Xã hội

Chặn đứng hành vi nhập “rác” vào Việt Nam

09/11/2020, 06:28

Tổng cục Hải quan khẳng định, đến nay không còn hiện tượng vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định vào lãnh thổ Việt Nam…

img
Tất cả những lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đều không được dỡ hàng xuống cảng

Ngăn chặn “rác” từ xa qua hệ thống phần mềm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Những năm qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng sơ hở về cơ chế chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam; sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải) làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

“Có hàng nghìn tấn phế liệu giấy, nhựa được buôn bán dạng thu gom, trong đó có cả phế liệu nhập khẩu được chuyển về từ các cảng biển. Ngoài ra, một số DN nhập khẩu phế liệu được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường nhưng lại bán cho các DN nhỏ lẻ khác (chưa được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây bức xúc trong dư luận”, vị đại diện thông tin.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ DN nhập khẩu xác định được số lượng phế liệu còn được phép nhập khẩu và cơ quan hải quan có cơ sở để thực hiện theo dõi trừ lùi phế liệu nhập khẩu,

Tổng cục Hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu. Theo thiết kế phần mềm, các đơn vị như cơ quan hải quan, DN kinh doanh cảng và DN nhập khẩu phế liệu có thể quản lý phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với phế liệu không đáp ứng điều kiện quy định.

Thực hiện tái xuất phế liệu tại cửa khẩu nhập

Được biết, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm các container phế liệu tồn đọng tại cảng, kiên quyết yêu cầu buộc tái xuất các lô hàng là chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây, trước phản ánh của DN, các hãng tàu về vướng mắc trong việc tái xuất phế liệu tồn đọng, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các lô hàng, hãng tàu đề nghị tái xuất gửi về tổng cục để thực hiện rà soát, đảm bảo việc sau khi tái xuất phế liệu không quay trở lại Việt Nam.

“Trên thực tế, cơ quan hải quan đã phát hiện những dấu hiệu bất thường của DN. Cụ thể, việc tái xuất phế liệu hầu như không tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu và đều dự kiến tái xuất sang nước thứ ba, dẫn đến khả năng bị từ chối nhận hàng và có thể bị trả lại Việt Nam. Đồng thời, việc chuyển hàng hóa sang vỏ container khác để tái xuất sang nước thứ ba và việc tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, vị đại diện nhận định.

Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo Cục hải quan các tỉnh, thành phố TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định thực hiện giám sát việc tái xuất phế liệu tồn đọng.

Theo đó, chỉ cho phép tái xuất đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng sau khi có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. Việc tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập và không được thực hiện tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa.

DN thực hiện thủ tục tái xuất theo từng vận tải đơn khi nhập khẩu (không được chia nhỏ lô hàng, không chia nhỏ số lượng container, không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển).

Hãng tàu ký biên bản cam kết tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển phải được lưu giữ nguyên trạng trong container ban đầu, không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác.

Để tạo điều kiện cho các hàng tàu, cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét, chấp nhận gia hạn thời hạn tái xuất phế liệu thêm 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và thông báo cho các hãng tàu về việc gia hạn chỉ thực hiện 1 lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.