Thời sự

Chậm cấp sổ đỏ do cán bộ nhũng nhiễu?

29/09/2014, 15:54

Việc cấp sổ đỏ có nhiều nguyên nhân chậm trễ, kéo dài, trong đó có cả nhũng nhiễu và có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương.

Việc cấp sổ đỏ có nhiều nguyên nhân chậm trễ, kéo dài, trong đó có cả nhũng nhiễu và có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang trả lời trong phiên chất vấn sáng nay (29/9), thuộc khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ QH.

Hơn 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai - ảnh minh họa
Hơn 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai - ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực TN&MT đã giảm dần qua các năm. Trung bình những năm gần đây, Bộ TN&MT nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo (giảm so với những năm trước 9.000-10.000 đơn mỗi năm); 98% lượng đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai.

Lý giải các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng xuất phát từ việc sử dụng đất thiếu ổn định do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu... Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, công tác bồi thường GPMB có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, thậm chí có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời.

Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành; một số trường hợp bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước trong khi đó việc xử lý lại không nghiêm.

"Khoảng 61% đơn thư gửi đến Bộ là đơn trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau; 80% đơn khiếu nại vượt cấp; chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ", Bộ trưởng TN&MT thông tin và cho biết cán bộ Thanh tra của Bộ đã phân loại, xử lý, trả lời và hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhiều "điểm nóng", vụ việc phức tạp được giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang là việc giải quyết cấp sổ đỏ lần đầu, nhất là với nhà chung cư. Bởi có nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến sổ đỏ. Trong khi đó, quy định cũng như thời hạn giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ rất mập mờ.

"Người dân cho rằng, nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu. Bộ trưởng có biết việc này không? Trách nhiệm quản lý của Bộ TN&MT như thế nào?", ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi.

Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận, việc cấp sổ đỏ có nhiều nguyên nhân chậm trễ, kéo dài, trong đó có cả nhũng nhiễu và có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương. "Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường, hướng dẫn để tìm thêm giải pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra", Bộ trưởng hứa hẹn.

Liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, nhất là khai thác cát diễn ra phổ biến trên cả nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, việc xử lý vi phạm đòi hỏi trách nhiệm của liên ngành địa phương, bởi sai phạm trong khai thác cát trái phép trên sông rất khó bắt quả tang. Nếu tăng cường tổ chức tốt, phối hợp liên ngành ở địa phương thì thực trạng sẽ cải tiến.

ĐB Đỗ Văn Đương (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, các biện pháp chế tài áp dụng lâu nay quá nhẹ. "Ăn" tài nguyên, tài sản của quốc gia mà chỉ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép là bất hợp lý.

"Một tàu khai thác cát mỗi ngày có thể thu 50-60 triệu đồng nên việc có giấy phép khai thác dứt khoát không thể dễ dàng. Liệu có "sự tiếp tay thông đồng của cán bộ cấp phép?", ĐB Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi và đề nghị phải có giải pháp cụ thể, xử lý trách nhiệm ghi thẳng vào luật. Thậm chí, không chỉ áp dụng mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội rút ruột tài nguyên quốc gia, mà phải áp hình phạt cao nhất là tử hình, chung thân cho tội cấp giấy phép trái phép mới mong xử lý triệt để thực trạng.

Trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận, mức xử lý vi phạm hiện nay còn nhẹ dù tinh thần phải xử theo quy định của pháp luật. "Mức độ xử nặng, nhẹ liên quan nhiều yếu tố nhưng tôi đồng tình chúng ta cần phải có quy định nặng hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Quang nói.

Bình Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.