

Vị CEO Alibaba vẫn nhớ buổi dạy đầu tiên, anh chỉ “đầu tư” 150.000 đồng thuê phòng học, còn lại không bàn ghế, không bảng hiệu...

Để marketing lớp học, anh đăng “ké” trong các group một số trường đại học, nhờ thêm một vài người bạn đăng trên Facebook cá nhân, các group của trường đại học. Ấy vậy mà, lớp học đầu tiên cũng thu hút được 70 - 80 bạn sinh viên tham gia.

Anh Thắng tiết lộ, thời điểm đó, anh đưa ra mức học phí “rẻ như bèo”, chỉ 50 nghìn đồng/tháng để bất kể ai cũng có thể tham gia. Trong khi, lúc bấy giờ, một khóa học giao tiếp bình thường khoảng 3 - 4 triệu đồng/2 tháng.

“Tháng đầu tiên thu lời được khoảng 5 triệu đồng/tháng, tôi sung sướng không nói nên lời”, anh Thắng bày tỏ.

Mùa hè năm 2016, lúc sắp tốt nghiệp đại học, anh quyết định “chơi lớn” với “startup” của mình thì bị gia đình kịch liệt phản đối.

Bố mẹ không nhìn mặt, người thân không quan tâm, không ai ủng hộ con đường “không có tương lai” khi anh sắp tốt nghiệp một trường kinh tế Top đầu, dễ dàng tìm một công việc nghìn đô mỗi tháng với khả năng hiện có.

“Sau gần một năm khởi nghiệp với Alibaba Club, tôi tiết kiệm được 200 triệu đồng. Tôi còn nhớ như in, lúc gọi điện về xin mẹ rút số tiền tiết kiệm ra để thành lập Công ty TNHH Alibaba Việt Nam, cả nhà tôi như nổi cơn thịnh nộ, ra sức can ngăn. Bố mẹ thậm chí tuyên bố từ mặt nếu tôi vẫn tiếp tục đi con đường đó”, anh Thắng kể.

Mặc dù vậy, chàng sinh viên kinh tế vẫn một mình lang thang quanh các trường đại học lớn để tìm hiểu điểm đông sinh viên.

Cuối cùng, anh thuê được một căn nhà 5 tầng, cũng chính là cơ sở đầu tiên ở 186 Giải Phóng. Tiền nhà phải đóng luôn 120 triệu đồng/6 tháng.

Còn 80 triệu lo vào cơ sở vật chất nên những việc như sửa soạn, sơn sửa, dọn dẹp, mua sắm… một tay anh phải làm tất, thậm chí vẫn sắp xếp thời gian dạy thêm để trang trải chi tiêu.

“9h sáng ngày 29/7/2016, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, tay còn lấm lem màu sơn đã kịp có mặt để nhận bằng tốt nghiệp đại học rồi chạy thật nhanh ra gốc cây ở sân trường ngồi khóc như một đứa trẻ. Không có bố, không có mẹ, không có anh em, không bạn bè, không ảnh lưu niệm…”, CEO Alibaba nhớ lại quãng thời gian đầy thử thách.

Nhưng cũng từ đó, chàng trai 9X chợt nhận ra rằng, không ai làm thay cuộc đời mình, cũng không ai tạo sẵn cho mình đường đi, chỉ có sự khác biệt mới tạo ra thành công. Từ đó, Công ty TNHH Alibaba Việt Nam chính thức được xây dựng theo mô hình “học mà chơi, chơi mà học”.

Ở đó, học viên không những được dạy tiếng Anh giao tiếp, còn được trang bị kỹ năng sống, được tập đứng trước đám đông, được thuyết trình và cùng nhau tham gia những buổi ngoại khóa.

Không ghi chép, chỉ thực hành, học bằng cách nói, học bằng phần mềm, học qua trao đổi, tương tác theo mọi chủ đề. Đó là cách học chủ động, tự nhiên, biến tiếng Anh thành đam mê để đem lại hiệu quả cao nhất.

Anh Thắng khoe, chính nhờ hướng đi “khác, lạ” đó nên sinh viên truyền tai nhau, số học viên đăng ký ngày càng đông; Lợi nhuận cũng không ngừng nâng lên hàng tháng từ 5 triệu đồng, đến 15 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng...

Sau 3 năm đầu khởi nghiệp, Alibaba Club đã trở thành câu lạc bộ tiếng Anh lớn nhất Hà Nội với hàng chục nghìn học viên, được công nhận là Top 100 doanh nghiệp trẻ tiêu biểu Việt Nam.

Năm 2019 là một năm bùng nổ toàn diện của công ty khi mở được 5 cơ sở tại Hà Nội, 2 cơ sở tại Nghệ An - quê hương anh và 1 cơ sở ở TP.HCM.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi nhiều người trẻ khởi nghiệp thường thất bại chỉ sau một thời gian ngắn, CEO Alibaba cho rằng: “Dùng tất cả năng lượng mình có để truyền đạt, luôn thấy vui với công việc mình làm để tự nói với bản thân “phải làm tiếp”.

Ngoài ra, điểm khác biệt để Alibaba thu hút được nhiều học viên dù ra sau các thương hiệu khác đó là chi phí chỉ bằng một nửa và giảm giá sâu khi đăng ký dài hạn. Cùng đó là nhân sự phải trẻ, luôn đổi mới cách đào tạo là điểm nổi bật giúp công ty thành công.

“Tôi chỉ tuyển những nhân sự sinh sau năm 1994 bởi họ mới còn đủ nhiệt huyết, có lửa, hiểu sinh viên”, anh Thắng nói.

Với số học viên ổn định ngưỡng 250 - 300 người/cơ sở, chia 4 ca học mỗi ngày, trung bình mỗi năm thu về tiền tỷ, vị CEO trẻ tự tin với kế hoạch đạt mốc 15 cơ sở trên cả nước trong năm tới, song song phát triển thương hiệu mới Alitic, chuyên về đào tạo chứng chỉ quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, công ty đã ký kết với đối tác Hàn Quốc về đào tạo từ năm 2020. Sau khi học viên được đào tạo theo chuẩn châu Âu, kết thúc một lộ trình, sẽ được tham gia một bài kiểm tra theo kiểm soát của đối tác này và được cấp chứng chỉ để đi xin việc làm, tương đương với các chứng chỉ IELTS và TOIC.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.