Thế giới giao thông

CEO Ford Jim Farley ngầm “cà khịa” đối thủ Tesla

19/04/2021, 19:00

Ford vừa công bố kết quả thử nghiệm ban đầu với hệ thống lái “rảnh tay” mang tên BlueCruise dành cho các tài xế khi đang đi trên đường cao tốc.

img

Hệ thống tự lái BlueCruise của Ford.

Hãng xe hơi Ford (Mỹ) vừa công bố kết quả thử nghiệm ban đầu với hệ thống lái “rảnh tay” mang tên BlueCruise dành cho các tài xế khi xe hơi đang trên đường cao tốc. Trong lời quảng bá, Giám đốc điều hành (CEO) Ford Jim Farley ngầm “cà khịa” đối thủ Tesla về cáo buộc lợi dụng hành khách để thử nghiệm hệ thống tự lái chưa hoàn thiện.

CEO Ford “đá xoáy” Tesla

Theo thông báo của Ford cuối tuần qua, dự kiến cuối năm nay, hãng xe Mỹ sẽ ra mắt hệ thống trợ lái mới mang tên BlueCruise, áp dụng trên các dòng xe 2021 Ford F-150 và 2021 Mustang Mach-E. Để sử dụng tính năng này, người dùng sẽ phải trả thêm từ 600 - 1,595 USD/3 năm, tùy loại xe.

Hãng tin CNBC cho biết, so sánh với công nghệ tự lái của các hãng khác, BlueCruise hoạt động tương tự công nghệ tự lái Super Cruise của thương hiệu xe sang Cadillac (thuộc General Motor), chỉ được sử dụng trên một số đường cao tốc đủ điều kiện tại Mỹ và Canada.

Còn so với hệ thống mang tên “Tự động lái hoàn toàn” (Full Self-Driving - FSD) của Tesla, BlueCruise có ít tính năng hơn nhưng không đòi hỏi lái xe phải đặt tay lên vô-lăng để chứng minh họ vẫn kiểm soát xe như Tesla.

Thay vào đó, BlueCruise theo dõi mức độ tập trung của lái xe qua hệ thống camera lắp trong phương tiện, quan sát biểu hiện về mắt và mức độ chú ý của lái xe trên đường.

Điểm khác biệt lớn nhất của BlueCruise mà Giám đốc điều hành (CEO) Jim Farley nhấn mạnh, đó là hệ thống này đã được Ford thử nghiệm trước trên thực địa. Ford đang hoàn thiện quá trình kiểm tra BlueCruise với quy mô hơn 500.000 dặm (hơn 800.000km) trên thực địa, sử dụng 5 chiếc F-150, 5 chiếc Mach-E được cài đặt hệ thống lái tự động mới.

Đến nay, các xe thử nghiệm đã hoàn thành hơn 160.000km, đi qua 37 tiểu bang Mỹ và 5 tỉnh của Canada. Trong quá trình thử nghiệm, mọi thông tin từ các xe tham gia sẽ được gửi về theo thời gian thực và Ford ghi lại tất cả tình huống bất thường xảy ra trên đường cao tốc.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Farley viết: “BlueCruise! Chúng tôi đã thử nghiệm trên thực tế và khách hàng không cần phải làm vậy”. Cách viết này của ông Farley vừa gián tiếp thể hiện sự khác biệt của BlueCruise vừa ngầm châm chích Tesla về một số cáo buộc hiện nay cho rằng, hãng Tesla đã âm thầm lợi dụng khách hàng để thử nghiệm công nghệ FSD dù hệ thống này chưa hoàn thiện.

Có thực sự “hoàn toàn tự động” hay “rảnh tay”?

Tesla đã ra mắt phiên bản beta (bản thử nghiệm chưa hoàn thiện) của hệ thống trợ lái FSD từ tháng 10/2020. Lúc đó, hãng xe điện Mỹ cho phép một số hành khách đã mua loại xe có FSD, được tiếp cận bản beta để thử nghiệm tính năng mới nhất dù hãng còn chưa bao quát hết lỗi.

Tesla cho biết, đã cho 2.000 khách hàng ứng dụng FSD nhưng hủy kết nối với những lái xe có thái độ lơ là khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Tesla nhiều lần gặp rắc rối vì đặt cho hệ thống trợ lái này cái tên “Tự động lái hoàn toàn” (FSD) trong khi thực tế thì không.

Cuối năm ngoái, chính Tesla xác nhận với Cơ quan Quản lý Xe cơ giới ở bang California rằng, cả hệ thống Autopilot và FSD của hãng này đều không phải là hệ thống tự động lái. Do đó, hãng đối mặt chỉ trích gay gắt từ dư luận Mỹ.

Một tòa án tại Đức còn cấm Tesla sử dụng cụm từ “Autopilot” hay “Full Self-Driving” khi quảng cáo sản phẩm vì như vậy sẽ phóng đại năng lực thực sự của xe Tesla.

Để không đi vào vết xe đổ của Tesla, Ford đã làm rõ: Dù hệ thống BlueCruise đã và đang được thử nghiệm, cho thấy kết quả an toàn cao nhưng Ford nhấn mạnh người lái xe mới là người kiểm soát phương tiện và phải có trách nhiệm điều khiển xe, tập trung vào việc lái, kịp thời ra quyết định, xử lý tình huống bất ngờ nảy sinh.

Như vậy, dù được đặt với những cái tên mỹ miều là “rảnh tay” để thu hút người mua sẵn sàng trả thêm tiền nhưng những hệ thống dù của Tesla hay Ford thực chất mới dừng ở mức độ trợ lái, giảm thiểu sai sót do con người gây ra.

Người lái không thể phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phụ trở để nghỉ ngơi, nghe nhạc, nói chuyện, ăn uống... trong khi chạy xe. Hiện nay, các cơ quan chức năng Mỹ đang loay hoay tìm cách quản lý các hệ thống này.

Gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan tới xe hơi Tesla, buộc cơ quan liên bang vào cuộc điều tra, tìm hiểu khả năng công nghệ trợ lái FSD liên quan tới nguyên nhân tai nạn. Hiện tại, Cơ quan ATGT Đường Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã và đang thực hiện 27 cuộc điều tra những vụ tai nạn có phương tiện Tesla trong đó 23 vụ chưa kết thúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.