Kinh tế

Chậm trễ tái cơ cấu: Trách nhiệm không rõ mà cứ chung chung

01/10/2014, 15:54

"Tái cơ cấu liên quan đến thể chế thì 3 năm qua, thể chế gì đi vào cuộc sống và như thế nào? Trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương là có, nhưng báo cáo này chưa thấy".

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ý kiến của ông Quyền cũng là nhận định chung của nhiều đại biểu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ QH sau khi nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015.

“Tôi là tác giả của hàng trăm báo cáo giám sát, nhưng thấy báo cáo này thiếu 1 vấn đề quan trọng là trách nhiệm", ông Quyền nói và đặt câu hỏi: "Tái cơ cấu liên quan đến thể chế thì 3 năm qua thể chế gì đi vào cuộc sống và như thế nào? Thể chế gì không phù hợp, tại sao? Thể chế nào còn thiếu? Trách nhiệm của QH, Chính phủ, các bộ ngành địa phương là có, nhưng báo cáo này chưa thấy", ông Quyền nói.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn giám sát phải chú ý chỉ ra được trách nhiệm trong việc chậm trễ tái cơ cấu, chậm trễ trong ban hành văn bản pháp luật hay ban hành rồi mà không thực hiện thì phải làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ ngành, tỉnh thành phố, Chính phủ, Quốc hội.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung lý, nói xử lý rất nhiều thì lại không rút ra được gì và hầu như không gắn kết với nhau. Doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu? Chiếm giữ bao nhiêu tài sản quốc gia? Đóng góp vào ngân sách Nhà nước được bao nhiêu, trong khi kiến nghị thì không rõ.

“Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp, ngân hàng nhận xét quá chung chung, quá trình cụ thể không rõ ràng. Chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, chưa thể hiện quyết tâm cao. Trách nhiệm không rõ mà cứ chung chung", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.