Thời sự

Chậm giải ngân vốn đầu tư công làm “nóng” nghị trường

02/11/2019, 11:11

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trên nghị trường Quốc hội trong 2 ngày thảo luận tại Hội trường.

img
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Hội trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và nêu ý kiến nhất là vấn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Quy trình, thủ tục nhiêu khê

Nhấn mạnh chưa có kỳ họp nào ĐBQH lại quan tâm và nêu nhiều ý kiến đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công đến vậy, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước, khiến dự án đội vốn, giảm uy tín với nhà tài trợ quốc tế.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, ông cũng như nhiều ĐBQH băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Qua báo cáo 9 tháng đầu năm 2019, số vốn giải ngân mới đạt chưa được một nửa kế hoạch, do đó khả năng giải ngân hết nguồn vốn là rất khó khăn, nếu không nói là khó khả thi.

Theo ĐB Hùng, việc chưa giao vốn, tỷ lệ giải ngân thấp ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả của nguồn lực và gây lãng phí. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, vốn đầu tư công chậm từ khâu giao vốn đến giải ngân. Đến nay, còn hơn 27 nghìn tỷ đồng chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo kế hoạch đã được Quốc hội quyết định. “Chính phủ cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân, phải chăng do thể chế, pháp luật về đầu tư thiếu đồng bộ hay do sự chồng chéo các quy định pháp luật? Cần chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào chậm”, ông Hùng kiến nghị.

Chỉ rõ tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, việc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thực sự trở thành một nút thắt, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững, dài hạn.

Quá bức xúc về sự nhiêu khê của thủ tục, ĐB Dương Văn Thống (Yên Bái) phát biểu: “Thực tế cho thấy, từ chủ trương chuẩn bị cho đến lúc khởi công công trình, chưa nói thực hiện phải qua 64 bước. Số thủ tục chắc chắn còn nhiều hơn số bước này. Nhanh nhất cũng phải mất 90 ngày mới có thể khởi công được một dự án đầu tư công. Theo quy định hiện nay, xong các thủ tục này có khi còn đến 400 ngày, 445 ngày thậm chí còn hơn”, ĐB nói và dẫn lại lời Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc có dự án tại TP HCM phải chuẩn bị 500 -600 ngày.

Điểm tối trong “bức tranh” sáng

Giải trình trước Quốc hội chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: Tình trạng giải ngân vốn chậm là “điểm tối” trong bức tranh sáng của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhất là việc đóng góp giá trị của đầu tư công trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP); nhiều công trình, hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Theo Bộ trưởng Dũng, tình hình của 10 tháng năm 2019 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch được giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. “Đến nay, còn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn chưa giao được cho các bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Dũng thông tin.

Nhìn nhận về nguyên nhân, Bộ trưởng Dũng cho biết, khách quan là do một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục còn nhiều bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án, phức tạp.

Về chủ quan, là do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; việc giao kế hoạch vốn rất chậm từ T.Ư xuống các bộ, ngành, địa phương, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu còn nhiều hạn chế; thiếu động lực trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra....

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ lập ra 5 nhóm giải pháp chính để giải quyết tình hình, đó là: Rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; Khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn; Tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; Đổi mới công tác đánh giá kế hoạch đầu tư công; Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.