Kinh tế

CEO FPT Retail: Tôi không có nhiều thời gian để nuối tiếc!

02/02/2020, 10:20

Sinh năm Nhâm Tý (1972), bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT Retail được Forbes vinh danh 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất VN 2019...

img
Bà Nguyễn Bạch Điệp

Sau “canh bạc” dược phẩm, lại bước chân vào mỹ phẩm

Năm 2019 qua đi, những dấu ấn nào để lại trong chị, cả thành công lẫn tiếc nuối?

Thực ra, 2019 là năm không hề dễ dàng khi thị trường ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) không thuận lợi, bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa. Vấn đề mà tôi tiếc chính là thời điểm không hợp lý. Nhìn sang Thế giới di động, sau 14 năm gây dựng họ đã phát triển ổn định chuỗi cửa hàng điện thoại, tiếp tục bắt tay vào thị trường điện máy và tìm được công thức thành công, tăng trưởng khủng khiếp. Và trong lúc điện máy còn ở thời thanh xuân thì họ lại bắt đầu với Techmart…

Các dự án liên tục gối đầu đảm bảo khi thị trường này đạt tới mức bão hòa thì lại có thị trường khác bổ sung tạo nguồn lực tăng trưởng.

Trong khi đó, FPT Retail khởi dựng được 7 năm, vừa mới hoàn thiện hệ thống cửa hàng điện thoại thì rơi vào thời điểm bão hòa, chuỗi cửa hàng thuốc lại chưa kịp lớn để bù vào mức tăng trưởng chung. Vì vậy, FPT Retail sẽ mất 1 đến 2 năm không tăng trưởng. Phải chấp nhận bởi đây là sự bất khả kháng của thị trường, không thể chống lại được.

Tuy nhiên, tôi cũng không có nhiều thời gian để nuối tiếc, thay vào đó dành tâm nghĩ tới phi vụ mới sẽ thực hiện trong 2 năm tới để kịch bản cũ không lặp lại.

Chị có thể tiết lộ về phi vụ mới này?

Nếu như nuối tiếc của năm 2019 đối với FPT Retail là thời điểm, thì năm 2020 sẽ giải quyết câu chuyện này. Chúng tôi vẫn duy trì chuỗi cửa hàng ICT, cố gắng đưa thêm công nghệ cho khách hàng có sự trải nghiệm mới mẻ; Nâng tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dược phẩm để làm bước đệm cho tương lai; Lập kế hoạch mở sang thị trường mỹ phẩm. Với tôi, năm mới thêm hành trình mới, lại đi học hỏi, tìm kiếm công thức thành công mới…

Năm 2018, khi FPT Retail quyết định tấn công vào thị trường dược phẩm mở ra hệ thống cửa hàng Long Châu, nhiều ý kiến đã ví đây là “canh bạc Long Châu”, bản thân chị ngày đó cũng không dám khẳng định chắc thắng. Vậy tới ngày hôm nay, kết quả của canh bạc này ra sao?

Giữa năm 2019, tôi quyết định chính thức đầu tư lớn tăng chuỗi cửa hàng thuốc lên tới hơn 70 điểm. Dự kiến năm 2020 sẽ tăng thêm cả trăm cửa hàng. Con số này chứng minh niềm tin của tôi vào tương lai của Long Châu.

Nói như vậy không có nghĩa mọi sự đều êm đẹp, bởi phát triển thị trường dược phẩm tại Việt Nam rất khó, nhất là khi có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Hơn nữa, để phát triển nguồn lực nhân sự cũng không phải đơn giản khi vận hành nhà thuốc kèm công nghệ hiện đại. Mỗi cửa hàng chúng tôi có khoảng 600 nghìn mặt hàng thuốc, dù nhân viên từng có kinh nghiệm bán hàng nhưng sang Châu Long vẫn bị choáng với số lượng sản phẩm. Mấy trăm hộc tủ, trong mỗi hộc tủ lại chứa hàng chục loại thuốc khác nhau… Thế nhưng khi chúng tôi áp dụng ông nghệ, nhân viên chỉ cần nhập tên sản phẩm, hệ thống sẽ chỉ rõ tọa độ lấy thuốc, rất nhanh và chính xác. Đây cũng chính là lợi thế của Long Châu so với cửa hàng truyền thống.

Từ ICT quay sang dược phẩm, chị có tự làm khó mình?

Trong giai đoạn đầu, câu chào đầu tiên ai gặp tôi cũng là câu hỏi: “Chị có bằng dược sĩ không?” “Tại sao dám làm khi không có chuyên môn?” Tuy nhiên, khi bước vào làm một thời gian tôi nhận ra tình hình không quá phức tạp như mình tưởng. Gần như 70% công việc từ quản lý chuỗi bán lẻ, tôi có thể mang vào áp dụng cho dược phẩm. Từ quản lý nhân sự tới kho hàng, giá cả, marketing, khuyến mại…

Tất nhiên khác với điện thoại, thuốc chia ra làm nhiều đơn vị, hộp, vỉ, viên phức tạp hơn (cười)! Tuy nhiên, một khi đã hình thành tư duy quản lý chuỗi bán lẻ, thì việc triển khai với tất cả các ngành hàng chỉ là vấn đề về thời gian!

Trong một số trường hợp, mọi người sẽ thấy tôi “dễ sợ, dễ ngán”

Tôi không thích biệt danh “người đàn bà thép” mà giới truyền thông lâu nay vẫn nhắc tới khi nói về mình. Tuy nhiên, việc người ta gọi mình như thế nào là quyền của họ. Song nghĩ lại có lẽ xuất phát bởi từ hồi trẻ tôi là người rất nóng tính, không ngại va chạm trong công việc, việc gì đúng là mình phải nói, đập bàn cãi lộn với sếp là thường tình.

Ngay cả khi về sau này, qua nhiều trải nghiệm, đang quản lý mấy nghìn nhân viên, tuy cách hành xử ấy có đỡ hơn song đôi khi vẫn la ầm ĩ, vẫn gầm gầm vậy đó (cười)… Dường như mỗi khi tập trung làm việc gì là mình bị cuốn theo mà không kiểm soát được mình. Những ai gắn bó với mình đều hiểu đó chỉ là tính cách chứ không hề có ý thóa mạ hay chê bai…
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp


Người ta nhận định doanh nhân tuổi Tý thường là những người giỏi đầu cơ, lựa chọn tinh khôn và giỏi tính toán, chị nghĩ sao?

(Cười) Không chỉ riêng người tuổi Tý mà tôi nghĩ đây là bản chất của tất cả doanh nhân nói chung!

Từ trước tới nay, tôi có tính bỏ qua mọi thứ rất nhanh, chỉ hay nhìn về phía trước mà ít khi nhìn lại phía sau nên nếu có ai hỏi thành quả đã làm được những gì ngay lập tức tôi sẽ bị “đứng hình”.

Khi đứng trước 1 vấn đề, tôi sẽ đối mặt giải quyết nhanh cho kịp thời điểm cho dù phương pháp của mình chưa thật hoàn hảo nhất thì cũng cứ phải làm. Sau đó, mới ngồi lại cùng đồng nghiệp họp bàn tìm ra câu trả lời tại sao chuyện đó lại xảy ra, phòng ngừa như thế nào? Khi mọi thứ xong xuôi, tôi cho phép mình bỏ nó ra khỏi đầu để đi tiếp.

Tự nhận mình là người nóng tính và quyết đoán trong công việc, liệu có bao giờ chị thấy “cô đơn”?

Có! Đã là doanh nhân và lãnh đạo, ai cũng có những lúc cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích công ty, quyền lợi số đông, chứ không phải lợi ích của một số cá nhân. Trong những trường hợp như vậy, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy tôi là người dễ sợ, dễ ngán!

Tôi cũng có tính rất không muốn làm phiền ai, nhất là vào những kỳ lễ, Tết bởi rõ ràng trong 1 năm, mình đã yêu cầu đòi hỏi nhân viên rất nhiều và họ cũng phải chịu áp lực rất nhiều. Thậm chí, trong những ngày bình thường vào giờ giải lao, tôi còn ngại rủ nhân viên đi ăn cơm cùng, bởi có khi họ không muốn mà vẫn cố phải phục vụ sếp. Đó là điều tôi rất ghét!

Không bao giờ mình chủ động đề nghị mọi người ở lại bên mình, do đó cảm giác cô đơn khó có thể tránh khỏi. Hoặc có những thứ mà mình không thể nói ra được cho dù đó là áp lực khủng khiếp hoặc chuyện kinh khủng đang phải đối mặt nhưng khi đứng trước nhân viên vẫn phải luôn tỏ ra lạc quan, phải truyền cảm hứng, truyền lửa… Tất nhiên những lúc quá căng thẳng, tôi sẽ tìm tới người bạn thân, nhưng phần lớn thông tin về công việc là không thể chia sẻ.

Chị từng nói: “Sau lưng một người phụ nữ thành đạt là một nhóm người âm thầm hy sinh bao gồm con cái, gia đình, kể cả đồng nghiệp”. Vậy ngược lại, trong vai trò một “nữ tướng”, chị chấp nhận hy sinh những gì cho công việc?

Tôi không nghĩ đó là hi sinh bởi đây là công việc do mình lựa chọn, nếu mình không thích hoàn toàn có thể bước ra từ bỏ. Còn khi đã chọn vị trí này, quyết định ngồi đây, đồng ý chịu trách nhiệm với những công việc được giao thì không thể gọi là hi sinh, mà phải enjoy để vui và làm việc.

Thế còn thời gian để chị nạp năng lượng cho bản thân?

Có chứ, vẫn còn những ngày êm đềm, tôi có thể tận dụng để đi siêu thị, dắt tụi nhỏ đi tập thể dục, về nhà ăn cơm cùng bố mẹ… Vào buổi tối, tôi gần như không nhận lời tiệc tùng với đối tác để cố gắng về nhà chơi với con. Cũng may mình là nữ nên mọi việc vẫn ok!

Với chị, điều gì khiến bản thân sợ nhất và điều gì vui nhất?

Nói ra nghe thật buồn cười, bởi với tôi điều sợ nhất hay vui nhất không phải là sức khỏe dù tôi luôn ý thức giữ gìn nó để làm việc hàng ngày. Điều khiến tôi vật vã hay sung sướng cũng chỉ xoay quanh công ty. Vui khi hoàn thành kế hoạch, tăng trưởng tốt, anh em tăng thêm thu nhập và sợ nhất là khi có chuyện gì xảy ra…

Trong công việc có nhiều thứ rất đau đầu, ví như chuyện nhân sự, có những lúc tôi phải đối mặt khi người tâm phúc của mình một ngày đứng lên bỏ đi. Tính tôi lại rất sĩ diện, ai nói chuyện ra đi tôi ok ngay lập tức, gần như không bao giờ thuyết phục họ ở lại.

Bởi chỉ nghĩ đơn giản họ đã có sự lựa chọn, không thể vì quyền lợi công ty hay chính mình mà thuyết phục họ tiếp tục nhận những gì có thể không bằng với những thứ sắp có. Tôi không làm được điều ấy. Nhưng rồi, sau khi những nhân viên bỏ mình đi, nỗi buồn của tôi không ai hay biết. Tôi tự đặt câu hỏi mình có điểm gì không hay, tại sao không thể thuyết phục nhân viên ở lại?

Tuy nhiên, với bản tính của mình, tôi buộc phải gạt đi những phút giây đó và quay trở lại công việc tiếp theo đang chờ…

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.