Giáo dục

Cha mẹ đừng để lời nói trở thành mũi tên vô hình làm tổn thương trẻ

15/05/2021, 01:00

Nếu không biết cách dạy con, lời nói của cha mẹ sẽ như mũi dao nhọn làm tổn thương sâu sắc một đứa trẻ khi còn nhỏ.

Một ngày nọ, khi đi trên xe buýt, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của 2 mẹ con.

Đứa trẻ nói: “Mẹ ơi, hôm nay bạn Bin trong lớp đánh con”.

Người mẹ trả lời: “Tại sao con lại bị đánh. Trong lớp có nhiều bạn như vậy mà sao ai cũng thích đánh con. Có phải vì con nghịch ngợm nên hay bị mấy bạn đánh đúng không? Con ở trường chỉ biết nghịch phá là giỏi, ngày nào cũng vậy”.

Người mẹ lúc này có lẽ chẳng bao giờ nghĩ được trong lòng con mình đang suy nghĩ:

- Mẹ chẳng bao giờ hỏi mình có bị làm sao không khi bị bạn đánh, chẳng quan tâm bao giờ. Hình như mẹ chẳng yêu mình gì cả. Sau này, nếu có bị đánh mình cũng không nói cho mẹ biết nữa.

- Khi có ai đó đánh mình, mẹ luôn bảo mình làm gì đó sai nên mới bị vậy. Lúc nào mẹ cũng chỉ trách móc, mình không phải là một cậu bé ngoan.

- Khi mình cần giúp đỡ, mẹ chỉ biết giận dữ, không quan tâm tới cảm xúc của mình. Sau này, mình cũng sẽ đối xử với người khác như vậy.

Thực ra, người mẹ nào cũng yêu thương con mình, nhưng phương pháp giáo dục của mỗi người sẽ khác nhau. Dù lời nói không có vẻ gì là bạo lực như hành động, nhưng nó lại gây tổn thương tâm lý rất nặng tới một đứa trẻ.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần cẩn thận với lời nói của mình, đừng để ngôn ngữ trở thành mũi tên nhọn làm tổn thương con cái. Có một số câu nói sẽ khiến trẻ bị tổn thương nhưng cha mẹ lại không nhận ra.

Sao con ngốc thế, mẹ đã nói với con câu này hơn cả chục lần rồi mà.

Con có thấy xấu hổ khi nhận được bài kiểm tra kém như thế không.

Con nhìn bạn kia kìa, sau đó thử nhìn lại chính mình xem.

Mẹ kiệt sức rồi, con lớn rồi, tự ngồi chơi một mình đi.

Vấn đề mấu chốt là khi cha mẹ nói ra những lời này, họ luôn trong tâm thế “muốn tốt cho con cái”. Thế nhưng trên thực tế, những câu này sẽ đánh trực tiếp vào lòng tự trọng của một đứa trẻ.

img

Ảnh minh họa.

Một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ luôn nghĩ mình vô dụng, không làm được gì tốt cả…, thậm chí đánh mất động lực cố gắng. Khi lớn lên, chúng sẽ sử dụng những thói quen ngôn ngữ đã học từ nhỏ để tấn công người khác, giống như gen di truyền vậy, rất khó để kiểm soát.

Ngoài ra, có một số câu nói ẩn giấu sự kiểm soát và đe dọa, cũng có thể gây hại cho trẻ như:

Con không cần phải lo lắng về những điều này, miễn là hoàn thành tốt bài tập về nhà của mình.

Con phải chăm chỉ học hành, để khi lớn lên cha mẹ có thể nương tựa vào khi về già.

Cha mẹ ăn uống đạm bạc, tiết kiệm từng đồng thế này chỉ muốn con chăm chỉ học giỏi.

Không nghe lời cha mẹ chỉ có rước khổ vào người thôi con à.

Làm thế nào để cha mẹ không làm tổn thương trẻ bằng lời nói?

1. Khi đang tức giận, không nên nói quá nhiều

Khi tức giận vì hành vi của trẻ, điều đầu tiên cha mẹ phải giải quyết là vấn đề cảm xúc của mình chứ không phải của trẻ. Lúc này, cha mẹ nên biết tiết chế cảm xúc, dùng giọng điệu nhẹ nhàng và thẳng thắn nói với trẻ, sau đó cùng con cái giải quyết vấn đề.

Lúc này, cha mẹ đừng tỏ ra thờ ơ, hãy để trẻ cảm thấy rằng, dù bạn có tức giận thì tình yêu dành cho chúng vẫn không thay đổi. Hãy luôn nhớ rằng, trong cơn tức giận, mọi lời nói của cha mẹ đều không có ý nghĩa và trẻ sẽ chẳng nhận ra bài học gì cả.

img

2. Không chủ quan đánh giá sự vật, con người

Khi thi trượt, trẻ rất thất vọng và lo lắng sẽ bị cha mẹ chỉ trích, đây là lúc chúng cần được giúp đỡ. Nếu cha mẹ mẹ không quan tâm đến điều đó vào lúc này và gán cho con cái mác "ngu ngốc", trẻ sẽ nghĩ mình là một người ngốc nghếch nên điểm kém là điều bình thường.

Cách đánh giá chủ quan này của cha mẹ hoàn toàn sai lầm, hơn nữa giống như đang trút sự bất mãn của bản thân lên trẻ.

Dù đúng hay sai, hãy cùng trẻ xem kỹ bài thi, câu nào sai, tại sao sai, có làm ẩu không? Sau đó, cho trẻ ôn tập và củng cố lại những câu sai, có như thế mới thực sự giúp ích cho trẻ.

3. Đặt bản thân vào vị trí của con cái

Cha mẹ nên đứng vào vị trí của con mình để hiểu được chúng đang nghĩ gì. Chẳng hạn như khi trẻ nói mình bị ai đó đánh, trước tiên người mẹ cần khẳng định với con: “Khi con kể cho mẹ biết chuyện này, nghĩa là con rất tin tưởng mẹ đúng không nào. Mẹ cảm thấy rất hạnh phúc”. Lúc này, trẻ cảm thấy đủ an toàn và có thể kể mọi việc cho mẹ nghe mà không sợ hãi.

Đây là cơ hội tốt để dạy trẻ đúng - sai. Đồng thời, sự đồng cảm và quan tâm của mẹ dành cho trẻ là cách dạy con đúng đắn nhất. Đứa trẻ sau này sẽ có tính cách chu đáo và đồng cảm.

Tại sao nhiều trẻ em bị bắt nạt học đường, nhưng chúng không nói với người lớn? Một trong những nguyên nhân là do sự thờ ơ và chối bỏ của cha mẹ khi chúng còn nhỏ.

4. Nếu cha mẹ vô tình làm tổn thương con mình, hãy thành thật xin lỗi

Nếu cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc của mình và nói điều gì đó gây tổn thương cho trẻ, lúc này chỉ cần xin lỗi chúng một cách chân thành là được. Cha mẹ có thể nói rằng: “Xin lỗi con, vừa rồi mẹ hơi xúc động. Mẹ sẽ cố gắng sửa sai và quản lý cảm xúc của mình vào lần sau".

Sự chấp nhận và bao dung của con cái đối với cha mẹ luôn nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Khi cha mẹ xin lỗi trẻ, chúng sẽ tha thứ mà không do dự, ôm hôn cha mẹ một cách tràn đầy yêu thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.