Thị trường

Chậm trả lời đại biểu Quốc hội về chi phí, giá thành điện, EVN nói gì?

21/07/2023, 10:19

EVN cho rằng, đây là lần đầu tiên EVN nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội, nên muốn được hướng dẫn cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét trách nhiệm pháp lý của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về hành vi cố ý không tuân thủ các quy định của Hiến pháp và các quy định trong các đạo luật, về nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của Đại biểu Quốc hội.

Trước đó, đầu tháng 6, trong nghị trường Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề: Tại sao bao nhiêu năm qua, EVN không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, trong khi đó còn phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng. Ông Vân yêu cầu EVN gửi thông tin, tài liệu trước ngày 16/6, tuy nhiên, EVN đã không thực hiện đúng thời hạn.

Theo ông Vân, các tài liệu ông yêu cầu đều không phải tài liệu mật, bao gồm: báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ của EVN; chi tiết tài khoản 635 về chi phí tài chính, tài khoản 642 về chi phí sản xuất kinh doanh; báo cáo giá thành sản xuất chi tiết tài khoản 631; sao kê tài khoản EVN năm 2022; cơ sở tính giá thành và phê duyệt phương pháp tính giá thành của EVN.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Trên cơ sở đề nghị của đại biểu Lê Thanh Vân, ngày 17/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng tới các bộ ngành liên quan.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, EVN và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết các nội dung nêu tại văn bản của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/7/2023.

Về vấn đề này, đại diện EVN cho biết, đây là lần đầu tiên EVN nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của Đại biểu Quốc hội.

Nếu chiếu theo một số văn bản hiện hành thì chưa hướng dẫn cụ thể về phạm vi cung cấp thông tin, hình thức, trình tự thủ tục cung cấp thông tin, tài liệu, nguyên tắc sử dụng, khai thác thông tin… để EVN cung cấp cho đại biểu Quốc hội.

Do vậy, EVN đã gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong được hướng dẫn. Bởi lẽ, EVN băn khoăn về trách nhiệm bảo quản với các thông tin, tài liệu được cung cấp, nghĩa vụ bảo mật thông tin của EVN với các đối tác.

EVN giải thích, đang phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.

Trong khi, theo báo sau kiểm toán cho thấy, tính chung các chi phí, giá thành sản xuất điện năm 2022 của EVN là 2.032,26 đồng.

Còn về khoản tiền các công ty con gửi ngân hàng gửi, EVN giải thích là dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo hợp đồng đã ký kết, để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Thanh Vân cho biết, phần phản hồi của EVN về những thắc mắc của ông tại nghị trường còn rất sơ sài. Do đó, ông đã đề nghị tập đoàn này cung cấp thêm các thông tin, tài liệu về tài chính để có cơ sở đánh giá, nghiên cứu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.