80% bệnh nhân ung thư cần điều trị giảm đau |
Suy đa tạng vì… táo bón
Vốn đã mắc căn bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn muộn, giờ ông Nguyễn Văn Ch. (Hoài Đức, Hà Nội) lại chịu thêm suy đa tạng chỉ vì chủ quan với… chứng táo bón. Còn hơn 1 tuần nữa tới lịch tái khám, thì chứng táo bón của ông Ch. lại tái phát, hết ngày hai, ngày ba… người nhà ra hiệu thuốc hỏi mua thuốc trị táo bón để ông đợi đúng lịch hẹn tái khám thì quay trở lại viện. Tuy nhiên, khi đến được viện thì đã quá muộn, cơ thể vốn héo hon, kiệt quệ vì các cơn đau do căn bệnh ung thư hoành hành giờ lại chịu thêm suy đa tạng do chất độc ứ trong bụng lâu ngày gây nên.
"Bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn phải chịu nhiều đau đớn và được chỉ định dùng morphin. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vẫn còn bất cập, cộng với việc sử dụng thuốc thiếu ý thức của bệnh nhân khiến bác sĩ kê đơn cũng không chính xác”. BS. Nguyễn Phi Yến |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chăm sóc giảm nhẹ là làm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan đến sự ốm đau đe dọa đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và giảm gánh nặng, họ phải chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện, điều trị đau và các vấn đề khác như: Triệu chứng thực thể, tâm lý, xã hội, tâm linh.
BS. Nguyễn Phi Yến, Phó trưởng khoa Điều trị giảm nhẹ, BV K T.Ư cho rằng, từ khi chẩn đoán, bệnh nhân ung thư đã cần được chăm sóc giảm nhẹ ban đầu, giúp bệnh nhân tiếp cận và lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Việc chăm sóc giảm nhẹ xuyên suốt quá trình bệnh cùng với điều trị đặc hiệu (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…) giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng, tác dụng phụ, thúc đẩy sự tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị. Khi điều trị đặc hiệu kém thích hợp, kém hiệu quả, không khả thi thì chính điều trị giảm nhẹ giúp bệnh nhân có được những ngày sống nhẹ nhàng, chất lượng hơn. Thậm chí, điều trị chăm sóc giảm nhẹ ngay cả khi bệnh nhân qua đời bằng việc chăm sóc và điều trị tâm lý, hỗ trợ tinh thần cho người thân và gia đình bệnh nhân. Căn bệnh ung thư có thể khiến bệnh nhân phải chịu thêm các hậu quả khác như các cơn đau, chứng mất ngủ, táo bón, nôn, trầm cảm… nếu không được hỗ trợ điều trị giảm nhẹ, bệnh nhân dễ suy kiệt, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh cũng như chất lượng cuộc sống của họ. “Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng ý thức được việc này mà thường chủ quan. Như trường hợp bệnh nhân mắc táo bón, nếu trở lại viện sớm, được thăm khám và điều trị kịp thời thì không ra cơ sự đó”, BS. Yến nói.
Sự chủ quan của bệnh nhân còn thể hiện rõ nhất qua việc bỏ qua dặn dò về liệu trình điều trị.
“Giảm đau là quyền con người”
Bà Nguyễn Thị H. (Kiến Xương, Thái Bình) mắc ung thư hắc tố giai đoạn cuối, không còn cơ hội điều trị. Theo người nhà của bà H. những ngày cuối, các cơn đau kéo đến giằng xé cơ thể, khiến bà phải sử dụng đến loại thuốc giảm đau mạnh nhất là morphin. Tuy nhiên, với liều lượng bác sĩ cho phép sử dụng chỉ 1 ống/ngày không đủ để giúp bà H. chống chọi lại cơn đau. Gia đình chấp nhận qua “mối quen” mua lại morphin “lậu” với giá gấp 8 lần so với mua trong viện để giúp bà giảm đau.
Chia sẻ về việc này, BS. Yến cho rằng, với việc điều trị giảm nhẹ, trong đó có giảm đau cho bệnh nhân ung thư, sẽ tùy thuộc vào mức độ đau, nguyên nhân gây đau của bệnh nhân mà bác sĩ ra đơn thuốc. “Nhưng điều khó khăn là cái đau của bệnh nhân, bác sĩ không thể định lượng mà chỉ có thể áng chừng qua trao đổi, diễn đạt của bệnh nhân. Thuốc giảm đau được bác sĩ đưa ra dựa trên đánh giá bệnh nhân, do vậy, bệnh nhân phải diễn tả chính xác được cảm giác, vị trí, mức độ đau…”, BS. Yến nói.
BS. Yến cho biết, để điều trị đau cho bệnh nhân ung thư có 2 phương pháp chủ yếu là dùng thuốc và các biện pháp không thuốc (xoa bóp, châm cứu, tâm lý…). Riêng với giảm đau dùng thuốc thường được kết hợp giữa nhiều nhóm thuốc khác nhau, trong đó có morphin, codein, an thần… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau của bác sĩ lại thường bị bệnh nhân bỏ qua. BS. Yến dẫn chứng, có bệnh nhân được dặn dùng các liều giảm đau 4 tiếng 1 lần, tuy nhiên, đến giờ thuốc không thấy đau nên bệnh nhân cũng bỏ không uống. Chỉ đến khi đau quá không chịu nổi mới quáng quàng nên gọi cho bác sĩ. “Thuốc giảm đau phải sử dụng theo giờ, không đau cũng phải dùng, bởi khối u không mất đi, do vậy cần dùng đúng giờ để nồng độ thuốc ổn định trong máu giúp cơn đau không trồi sụt. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn có tâm lý e ngại sẽ phụ thuộc vào thuốc nên chấp nhận chịu đau, đó là sai lầm”, BS. Yến cho biết.
Cũng theo BS. Yến, “giảm đau là quyền con người”, chính vì vậy, bệnh nhân nếu có đau cần có sự trao đổi kỹ càng với bác sĩ, tránh trường hợp vì đau quá tự ý mua thuốc “chợ đen” để sử dụng. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của chính bệnh nhân. Trong trường hợp thuốc giảm đau không tác dụng, bệnh nhân cần trao đổi với nhân viên y tế để có được liều lượng phù hợp, giúp cuộc sống cuối bệnh được nhẹ nhàng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận