Quản lý

Chấn chỉnh quy trình duy tu đường sắt sau vụ ô tô đâm nhân viên gác chắn

31/12/2019, 11:57

Cục Đường sắt VN yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn trong quá trình duy tu, sửa chữa đường sắt sau vụ ô tô đâm nhân viên gác chắn ở Đà Nẵng.

img
Cục Đường sắt VN yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn sau tai nạn ô tô đâm nhân viên gác chắn ở Đà Nẵng

Cục Đường sắt VN cho biết, trước thông tin xảy ra tai nạn ô tô đâm gãy chân nhân viên gác chắn đang làm vệ sinh trên mặt đường ngang Km795+290 tuyến đường sắt Bắc - Nam (xã Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vào sáng 27/12, đơn vị này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đường sắt rà soát, chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn khi duy tu, bảo trì, tác nghiệp.

Cụ thể, đối với Tổng công ty Đường sắt VN, phải trực tiếp tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác đảm bảo ATGT đường sắt khi thi công, bảo trì kết cấu hạ tầng công trình đường sắt trên các tuyến đường sắt quốc gia. Trong mọi trường hợp phải tổ chức cắm biển phòng vệ thi công theo quy định nhằm tránh các trường hợp tương tự như trên xảy ra, đồng thời đảm bảo ATGT đường sắt dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2019.

Tổng công ty Đường sắt VN cũng cần tổng kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công, các ban quản lý dự án và tư vấn giám sát thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo ATGT đường sắt trong quá trình thi công, tập kết vật liệu, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương để có biện pháp ngăn ngừa các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt và các hành vi tiềm ẩn có nguy cơ mất ATGT đường sắt.

Đối với các công ty cổ phần đường sắt bảo trì cầu đường và các công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt, Cục Đường sắt VN yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải tổ chức và trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo ATGT khi thi công hoặc khi bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi quản lý. Đồng thời, kiểm tra và có biện pháp xử lý khắc phục ngay các tồn tại nguy cơ tiềm ẩn đến ATGT đường sắt; các hành vi vi phạm quy trình tác nghiệp trong quá trình thi công bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm bảo đảm an toàn thi công, an toàn chạy tàu và vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

“Người đứng đầu đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu để xảy ra tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của mình gây ra”, văn bản nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.