Điện ảnh

Cha đẻ phim "Lựa chọn số phận": Chạnh lòng với các nhà biên kịch Hàn Quốc

03/07/2020, 07:01

Biên kịch Đặng Minh Châu đã có những chia sẻ xoay quanh bộ phim "Lựa chọn số phận" và câu chuyện thú vị về nghề biên kịch.

img
Biên kịch Đặng Minh Châu (đội mũ), đạo diễn Mai Hồng Phong (áo kẻ) chụp cùng dàn diễn viên trong phim "Lựa chọn số phận"

Hài lòng với cách thể hiện của đạo diễn Mai Hồng Phong

Bộ phim truyền hình “Lựa chọn số phận” đang bắt đầu có những cao trào hấp dẫn và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn. Cơ duyên nào đưa biên kịch Đặng Minh Châu tới kịch bản bộ phim này?

Tôi vốn cộng tác với VFC từ những ngày đầu mới thành lập cách đây hơn 20 năm. Một trong những bộ phim có đề tài chính luận đầu tiên mà tôi đã viết kịch bản là “Mùa lá rụng” (2001). Từ đó đến nay, bên cạnh các bộ phim tâm lý xã hội như “Những ngọn nến trong đêm” (phần 1 năm 2002, phần 2 năm 2016), “Gió mùa thổi mãi” (2006), “Đi qua bóng tối” (2009)... tôi vẫn kiên trì theo đuổi đề tài chính luận với các bộ phim như “Đất lành” (2008), “Những kẻ hai mặt” (2014)... Đặc biệt, “Những kẻ hai mặt” (tên ban đầu là “Án oan”) có nội dung liên quan đến cả Công an, Kiểm sát, Tòa án, Luật sư... Có lẽ, với tất cả những “cơ duyên” như trên, VFC đã tin tưởng gửi gắm tôi viết riêng kịch bản về nghề Thẩm phán, một đề tài mà trước nay VFC chưa từng làm.

Để thực hiện kịch bản của 1 bộ phim về đề tài chính luận, thậm chí trước nay hiếm ai làm, ông đã dành thời gian bao lâu để ấp ủ và hoàn thiện bộ kịch bản này, thưa biên kịch Đặng Minh Châu?

Cái khó nhất của đề tài này là nghề thẩm phán quá khô cứng và đơn điệu, chỉ quẩn quanh trong cơ quan tòa án từ phòng làm việc đến phòng xử án, không sinh động và nhiều màu sắc như các ngành nghề khác. Vì thế, chọn được cách tiếp cận đề tài thế nào để “mềm hóa” nội dung, phù hợp với mọi đối tượng khán giả của màn ảnh ảnh nhỏ là điều khiến tôi mất nhiều thời gian nhất.

Ông đã tìm hiểu thực tế thế nào để xây dựng số phận cho nhân vật trong phim?

Tôi đã dành khá nhiều thời gian đi thực tế ở các tòa án địa phương. Tuy không có nguyên mẫu cụ thể nào được đưa vào phim, nhưng bàng bạc trong số phận các nhân vật là hình bóng của những người Thẩm phán đang hiện hữu trong đời sống. Xoay quanh họ là số phận các nhân vật khác cũng mang hơi thở của cuộc sống xã hội hôm nay.

Có tiêu chí nào để ông lựa chọn các vụ án để đưa vào kịch bản, thưa biên kịch?

Tiêu chí đầu tiên là phù hợp với nhân vật từ vị trí công tác đến tính cách. Tiêu chí thứ hai là các vụ án mang tính xã hội sâu rộng (như án ly hôn) và các vụ án có tính cá biệt được dư luận quan tâm. Tiêu chí cuối cùng là bảo đảm tính chính luận nhưng vẫn hấp dẫn về mặt giải trí.

Ông tâm đắc/ ấn tượng nhất với nhân vật nào trong tác phẩm này, thưa biên kịch?

Mỗi nhân vật tôi có một sự tâm đắc riêng. Với nhân vật nam chính là Hùng Cường, tôi tâm đắc về hình tượng một thẩm phán đẹp trai, giỏi võ, chung tình, công tâm, chính trực tưởng như không có trong đời thực nhưng vẫn có thể thuyết phục được khán giả về số phận mà anh đã lựa chọn. Với nhân vật nữ chính là Trang, tôi tâm đắc về sự lựa chọn đầy những khúc quanh bất trắc của cô. Với nhân vật nữ thứ chính là thẩm phán Dung, tôi tâm đắc về tình yêu trong sáng bền bỉ và tấm lòng cao thượng của chị. Với các nhân vật phản diện, tôi tâm đắc về sự đa diện, mờ ám khó đoán của họ.

Với “Lựa chọn số phận”, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới khán giả?

Mỗi chúng ta có một số phận khác nhau. Điều đó bắt nguồn từ tính cách, từ sự lựa chọn ban đầu và cả sự lựa chọn nghiệt ngã trong suốt hành trình đời người. Không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo, cũng như không có số phận nào chỉ có niềm vui và hạnh phúc. Điều quan trọng là dù số phận có thế nào cũng không được đánh mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu và những giá trị chân - thiện - mỹ nhân văn khác như công lý, lòng bao dung...

Ông nghĩ sao về cách đạo diễn Mai Hồng Phong thể hiện kịch bản lên phim? Ông có hài lòng với dàn diễn viên hiện tại?

Đạo diễn Mai Hồng Phong với tôi cũng ít nhiều có “cơ duyên”. Phim “Những ngọn nến trong đêm” (phần 1 năm 2002) anh tham gia đạo diễn cùng với Vũ Hồng Sơn và Đỗ Đức Thành, rồi đến “Đất lành” (2008) và lần này là “Lựa chọn số phận”. Tôi thích cách thể hiện biến báo sinh động với tiết tấu nhanh mạnh nhưng không kém phần sâu lắng của anh.

Tôi cũng rất hài lòng về dàn diễn viên “trai xinh, gái đẹp” như Hà Việt Dũng, Phương Oanh, Huỳnh Anh, Hồng Loan... và các nghệ sĩ gạo cội danh tiếng như NSND Mạnh Cường, NSƯT Thanh Quý...

img
Biên kịch Đặng Minh Châu trong buổi họp báo ra mắt phim

Làm phim về đề tài chính luận, toà án đã là điều không dễ dàng. Song, phim không thể tránh khỏi những bình luận khác nhau của khán giả. Có khi nào ông lường trước được những phản hồi trái chiều của dư luận?

Ngay khi phim chuẩn bị lên sóng, tôi đã nhận được khá nhiều bình luận không những trái chiều mà thậm chí còn ác ý. Tôi đã lường trước chuyện đó nên trong quá trình viết đã cố gắng làm sao để nhân vật của mình đủ sức thuyết phục được cả những người sẵn có định kiến với ngành tòa án.

Phim về đề tài chính luận vốn được giới làm nghề gọi là “Khó, khô, khổ”. Theo biên kịch Đặng Minh Châu, đây có phải là rào cản mà dòng phim này bị bỏ suốt nhiều năm qua, kể từ “Chạy án”, “Bí thư tỉnh uỷ”… cho đến 1-2 năm trở lại đây?

(Cười) Đúng là làm phim đề tài chính luận “khó, khô, khổ” thật. Do tính chất của đề tài cần có sự từng trải, đa phần các phim về đề tài này đều do các biên kịch có tuổi đời, tuổi nghề viết kịch bản. Mà số lượng các nhà biên kịch dạng này không có nhiều như các biên kịch trẻ. Chưa kể, những năm qua, VFC cũng chú trọng mảng đề tài gia đình, tâm lý xã hội thiên về tính giải trí hơn. Việc VFC trở lại với mảng đề tài chính luận sẽ làm phong phú hơn “thực đơn” phim trên sóng truyền hình quốc gia, rất đáng được khích lệ.

Quá trình làm phim của VFC trong thời gian gần đây được thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả ê-kíp phải làm một khối lượng công việc cực kỳ lớn. Ông và các đồng nghiệp đã bị áp lực thế nào và vượt qua ra sao?

Cách làm phim theo kiểu “cuốn chiếu” bao giờ cũng tạo ra áp lực cực kỳ lớn đối với cả ê-kíp. Trong khi phim đã lên sóng mà biên kịch vẫn còn viết, đạo diễn và diễn viên vẫn còn quay thì rõ ràng phải vắt chân lên cổ mà chạy nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng một cách tốt nhất. Điều đáng mừng là cách làm việc này của VFC đã trở thành một quy chuẩn chuyên nghiệp, được phối hợp một cách nhịp nhàng giữa các thành phần và cả ê-kíp nên tuy áp lực lớn nhưng mọi việc vẫn suôn sẻ.

Đặc biệt, với cách làm này, từ phản hồi của khán giả, ê-kíp còn có thể kịp thời điều chỉnh để phim ngày càng hấp dẫn hơn.

Ông nghĩ thế nào về vai trò của biên kịch đóng góp vào thành công của một bộ phim?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, muốn có một bộ phim thì trước hết phải có kịch bản. Kịch bản hay, phim có thể dở. Nhưng không thể có phim hay nếu kịch bản dở. Bản thân các đạo diễn không ai muốn nhận một kịch bản dở.

Nhưng ông có cảm thấy chạnh lòng không khi nghề biên kịch ở Việt Nam dường như chưa được coi trọng một cách xứng đáng? Người ta thường nhắc đến đạo diễn và diễn viên nhiều hơn cho phần đóng góp vào thành công của một bộ phim?

Một bộ phim là thành quả của cả tập thể từ biên kịch đến đạo diễn, diễn viên... và các thành phần không thể thiếu khác. Với hàng chục bộ phim, ít nhiều có những thành công nhất định, tôi chưa bao giờ chạnh lòng với vai trò biên kịch của mình. Nếu có chạnh lòng là khi so với các nhà biên kịch Hàn Quốc chẳng hạn. Bởi quyền lực, quyền lợi của họ đối với một bộ phim truyền hình là điều đáng cho các nhà biên kịch Việt Nam mơ ước.

Nghề biên kịch điện ảnh, truyền hình dường như đang khá “hot” đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là tính về số lượng thì tác giả kịch bản nhiều, đếm không xuể. Nhưng tính về chất lượng thì chỉ có vài cái tên, biên kịch Đặng Minh Châu nghĩ sao về thực trạng này?

Nghề nào cũng có sự khắc nghiệt riêng. Trong nghề viết thì nghề biên kịch càng khắc nghiệt hơn. Việc nhiều bạn trẻ theo nghề biên kịch thoạt đầu có thể là do ý thích, hoặc thấy mình có năng khiếu, nhưng chưa lường trước được sự khắc nghiệt của nghề. Bạn có thể làm thơ hay, viết văn giỏi nhưng chưa hẳn viết được kịch bản tốt. Vì thế, số lượng tác giả kịch bản nhiều không tỷ lệ thuận với chất lượng biên kịch. Đó cũng là điều hết sức bình thường trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung vốn đòi hỏi cả tâm huyết lẫn tài năng.

Thế còn cung cách đào tạo của chúng ta hiện nay theo ông là như thế nào?

Lĩnh vực này tôi xin miễn bàn. Nhưng có một thực tế là đội ngũ đạo diễn, biên kịch nòng cốt hiện nay ở VFC đều đã từng được đào tạo chính quy bài bản ở các trường chuyên ngành về điện ảnh, truyền hình.

Là người làm lâu năm trong nghề, ông nhìn nhận tài năng của thế hệ sau mình như thế nào, hoặc một lời khuyên gì đối với họ?

(Cười) Các bạn trẻ bây giờ thông minh, nhanh nhạy và cũng bản lĩnh đầy mình. Tuy lâu năm trong nghề nhưng tôi vẫn chưa gác bút, vẫn tiếp tục đồng hành cùng họ bình đẳng, gần gũi như một đồng nghiệp. Nên tôi chỉ có thể khuyên là chúng ta cùng cố gắng để có được nhiều kịch bản hấp dẫn, nhiều bộ phim hay nhằm phục vụ khán giả ngày càng tốt hơn.

Xin cảm ơn nhà biên kịch Đặng Minh Châu!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.