Chính trị

Cha con người lính và cái ôm vội giữa lằn ranh sinh tử

30/04/2023, 19:24

Cuộc gặp gỡ với cha ruột - Thiếu tá Trần Công Tính giữa mảnh đất khói lửa Quảng Trị là kỷ niệm không phai trong tâm trí Đại úy Trần Công Chương.

Mong được đi đánh giặc để gặp cha

img

Binh nhất Trần Công Chương (trái) và cha mình là Thiếu tá Trần Công Tính tại chiến trường Quảng Trị năm 1968

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, trên mọi nẻo đường ở làng quê thanh bình Đức Lạng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), những lá cờ Tổ quốc mới tinh tươm được người dân trang trọng treo trước cửa nhà.

“Thời điểm đang đứng trên chòi gác cao làm nhiệm vụ giữa rừng sâu Quảng Trị, tôi bỗng chết lặng rồi vỡ òa cảm xúc khi cha tôi cùng một số chiến sỹ xuất hiện từ phía sau...”.

Cụ Trần Công Tính và ông Trần Công Chương không chỉ đã viết nên câu chuyện đặc biệt về hai cha con cùng chiến đấu trên một chiến trường mà họ còn là những cựu chiến binh gương mẫu trong thời bình. Cả hai cha con là tấm gương sáng luôn phát huy những phẩm chất Bộ đội cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Lạng Trần Anh Tú


Đó là lời mở đầu cho câu chuyện đầy xúc động của Đại úy pháo binh Trần Công Chương (SN 1949, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) khi kể về cuộc gặp gỡ giữa ông và cha mình là Thiếu tá Trần Công Tính tại vùng chiến địa Quảng Trị đỏ lửa năm 1967.

Có lẽ trong mấy chục năm theo binh nghiệp, chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Bắc tới Nam và thời gian sau này về vui thú điền viên ở quê nhà, kỷ niệm đáng nhớ nhất, hằn sâu trong tâm trí ông Chương vẫn là hình ảnh cái bắt tay chặt của cha động viên và cái ôm vội vã chia tay giữa vùng chiến địa.

Tiếp câu chuyện dang dở, ông Chương kể, ông là con đầu trong gia đình có 3 anh, chị, em.

Năm 1949, sinh ông ra vài tháng, cha ông là Trần Công Tính lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Ông và các em lớn lên trong vòng tay của mẹ, riêng cha thì rất ít khi về thăm nhà.

“Những năm 50, 60 thế kỷ XX, tuổi thơ của những đứa trẻ như chúng tôi lớn lên thường vắng bóng người cha, vì họ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, xông pha nơi chiến trường để mong có ngày đất nước thanh bình.

Vì thiếu vắng tình yêu của cha từ thuở bé nên tôi lớn lên với suy nghĩ rằng mình phải đi đánh giặc để sớm được gặp cha.

Năm 1967, đúng 18 tuổi, tôi nghe loa truyền thanh thông báo về đợt tuyển quân ra chiến trường. Chẳng nghĩ ngợi nhiều, tôi báo với mẹ “con đi bộ đội để gặp cha đây...”, ông Chương nhớ lại.

Từ đó ông trở thành lính pháo binh, thuộc Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).

Tình phụ tử giữa chiến trường ác liệt

Thời điểm đó, ông Chương không hề biết cha mình đang chiến đấu ở đâu. Nhưng trong tâm khảm, ông vẫn tin mình sẽ sớm hoàn thành ước nguyện.

“Hồi nhỏ tôi nghe mọi người nói cha mình chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Khi ra chiến trường, tôi quyết tâm hoàn thành sứ mệnh của mình, để xứng đáng là con của một người lính cụ Hồ”, ông Chương tâm sự.

Nhờ thông minh, anh dũng trong chiến đấu, chỉ sau 8 tháng nhập ngũ (tháng 3/1968), ông Trần Công Chương vinh dự được kết nạp Đảng, ngay trên chiến trường.

Một ngày tháng 4/1968, đơn vị của ông Chương vừa trải qua một trận đánh, mặt nhem nhuốc vì khói súng đang đứng trên chòi gác, ông được cán bộ chỉ huy thông báo: “Đồng chí bàn giao lại công việc chuẩn bị có người thân đến gặp!”.

“Lúc ấy, tôi có linh tính về một chuyện gì đó, nên tim đập nhanh hơn. Một lát, phía sau lưng tôi xuất hiện một người đàn ông dáng gầy, đang nở nụ cười rất quen thuộc.

Tôi ngớ người một lúc mới nhận ra đó chính là cha của mình. Tôi và cha tay bắt mặt mừng ôm nhau vừa mừng vừa tủi!”, ông Chương nhớ lại khoảnh khắc xúc động ấy.

Sau đó, ông Chương mới biết cha ông khi đó đã là Chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1.

“3 ngày cha con tôi gặp nhau, dường như không đêm nào ngủ được. Chúng tôi tranh thủ từng giây phút để được bên nhau.

Lúc ấy, chiến sự rất ác liệt, tôi rất lo cho cha và ngược lại. Nhưng chúng tôi cùng động viên nhau không được chùn bước, hay yếu lòng”, vị cựu chiến binh sinh năm 1949 chia sẻ.

Mãi sau này, khi hòa bình lập lại, cha ông mới kể, thời điểm đó, ông có tâm sự với ông Trường Phi - Thiếu tá Pháo binh (em ruột của Tổng Bí thư Trường Chinh) rằng, có cậu con trai đầu lòng đang chiến đấu ở Khe Sanh này.

Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của ông Trường Phi, cha con ông Chương mới có cuộc gặp gỡ thú vị giữa chiến trường.

Sau thời gian ngắn ngủi gặp nhau, cha con ông Chương gác lại niềm vui riêng quay lại chiến trường, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau. Nhưng qua lần gặp gỡ ấy, ông Chương như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên chiến trường là đồng đội, về quê nhà là đồng chí

img

Vợ chồng ông Trần Công Chương và bà Trần Thị Kim Cúc vui vẻ tuổi già bên nhau tại quê nhà Đức Lạng

Tháng 7/1970, ông Chương được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội), còn cha của ông tiếp tục ở lại Quảng Trị chiến đấu.

Tháng 11/1974, ông Chương được bổ sung vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, tham gia Binh đoàn Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột.

Sau đó, ông Chương tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khi đó, Thiếu tá Tính ở lại Sư đoàn 308 chiến đấu, năm 1973 bị thương gãy chân phải đi chữa trị, ông về hưu năm 1975.

Đất nước thống nhất, ông Chương tiếp tục tham gia các cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc, nghỉ chế độ năm 1989, mang quân hàm Đại úy.

Trở về địa phương, cha con ông Chương cùng tham gia công tác thôn xã. Ông Tính làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Lạng nhiều năm. Ông Chương đảm nhận các vai trò khác nhau như: Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tiến Lạng, xã Đức Lạng.

Trước đó, trong một lần hiếm hoi về phép, ông Chương kết hôn với bà Trần Thị Kim Cúc, trú xã Đức Lạng vào năm 1974. Cả hai có với nhau 4 người con, đều đặt tên gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước hoặc những kỷ niệm nơi ông từng công tác.

Con trai đầu sinh năm 1975, đúng dịp Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nên ông bà đặt tên Trần Thống Nhất. Con gái thứ hai và ba sinh dịp ông đi công tác ở biển Cửa Lò (Nghệ An) và ở Thái Nguyên, nên lần lượt có tên là Trần Thị Thanh Thủy và Trần Thị Thanh Lâm.

Cậu út chào đời năm 1985, đúng dịp duyệt binh kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, tên Trần Quyết Thắng. Các con của ông Chương đã lập gia đình, công việc ổn định. Con út là sĩ quan quân đội, theo nghiệp cha và ông nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.