Du lịch

"Cha đẻ" ý tưởng làm đường hoa trên sông Sài Gòn nói gì?

02/12/2017, 07:00

Theo ông Mỹ, sông hoa, nếu làm được như mong muốn, chắc chắn đó là sản phẩm độc đáo, không "đụng hàng".

Đường hoa Nguyễn Huệ, TP HCM

Đường hoa Nguyễn Huệ, TP HCM

Trong cuộc hội thảo “Phát triển du lịch đường sông” do Sở GTVT phối hợp cùng Sở Du lịch, báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 28/11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours đã đề xuất “làm sông hoa” trên sông Sài Gòn để tạo điểm nhấn cho khách du lịch...

Xung quanh đề xuất này có nhiều ý kiến ủng hộ và cũng có ý kiến cho rằng khó khả thi... PV Báo Giao thông đã trao đổi thêm với ông Mỹ về đề xuất khá “sốc” này.

Thưa ông, vì sao ông đề xuất TP nên làm sông hoa để phát triển du lịch?

Muốn phát triển phải có sản phẩm mới. Tôi làm hướng dẫn viên, đi khá nhiều nước, thấy các nước bạn làm du lịch đường sông rất hay và sang trọng dù sông rạch của họ nghèo hơn mình. Mình đi sau, có cái lợi là học hỏi được nhiều thứ, đỡ tốn công mày mò. Cả trong và ngoài nước đã có vườn hoa, đường hoa, phố hoa, quảng trường hoa, làng hoa, cánh đồng hoa… nhưng chưa nơi nào có sông hoa. Các nơi, thường chỉ có sông, nhiều sông quá rộng. Hoặc rạch quá hẹp và không có đường ven sông nên khó thể hiện ý tưởng. Sài Gòn có sông rộng, có rạch lớn và rạch nhỏ liên hoàn nối kết các đường bộ. Sẽ cực kỳ thú vị nếu làm sông hoa cho du khách thưởng ngoạn.

Đường hoa Nguyễn Huệ của TP đã thành thương hiệu nổi tiếng và đặc biệt những người xa xứ, mỗi khi xuân về họ đều muốn nhìn thấy đường hoa này. Nếu làm sông hoa sẽ khác biệt như thế nào?  

Đường hoa Nguyễn Huệ, theo tôi, đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là phố đi bộ với các hoạt động văn hóa đường phố như: Từ vẽ chân dung, ký họa, cắt hình, nặn tò he, xếp hình, đan lát, đến các nhóm nghệ thuật... Riêng sông hoa tận dụng cả đường phụ hai bên bờ. Không cần tổ chức sân khấu hoặc biểu diễn tập trung.

Sông hoa như một chợ nổi hoa sống (hoa trong chậu, trong giỏ). Theo tôi, các nhà thiết kế nên làm hai bên bờ thành đường đi bộ chân quê với những hình ảnh quen thuộc: ụ rơm, xe bò, các quán bán thức uống và đồ ăn dân dã, các quầy bán hàng lưu niệm thủ công dân gian,  các ghế ngồi mộc mạc. Bên cạnh đó có thể tổ chức mô hình làm bánh, sản xuất hàng cho khách tìm hiểu. Tất cả đều cơ động, gọn nhẹ, tự nhiên và tiết kiệm. Có hệ thống nhà vệ sinh thoáng, sạch.

Nhưng nhiều người cho rằng khó bảo vệ an ninh, trật tự trên sông?

Tôi cho rằng tổ chức cho khách đi thuyền xem chợ nổi, ngắm và mua hoa không quá khó. Dĩ nhiên phải chuẩn bị phương tiện và đảm bảo an toàn cho cả người bán lẫn người mua. Gọi là sông hoa nhưng sông chỉ là nhân, bao quanh bờ là đường ven sông với nhiều hoạt động. Các phương tiện giao thông đường thủy vẫn có thể qua lại sông hoa với tốc độ tối thiểu.

Cần cấm xe vào khu vực này. Có bãi tập kết xe cho khách du lịch lẫn khách vãng lai. Khách sẽ đi bộ hoặc thử trải nghiệm các phương tiện xưa gồm xe lam, xe lôi đạp, xe bò, xe ngựa… Đặc biệt là tạo cảnh quan hai bên bờ sông. Phải để người dân và du khách chủ động tham gia. Tổ chức thi trang trí nhà và cơ quan đẹp, thân thiện, trang trí cây, hoa, chiếu sáng hai bên đường… Dành kinh phí để hỗ trợ dân làm đẹp mặt tiền, làm giải thưởng, trả tiền mặt tiền cho các nhà ven sông... Làm sông hoa và đường đi bộ ven sông nhưng vẫn phải đảm giao thông, không gây kẹt xe.

Nếu ý tưởng này khả thi, theo ông địa điểm tổ chức là ở đâu là lý tưởng nhất?

Ý tưởng này, tôi đã đề xuất cách đây mấy năm rồi. Du khách thích thú, ủng hộ nhưng các nhà quản lý chưa quan tâm. Trong hội thảo vừa qua, khi tôi phát biểu thì gần như mọi người ủng hộ. Từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và các nhà khoa học. Tôi tin là mọi việc không quá khó và sẽ hiệu quả kinh tế gấp mấy lần đường hoa Nguyễn Huệ. Còn cách làm thế nào thì ngoài khả năng của mình vì tôi chỉ tư vấn và đề xuất ý tưởng.

Địa điểm lựa chọn cần không quá rộng hoặc quá hẹp, chừng 100 - 150 mét bề rộng là tốt nhất. Sông phải có đường hai bên bờ và có cầu vượt đi bộ qua sông. Theo tôi, thì tổ chức ở rạch Bến Nghé, đoạn giáp ranh giữa các quận 1, quận 5 và quận 4, quận 7 là tốt nhất. Năm đầu có thể sông hoa chỉ dài 500 mét nhưng sau đó, nên cố định tối thiểu là 1.000 mét.

Nguyen Van My  2

Ông Nguyễn Văn Mỹ, trong một lần hướng dẫn khách du lịch tham quan TP.HCM

Vậy theo ông thời điểm nào tổ chức sông hoa tốt nhất?

Theo tôi, không nên chỉ tổ chức mỗi năm một lần vào dịp Tết như đường hoa Nguyễn Huệ vì rất tốn kém và có phần lãng phí do thời gian hoạt động quá ngắn. Còn thực hiện sông hoa mỗi đợt cao điểm nên tổ chức 10 ngày. Ngoài tết còn các dịp như ngày Thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9), Noel (25/12) kéo dài đến tết Dương lịch (1/1)... Lâu dài, đưa dần vào hoạt động từng tháng, từng tuần và thường xuyên. Chợ nổi hoa và đường đi bộ ven sông sẽ hoạt động hàng ngày.

Ngay bây giờ, nếu tích cực bắt tay chuẩn bị, nhanh nhất cũng phải 6 tháng đến 1 năm mới khai trương được. Vạn sự khởi đầu nan, nhất là những ý tưởng mới, nhưng không có gì không thể nếu mọi người cùng đồng lòng và hợp lực.

Ông có khẳng định sông hoa sẽ cho du lịch đường sông thành phố phát triển mạnh mẽ hơn?

Mình là người đề xuất, nếu không máu lửa làm sao truyền cho người khác? Sông hoa, nếu làm được như mong muốn, chắc chắn đó là sản phẩm độc đáo, không đụng hàng. Sông hoa sẽ là cú hích, là điểm nhấn cho thương hiệu du lịch đường sông Sài Gòn. Còn để phát triển mạnh mẽ, còn rất nhiều việc phải làm. Nhất thiết phải có kế hoạch dài hơi với từng bước đi cụ thể.

Bên Singapore có dòng sông nhỏ nhưng họ khai thác du lịch rất tốt. Về đêm, khách muốn đi phải xếp hàng, vì sao? Vì họ làm dịch vụ quá tốt nên khách quốc tế đến đây, ai cũng muốn đi 1 lần cho biết... Trong khi đó, hệ thống sông, rạch trên địa bàn TP.HCM rất nhiều và rộng. Đặc biệt các tỉnh xung quanh TP.HCM sản xuất được nhiều loại hoa đẹp. Đây là thế mạnh mà các nước trong khu vực không thể sánh bằng. Do đó, nếu có thuyền hoa, sông hoa... tôi tin chắc đây là món "đặc sản" của TP.HCM dành cho du khách...      

Xin cám ơn ông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.