Thế giới giao thông

CEO Aston Martin: Xe động cơ xăng vẫn còn "sống khỏe"

15/11/2018, 07:32

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, cùng với việc con người ngày càng đề cao yếu tố...

23

Giám đốc điều hành của Aston Martin - ông Andy Palmer

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, cùng với việc con người ngày càng đề cao yếu tố bảo vệ môi trường, các loại xe sử dụng xăng hay dầu diesel không còn được ưa chuộng như trước. Bên cạnh đó, sự lên ngôi của dòng xe điện với vô số ưu điểm đã khiến nhiều ý kiến cho rằng, xe động cơ xăng sẽ sớm bị khai tử. Tuy nhiên, theo CEO hãng xe Aston Martin, điều đó chưa chắc đã đúng.

“Xe động cơ xăng sẽ còn sống lâu”

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin CNBC cách đây chưa đầy một tuần, Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe thể thao hạng sang Aston Martin, ông Andy Palmer cho rằng, những báo cáo cho rằng các loại xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) sẽ sớm bị khai tử thực ra đang bị thổi phòng một cách quá đà.

Để đáp ứng xu hướng sử dụng xe điện đang ngày càng phổ biến, hãng ô tô của Anh này cũng đã cho mắt loại xe điện với tên gọi RapidE, dự kiến sẽ tung ra thị trường vào năm 2019.

Một dòng xe siêu sang trọng khác của Aston Martin là Lagonda cũng sử dụng hệ truyền động sử dụng năng lượng điện, cũng sẽ được trình làng vào năm 2021.

Tất cả những sản phẩm này đều hướng mục tiêu biến Aston Martin trở thành thương hiệu xe siêu sang không khí thải đầu tiên trên thế giới. Nhưng không phải vì thế mà hãng xe này quay lưng lại với xe động cơ xăng.

Theo ông Palmer, các nhà sản xuất ô tô vẫn còn nhiều thời gian để phát triển và bán các loại xe sử dụng động cơ ICE truyền thống.

“Tôi không nghĩ rằng, ICE sẽ sớm bị loại bỏ. Xe điện quả thực là lựa chọn tốt trong tương lai, nhưng động cơ đốt trong và đặc biệt là động cơ xăng vẫn có nhiều cơ hội”, vị CEO của Aston Martin nói với hãng tin CNBC.

Cũng theo ông Palmer, giới chính trị gia ở nhiều nước đang áp đặt giải pháp về giảm lượng khí thải cũng như vấn đề môi trường lên các nhà sản xuất, thay vì nêu rõ hay chỉ ra những vấn đề cần phải khắc phục cụ thể.

Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, hãng sản xuất xe thể thao hạng sang Aston Martin đã đạt mức lợi nhuận lên đến 87 triệu bảng (khoảng 114 triệu USD) vào năm 2017.

Tháng 10 vừa qua, Aston Martin thông báo có mặt trên thị trường chứng khoán Anh với giá trị lên tới 4,33 tỷ bảng (tương đương 5,7 tỷ USD); Đồng thời, công bố cổ phiếu của hãng được phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) được chào bán và giao dịch ở mức giá 19 bảng/cổ phiếu.

Hiện, châu Mỹ đã vượt qua châu Âu để trở thành thị trường lớn nhất của Aston Martin, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của hãng xe này.

Sự thay thế là khó tránh khỏi

Mặc dù bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của xe động cơ xăng, nhưng chắc hẳn chính ông Andy Palmer cũng hiểu rằng, xe điện sẽ dần trở thành ưu tiên hàng đầu của các khách hàng, đặc biệt khi năng lượng truyền thông sẽ ngày càng cạn kiệt và ý thức của người tiêu dùng về môi trường cũng sẽ tăng lên.

Mẫu xe Model 3 của hãng ô tô điện nổi tiếng Tesla, Mỹ đã nhận được lượng đặt hàng kỷ lục kể từ khi còn chưa mở bán. Theo thông báo vào tháng trước từ công ty này, Model 3 đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất tại Mỹ tính theo doanh thu và bán chạy thứ 5 tính theo doanh số.

Với những con số đáng kinh ngạc, Tesla đã cho thấy xu hướng sử dụng xe điện đang ngày càng trở nên phổ biến.

Một hãng sản xuất xe hơi lớn khác đến từ Thụy Điển - Volvo, cũng đã ra thông báo rằng, tất cả xe do công ty này sản xuất sẽ có động cơ chạy pin vào năm 2019.

“Điều này đánh dấu sự chấm hết cho những ô tô chỉ hoàn toàn chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Chúng tôi có kế hoạch bán 1 triệu ô tô điện vào năm 2025”, Hakan Samuelsson, Giám đốc điều hành của Volvo tuyên bố.

Việc cắt giảm sản xuất xe động cơ xăng còn do áp lực tổng thể đến từ chính phủ nhiều nước trên thế giới.

Hồi tháng 7/2017, Pháp thông báo sẽ cấm bán xe chạy bằng xăng, dầu diesel vào năm 2040, với mục tiêu trở thành quốc gia không phát thải khí cacbon từ năm 2050.

Na Uy hiện là nước dẫn đầu trong thị trường xe điện của châu Âu muốn đổi sang sản xuất xe điện vào năm 2025, kế đến là Hà Lan.

Đức và Ấn Độ cũng đã đề xuất kế hoạch cấm bán xe chạy bằng xăng, dầu diesel từ năm 2030.

Việc ưu tiên sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải tác động xấu đến sức khỏe con người, hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch đang trở thành những trở ngại cho động cơ xăng. Tuy nhiên, để nói về dấu chấm hết cho dòng xe này dường như vẫn còn quá sớm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.