Xã hội

Chặn dịch Corona lan tràn qua vận tải khách

03/02/2020, 06:24

Hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy, hàng không đều được kiểm soát y tế chặt chẽ.

img
Toàn bộ nhân viên Hãng hàng không Vietnam Airlines đeo khẩu trang khi làm thủ tục cho hành khách tại sân bay Nội Bài

Các chuyến bay đi/đến giữa Việt Nam và Trung Quốc đại lục bị cấm hoàn toàn nhằm ngăn ngừa tối đa việc lây lan virus Corona.

Không để lọt hành khách có dấu hiệu nghi vấn

Vietnam Airlines đã quyết định thay đổi một số tiêu chuẩn dịch vụ để bảo vệ sức khỏe hành khách như: Hạn chế, không cung cấp những vật phẩm dùng nhiều lần như tạp chí, báo, tai nghe, chăn; phục vụ nước đóng chai thay cho đồ uống, hộp dùng một lần thay cho khay ăn; cung cấp dụng cụ ăn uống sử dụng một lần...


Có mặt tại Cảng HKQT Nội Bài những ngày này, ghi nhận của PV Báo Giao thông, những chiếc máy đo thân nhiệt đặt tại nhà ga quốc tế và quốc nội hoạt động 24/24h, đảm bảo không để lọt bất kỳ hành khách nào có dấu hiệu sốt, đặc biệt là những hành khách đến từ vùng có dịch nCoV tại Trung Quốc.

100% nhân viên sân bay đều đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Riêng lực lượng an ninh hàng không phải cả đeo găng tay bảo hộ lao động. Khách đến sân bay cũng chủ động trang bị khẩu trang hoặc nhận khẩu trang phát miễn phí tại sân bay.

Theo Phó giám đốc Cảng HKQT Nội Bài Nguyễn Huy Dương cho biết, Nội Bài là cửa khẩu hàng không quốc tế lớn nhất khu vực miền Bắc, có lưu lượng hành khách lớn thứ 2 cả nước nên các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp chống dịch nCoV được đặc biệt quan tâm. Cảng đã chủ động đặt ra các tình huống giả định phát hiện khách bị nhiễm virus nCoV tại các khu vực khác nhau (trọng điểm là tại Nhà ga quốc tế T2, tiếp đến là tại Nhà ga quốc nội T1, sảnh E… tình huống khách trên chuyến bay cập cầu hành khách, khách trên chuyến bay đỗ ngoài sân đỗ, khách tại khu vực công cộng…) và xây dựng kịch bản chi tiết với từng tình huống, tiến hành tập dượt các phương án phân luồng, cách ly hành khách và tàu bay có khách bị nhiễm virus nCoV.

Phía các hãng hàng không, trước khi có lệnh cấm toàn bộ chuyến bay khai thác giữa Trung Quốc đại lục và Việt Nam từ 1h chiều 1/2 của Cục Hàng không VN, máy bay của các hãng sau khi bay từ Trung Quốc về Việt Nam đều được hãng khử trùng theo đúng quy định.

Ngày 2/2, thông tin nhanh với PV Báo Giao thông, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Trọng Diện cho biết, 6 hành khách trên chuyến bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được cách ly và kiểm tra sức khỏe. Đây là 6 hành khách được “giải cứu” trên một chuyến bay từ Bắc Kinh về Việt Nam và đã hạ cánh an toàn vào lúc 18h30 ngày 1/2 ở sân bay Vân Đồn. Ngoài ra, 8 thành viên tổ bay cũng đã được cách ly và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, bảo vệ sức khỏe.

Vẫn còn nơi chủ quan, lơ là
Tại các bến xe, ga tàu ở tỉnh Nghệ An, công tác phòng dịch vẫn chưa được xem trọng. Theo ghi nhận của PV tại ga Vinh vào chiều 31/1, số lượng người tới ga và lên xuống các chuyến tàu rất đông tuy nhiên phía nhà ga chưa có bất cứ động thái nào để phòng dịch. Các nhân viên bán vé, kiểm soát vé không đeo khẩu trang hoặc đeo một cách qua loa dù họ phải tiếp xúc liên tục với nhiều hành khách. Ông Trần Văn Tùng, Trưởng ga Vinh thừa nhận: “Hiện tại chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, nhắc nhở hành khách và nhân viên nên đeo khẩu trang khi làm việc, giữ gìn vệ sinh cá nhân... Ga Vinh hiện chưa có phòng y tế, khu cách ly cũng không có bất cứ trang thiết bị nào để phòng dịch hoặc phát hiện người mắc bệnh”.
Cũng trong chiều 31/1, có mặt tại Bến xe khách Bắc Giang, PV ghi nhận đa phần hành khách, lái, phụ xe, nhân viên bến xe có mặt tại đây đều không đeo khẩu trang. Ông Nguyễn Trọng Khanh, Giám đốc Bến xe Bắc Giang thừa nhận, nhân viên và hành khách còn dấu hiệu chủ quan, lờ là trong phòng, chống virus Corona. Nguyên nhân là do Bến chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn, chỉ đạo nào từ cấp trên nên còn lúng túng, chưa biết phải triển khai phòng, chống dịch như thế nào.


Tại TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM cho biết, Trung tâm đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt tự động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Những hành khách quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam, khi đi qua khu vực kiểm dịch sẽ được đo thân nhiệt tự động. Nếu phát hiện bất thường, Trung tâm sẽ tiến hành cách ly để khám, kiểm tra chi tiết hơn.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Thanh, Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất sân bay Việt Nam chi nhánh Tân Sơn Nhất - VIAGS Tân Sơn Nhất cho biết, đơn vị đã trang bị 42.500 khẩu trang y tế đến toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty. Nhân viên phục vụ hành lý còn trang bị thêm găng tay khi trực tiếp bốc xếp hành lý. Cán bộ nhân viên trước khi vào ca trực phải được kiểm tra sức khỏe, nếu có những dấu hiệu ho, sốt… sẽ được bộ phận y tế kiểm tra chặt chẽ.

Tại Cảng hàng không Vinh, bắt đầu từ trưa ngày 31/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã bố trí cán bộ đến cắm chốt, trang bị máy đo thân nhiệt để kiểm tra thân nhiệt hành khách. Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh.

Tại CHK quốc tế Đà Nẵng, máy quét thân nhiệt hành khách được bố trí ở cả nhà ga quốc nội và quốc tế.

Khử trùng trong và ngoài bến xe, sẵn sàng mọi phương án

Cũng như tại sân bay, bến xe thời nCoV ngập tràn khẩu trang y tế. Việc khử trùng được tiến hành cả trong và ngoài bến.

Tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), ngay từ ngoài cổng các nhân viên bảo vệ, kiểm soát đã đeo khẩu trang. Trên khu vực bán vé các nhân viên trực quầy đều đeo khẩu trang khi giao tiếp với hành khách, bên ngoài cửa xuất bến các nhân viên kiểm soát và các doanh nghiệp vận tải đều tổ chức phát khẩu trang cho những hành khách chưa sử dụng.

Tương tự, tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), các nhân viên, lái, phụ xe đều đeo khẩu trang khi giao tiếp với hành khách. Ở trong khu vực xuất bến, nơi có hàng nghìn xe khách, các nhân viên bến xe liên tục nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang để đảm bảo phòng dịch bệnh tốt nhất. Một số nhà xe như: Văn Minh, Hiền Phước, Việt Anh… thậm chí còn trang bị khẩu trang và nước khử trùng cho hành khách.

Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn thông tin, các nhân viên bến xe được quát triệt trang bị khẩu trang y tế và phải đeo khi làm việc, tiếp xúc với hành khách. Trường hợp phát hiện có những hành khách có biểu hiện ho, sốt, khó thở… cần lập tức báo cho trung tâm y tế để được sơ cứu, cách ly kịp thời.

Tại các bến xe Bãi Cháy, Móng Cái, Cửa Ông (Quảng Ninh), lượng khách khá ít. Cứ khoảng 10 phút, loa phát thanh của Ban quản lý bến xe lại phát thông tin về dịch bệnh virus Corona và hướng dẫn biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Ngoài ra, toàn bộ các nhân viên của bến đều đeo khẩu trang khi đang làm việc. Các tài xế xe khách, taxi khu vực bến cũng tự trang bị khẩu trang.

Trong khi đó, Bến xe trung tâm Đà Nẵng cũng định kỳ dùng loa phát thanh thông báo nội dung phòng dịch đến người dân, hành khách; đồng thời yêu cầu các nhà xe khuyến cáo, nhắc nhở hành khách đi xe chủ động phòng dịch viêm đường hô hấp cấp.

Duy trì nhiệt độ hợp lý chống dịch trên tàu hỏa

img
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (giữa) và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi (bìa phải) kiểm tra phòng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona tại ga Đồng Đăng chiều 2/2. Ảnh: Thanh Thúy

Tối 1/2, có mặt trên chuyến tàu SE3 từ ga Thanh Hóa đi TP HCM, PV ghi nhận gần như 100% số hành khách và các nhân viên phục vụ đều đeo khẩu trang. Các bồn rửa tay ở khu vệ sinh của mỗi toa tàu đều được nhà tàu bố trí xà bông rửa tay. Việc thu gom rác thải được nhân viên trên tàu chú ý, không gian trên tàu sạch sẽ. Nửa đêm, một số hành khác khó chịu do đeo khẩu trang lâu nên đã tháo ra, tuy nhiên, họ lập tức được nhân viên phục vụ khuyến cáo nên duy trì việc đeo khẩu trang và rửa tay trên suốt hành trình.

Tại ga Hà Nội, toàn bộ nhân viên trên tàu, kể cả lúc đón khách tại cửa toa đều đeo khẩu trang, đồng thời phát khẩu trang miễn phí cho hành khách trước khi lên tàu. Các nhân viên giặt ủi, lồng trải đồ vải như chăn, ga, gối trên tàu cũng phải đeo khẩu trang nhằm phòng tránh dịch bệnh.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngoài việc cấp miễn phí khẩu trang cho nhân viên, hành khách, ngành Đường sắt cũng yêu cầu thường xuyên duy trì nhiệt độ trong toa tàu trong quá trình tàu chạy đạt 25-260C vào ban ngày và 26-270C vào ban đêm nhằm hạn chế thấp nhất sự phát tán của virus Corona.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý ga Hà Nội cho biết, ga Hà Nội cũng đang phối hợp với các đơn vị đường sắt trong khu vực ga triển khai trang cấp dung dịch rửa tay có cồn tại phòng đợi tàu, phòng vé; dành riêng một phòng làm phòng cách ly, trường hợp phát hiện hành khách, nhân viên có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ đưa vào phòng cách ly. “Không chỉ ga Hà Nội, việc triển khai các biện pháp phòng dịch được triển khai tại tất cả các ga, nhất là các ga lớn, đông khách đi tàu”, ông Thành cho hay.

Tại ga Đà Nẵng, ông Đăng Văn Hưng, Trưởng tàu SE20 cho biết, số lượng khách lên tàu khá lớn, tuy nhiên tại các cửa soát vé, nhân viên đều thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho hành khách đi tàu. “Trên tàu, các buồng vệ sinh luôn cung cấp đủ dung dịch cồn, xà phòng rửa tay cho khách. Ngoài loa phát thanh sử dụng Tiếng Việt và tiếng Anh tuyên truyền phòng dịch, các nhân viên phục vụ cũng theo dõi, nhắc nhở hành khách đi tàu thực hiện nghiêm công tác phòng dịch viêm đường hô hấp cấp. Nếu phát hiện trường hợp nào khả nghi thì có phương án xử lý cách ly kịp thời”, ông Hưng cho hay.

Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu

Ngay từ ngày 29/1, Bộ GTVT đã có Chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không VN, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải VN phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải; Tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì tổ chức cách ly, quản lý kịp thời, có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch…

CSGT dùng ống thổi một lần khi đo nồng độ cồn

Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo CSGT Công an các địa phương tăng cường TTKS trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, chú trọng vào các phương tiện vận tải hành khách, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp chở người nhập cảnh, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng chức năng kiểm soát, phòng, chống, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

Xem xét khả năng kiến nghị dừng tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc

img
Tàu khách liên vận Hà Nội - Nam Ninh vẫn đón khách tại ga Gia Lâm như thường lệ

Chiều qua (2/2), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi trực tiếp kiểm tra phòng dịch tại ga Đồng Đăng.

Theo đại diện Trạm biên phòng ga Đồng Đăng, trước kia biên phòng thực hiện kiểm tra hộ chiếu rồi mới đến thực hiện kiểm dịch, hải quan, thì nay tất cả hành khách, nhân viên trên tàu phải làm tờ khai hành trình, đo thân nhiệt. Nếu không phát hiện có biểu hiện nhiễm bệnh, được kiểm dịch chấp thuận, mới chuyển sang làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu, thông quan khác. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh sẽ chuyển sang phòng cách ly, nếu là khách Trung Quốc nhập cảnh sang sẽ không cho thông quan, mà gửi về Trung Quốc trên chuyến tàu liên vận gần nhất. Nếu là khách Việt Nam xuất cảnh, sẽ có xe y tế đưa về bệnh viện đa khoa Đồng Đăng để cách ly, theo dõi.

Ông Phạm Đức Khái, Trưởng ga Đồng Đăng cho biết thêm, lượng khách xuất - nhập theo tàu liên vận quốc tế qua ga Đồng Đăng trung bình trên 100 hành khách/ngày. Trong đó, chủ yếu là khách theo tàu đi Trung Quốc. Khách từ Trung Quốc sang trung bình 40 hành khách/chuyến, cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Ngoài ra, hàng ngày có đôi tàu ĐĐ5/6 chạy giữa Hà Nội - Đồng Đăng. Ngành Đường sắt thực hiện tuyên truyền, phát thanh trên tàu, dưới ga với hành khách trên mác tàu này.

Trực tiếp thị sát công tác phòng dịch tại ga Đồng Đăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, khi hành khách làm tờ khai y tế, kiểm dịch cần có thông tin về số điện thoại, địa chỉ liên lạc để chủ động liên lạc thông báo tình hình sức khỏe, hành trình di chuyển trong nội địa Việt Nam.

Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi đề nghị các đơn vị đường sắt tại ga phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên ngành và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất là giám sát các biểu hiện bệnh của hành khách, nhân viên đường sắt, kể cả tàu ĐĐ chạy giữa Hà Nội - Đồng Đăng và tàu liên vận.

Ông Khôi cũng cho biết, sẽ xem xét khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm dừng tàu liên vận quốc tế.

Nhà xe phát miễn phí khẩu trang cho khách

Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cho biết, ngay từ khi có dịch bùng phát, Công ty Phương Trang đã mua khẩu trang y tế phát cho tài xế, tiếp viên, nhân viên đeo, đồng thời phát miễn phí cho hành khách.

Một số nhà xe như Văn Minh, Hiền Phước, Việt Anh… thậm chí còn trang bị khẩu trang và nước khử trùng cho hành khách. Nhân viên phụ xe được yêu cầu nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang để bảo vệ cho chính mình và người khác.

Ở Hà Tĩnh, các doanh nghiệp vận tải cũng rất chủ động phòng tránh dịch Corona cho nhân viên và hành khách. Điển hình như nhà xe Thiên Hà - nhà xe cao cấp đầu tiên ở Hà Tĩnh đã quán triệt các nhân viên, lái xe và phụ xe phải đeo khẩu trang y tế khi làm việc; chú trọng hơn nữa khâu vệ sinh xe; chăn, ga và gối trên xe… đồng thời khuyến cáo hành khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.