Chuyện dọc đường

Chậm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bác sỹ?

07/05/2021, 06:57

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, với sức lây nhiễm nhanh chóng của các chủng virus mới, việc tiêm vaccine như hiện nay là chậm 1 bước.

img

Bộ Tư lệnh Hóa Học (Bộ Quốc phòng) sử dụng các phương tiện đặc chủng tiến hành phun thuốc khử trùng toàn bộ khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chiều 6/5

Bệnh viện tuyến đầu của quốc gia điều trị bệnh nhân Covid-19 lại trở thành ổ dịch lớn nhất, đó là điều đau xót khó chấp nhận. Đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có tới gần 50 ca lây nhiễm.

Bài học từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai từng khiến chúng ta hao tổn tâm lực rất nhiều và trả giá cũng rất lớn. Nhưng những kinh nghiệm rút ra dường như đã không được chú trọng.

Chiến hào vững chắc trong phòng chống dịch hóa ra lại là điểm yếu đang bị Covid-19 tấn công.

Dư luận lại càng băn khoăn khi chính các bác sỹ bị lây nhiễm và trở thành nguồn lây với hàng nghìn ca F1, F2 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Vì sao, ngay cả các bác sỹ ở khoa truyền nhiễm của các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện 105… lại hết sức chủ quan và có người chưa được tiêm phòng hoặc mới được tiêm một mũi, chưa đủ khả năng đề kháng trước virus SARS-CoV-2?

Đợt sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam bùng phát trong bối cảnh nhiều nước láng giềng đang “lụt” trong dịch bệnh với số người nhiễm mới, tử vong ngày một tăng. Cùng nhiều giải pháp, vaccine Covid-19 được đánh giá là mũi nhọn để tạo miễn dịch cộng đồng và bảo vệ những người ở tuyến đầu chống dịch.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 là đội ngũ các y, bác sĩ, công an, người trực tiếp tham gia các hoạt động chống dịch…

Dự kiến trong quý I/2021, sẽ có 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch được tiêm từ nguồn viện trợ 1,2 triệu liều của chương trình COVAX.

Trong quý II, sẽ có thêm 1,8 triệu người (gồm cán bộ hải quan, ngoại giao, quân nhân, cán bộ, chiến sĩ công an, giáo viên…) được tiêm phòng. Tổng cộng, hết tháng 6, theo kế hoạch, sẽ có khoảng 2,4 triệu người trong danh sách ưu tiên sẽ được tiêm vaccine. Con số này so với lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch trên cả nước là rất nhỏ bé.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý II, theo công bố của Bộ Y tế, Việt Nam mới tiêm vaccine cho hơn 675 nghìn người. Trong đó, có rất nhiều bác sỹ tại các bệnh viện hàng đầu mới tiêm mũi 1, tức là hoàn toàn chưa có khả năng phòng vệ trước Covid-19 dù cả nước đang vào cao điểm chống dịch lần thứ tư. (Theo quy trình, phải sau 3 tháng mới được tiêm mũi 2, cơ thể mới có khả năng đề kháng virus).

Mới đây chia sẻ với báo giới, đại diện Bộ Y tế cho rằng, đã và đang nỗ lực hết sức để vaccine bằng mọi hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nguồn nhập khẩu trong năm 2021 và đầu 2022 dự kiến có 70 triệu liều. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang cố gắng đàm phán với công ty sản xuất vaccine Pfizer cũng như đang đàm phán mua vaccine từ một số quốc gia như Nhật, Nga… Về vaccine trong nước, sớm nhất cũng phải năm 2022 mới có thể sản xuất.

Nhưng những con số dự kiến, so với thực tế triển khai 5 tháng qua thực sự rất đáng lo ngại.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, với sức lây nhiễm nhanh chóng của các chủng virus mới, việc tiêm vaccine như hiện nay là chậm 1 bước.

Việc tiếp cận, đàm phán mua vaccine không phải là quá khó bởi Việt Nam là quốc gia có uy tín trên thế giới, chính sách ngoại giao tốt. Lúc này cần thiết phải mở các cánh cửa để nguồn vaccine về được Việt Nam sớm nhất.

Bên cạnh việc làm thật tốt công tác kiểm soát biên giới, giám sát quy trình cách ly, thực hiện thông điệp 5K thì việc quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

Chậm trang bị “áo giáp” cho nhân viên y tế, chiến sỹ biên phòng, an ninh, bộ máy chính quyền địa phương… đồng nghĩa với việc tước đi vũ khí chống dịch và “sức khỏe” của thế trận “phòng dịch toàn dân” sẽ bị suy yếu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.