Nếu con cái nói với bạn rằng, nó không muốn đi học. Bạn sẽ phản ứng như thế nào? “Mẹ cho con cơm ăn áo mặc, không để con phải đụng tay đụng chân làm việc gì thế mà học không tới nơi tới chốn”, hay là “Giờ con không muốn đi học nữa, con muốn nổi loạn có phải không”.
Có vô số lý do khiến trẻ bỗng chán học, không muốn tới trường. Lúc này, cha mẹ đừng vội tức giận, việc trẻ không muốn đi học là phản ứng tâm lý bình thường của hầu hết học sinh. Tuy nhiên, có 3 kiểu cha mẹ phổ biến khiến con cái dần chán học dưới đây:
1. Cha mẹ chỉ quan tâm tới mỗi việc học
Kiểu cha mẹ này chỉ quan tâm tới mỗi việc học của con, không cho con giải trí, không giao du với bạn bè, chỉ ăn ngủ và học. Nếu trẻ không nghiêm túc học hành, họ sẽ bắt đầu hối thúc và cằn nhằn cả ngày.
Họ coi con cái như cỗ máy học tập để đáp ứng nhu cầu sĩ diện của bản thân. Trẻ sống dưới áp lực học tập quá lớn của cha mẹ sẽ dần trở nên chán ghét việc học hơn.
2. Cha mẹ kỳ vọng quá cao vào điểm số
Một số cha mẹ yêu cầu con mình phải đứng nhất lớp, nằm trong top của khối. Điểm số của con cái không thể thỏa mãn mong muốn của cha mẹ. Sự đòi hỏi vô tận của cha mẹ khiến trẻ không thấy hy vọng, vì vậy chúng không muốn học nữa.
3. Cha mẹ thường đánh con cái khi dạy học
“Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, câu này phải làm như vậy, sao con cứ làm sai hoài thế. Con coi lời nói của mẹ như gió thổi mây bay hả”, “Sao một câu hỏi đơn giản như vậy mà con cũng làm sai, con ngốc thế”.
Những lời nói mỉa mai, đòn roi mỗi khi cha mẹ dạy con học dần dần bào mòn lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Ngày nào trẻ cũng phải nghe những lời cay nghiệt của cha mẹ, chúng cảm thấy việc học quá mệt mỏi và không muốn tiếp tục nữa.
Cha mẹ nên làm gì để con cái có động lực học hành hơn?
- Bớt trách móc, ngừng chỉ trích
Việc cha mẹ nói về những lợi ích xa vời của việc học với trẻ em, trong khi chúng chưa có sự hiểu biết nhiều là điều không nên. Tốt hơn hết, cha mẹ nên ngừng chỉ trích, nói những điều thiết thực nhất về việc học.
Ngoài ra, cha mẹ có thể lấy phần thưởng ra để tạo động lực cho trẻ biết cố gắng hơn. Đây không phải dùng phần thưởng khiến trẻ học mà để chúng tiến bộ hơn.
- Để trẻ biết được cảm giác hoàn thành
Một người khi nếm được vị ngọt của thành tựu, họ sẽ có thêm động lực để kiên trì hơn nữa. Ví dụ, khi trẻ chuẩn bị bài trước hoặc giải được những bài toán khó mà các bạn khác không làm được, trẻ sẽ cảm thấy rất vui và có cảm giác đạt được thành tựu.
Cha mẹ nên bắt đầu từ những việc nhỏ, để trẻ quen với sự nỗ lực trước khi làm những việc khó hơn.
- Nói về sự trưởng thành, đừng nói về lý tưởng
Đừng nói về lý tưởng, bởi vì lý tưởng vẫn còn quá xa vời với trẻ em. Những thứ quá xa vời và trống rỗng không thể mang lại cho trẻ nhiều động lực.
Cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến sự trưởng thành của trẻ, quan tâm hơn từ những tiến bộ nhỏ cho tới lớn của con mình. Chẳng hạn như trẻ có làm bài tập nhanh hơn hôm qua không, có dám giơ tay phát biểu trong lớp không, điểm số có cải thiện trong học kỳ này không…
Khi có những thay đổi này, trẻ sẽ háo hức tiến bộ hơn, lúc này cha mẹ có thể cùng con đặt ra những mục tiêu và cố gắng đạt được nó.
- Tạo môi trường học tập phù hợp
Cha mẹ cần tạo môi trường học tập tại nhà thuận lợi cho sự tập trung. Môi trường xung quanh cũng rất quan trọng để trẻ duy trì thói quen tốt.
Trên bàn học của trẻ chỉ được đặt sách và các đồ dùng học tập, không được đặt đồ chơi, thức ăn và các vật gây nhiễu âm thanh như điện thoại. Phụ huynh cũng cố gắng không ra vào khi con cái đang học và can thiệp lớn tiếng.
Cha mẹ hãy thường xuyên đọc sách, tìm hiểu những gì con quan tâm, thể hiện tình yêu học tập với con, thường xuyên trò chuyện về những điều con thích, kể cho con nghe những kiến thức mới lạ, luôn hỏi trẻ học được những kiến thức mới gì ở trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận